Khu kinh tế Dung Quất, có tổng diện tích hơn 10.300 ha, nên việc thu hút đầu tư vào đây gặp rất nhiều khó khăn, ngoài công tác di dời và tái định cư khi các dự án hình thành, thì khó khăn nhất vẫn là kinh phí để kêu gọi và thu hút các dự án. Ông Trần Bá Nam - Trưởng phòng Tư liệu quảng bá của Trung tâm cho biết, kinh phí cho việc xúc tiến và kêu gọi đầu tư của Trung tâm khá hạn hẹp. Tuy ban đầu khi tiến hành dự án khu kinh tế Dung Quất, Chính phủ đã có những chủ trương ưu đãi, nhưng khi thực hiện thì cơ chế và chính sách ưu đãi không hơn gì các khu kinh tế khác có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, ví như các khu công nghiệp nhẹ ở Bình Dương. Bên cạnh đó, việc thu hút lao động có tay nghề, có trình độ nghiệp vụ và trình độ quản lý gặp không ít khó khăn, một phần do các chủ doanh nghiệp khi thu nhận người lao động có nhiều hứa hẹn tốt đẹp, nhưng khi người lao động đã chấp nhận làm việc cho họ, thì những hứa hẹn ban đầu hầu như không đúng với thực tế. Mặt khác, Khu kinh tế Dung Quất nằm xa khu dân cư, nếu không muốn nói là cách biệt, nên điều kiện đi lại, sinh hoạt của người lao động gặp không ít khó khăn, trở ngại. Hôm đến với Khu kinh tế Dung Quất, chúng tôi thấy một vài Công ty may, nhà xưởng đã hoàn thành, nhưng có công ty chưa hoạt động được, hỏi ra mới biết, việc thu nhận công nhân may có tay nghề cao rất khó, vì họ từ chối khi thấy không hội đủ điều kiện để làm việc và sinh sống tại khu Kinh tế Dung Quất. Theo chúng tôi, khu kinh tế Dung Quất muốn thu hút được lao động, các chủ đầu tư cần mạnh dạn chi trả kinh phí cho việc tạo dựng cơ sở hạ tầng trước khi thu nhận người lao động, tạo điều kiện tốt nhất để kích thích người lao động, đặc biệt những người có trình độ cao đến với khu Dung Quất.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất. Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2005 và nhất là trong 9 tháng đầu năm 2006, tình hình thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất đã có những chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được tiếp tục đầu tư. Các dự án trọng điểm như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và dòng đầu tư của nước ngoài như Pháp, Nhật, Mỹ và khu vực Đài Loan vào Khu kinh tế Dung Quất đang được khơi thông. Trong 9 tháng qua, Trung tâm đã tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn. Ví dụ: Dự án Nhà máy cán thép lò cao của Tập đoàn Tycoons-Đài Loan và dự án chế tạo thiết bị công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan có tới 17 lượt đoàn vào khảo sát, với gần 120 lượt người tham dự và gần 100 câu hỏi về việc đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất đã được giải đáp, khiến cho các chủ đầu tư yên tâm. Hiện nay Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đang tập trung chăm lo công tác giải phóng mặt bằng và san ủi đất nền cho 2 dự án này. Riêng dự án công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan, thì ngày 12/9, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Tập đoàn đã chính thức ký kết nguyên tắc thỏa thuận thuê đất và mặt nước đối với dự án, đồng thời chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để trình xin cấp giấy phép đầu tư.
Trong 9 tháng vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất đã tiếp tục duy trì và phát triển các đầu mối, các cầu nối đã xây dựng từ trước đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Trung tâm tập trung thu hút các dự án công nghiệp, dịch vụ phụ trợ cho các dự án công nghiệp nặng đã và đang chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là đối với 3 dự án: Nhà máy Lọc dầu, Nhà máy Luyện cán thép và Nhà máy Chế tạo Thiết bị công nghiệp nặng.Nhằm mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất cũng đã mở rộng hoạt động ra nhiều nước, tham dự nhiều cuộc hội thảo về thương mại và du lịch ở Hàn Quốc, Malaysia...
Như vậy, từ tháng 1 đến tháng 9 tháng năm 2006, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư, tuy mới đạt có 28% kế hoạch của năm 2006, nhưng đã đạt được gấp đôi so với cùng ký năm 2005. Tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 16.839 tỷ đồng Việt Nam, nhưng đạt 374,2% so với kế hoạch năm 2006 bởi có nhiều dự án đầu tư có lượng vốn lớn. Hiện nay, tại Khu kinh tế Dung Quất có 19 dự án đang triển khai xây dựng, có tổng vốn 47.988 tỷ đồng Việt Nam. Riêng Nhà máy Lọc dầu có tổng vốn 2,5 tỷ USD, Nhà máy Đóng tàu là 300 triệu USD. Ngoài những kết quả trên, trong 9 tháng 2006, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất còn cấp chứng nhận đăng ký Đầu tư và cấp thỏa thuận địa điểm cho 20 dự án, với tổng số vốn là 27.974 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đến khảo sát và đăng ký đầu tư tăng nhanh, song phần lớn đang trong giai đoạn khảo sát lập dự án và hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại Dung Quất còn mạnh dạn thu hồi 17 giấy phép đã cấp, bởi các dự án này không thực hiện đúng và đủ các điều kiện đã cam kết khi xin cấp phép. Trong đó có một số dự án không đủ khả năng và kinh phí đầu tư mà vẫn cố tình tìm cách xin giấy phép đầu tư, nên không thể thực hiện được dự án theo cam kết, nên Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất buộc phải thu hồi giấy phép. Bởi vậy nếu doanh nghiệp nào tự thấy mình chưa có đủ điều kiện thì không nên tìm cách xin giấy phép đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. Điều đó sẽ giúp cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Dung Quất giảm bớt được khó khăn trong công việc khảo sát và cấp phép