Gắn kết nghiên cứu với đào tạo và sáng tạo khởi nghiệp
Là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Công Thương và của cả nước, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp thời gian qua đã chú trọng thúc đẩy hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người; tìm kiếm đa dạng nguồn đầu tư khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước và các hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế; hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ có khả năng mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cao.
Qua nhiều năm thực hiện các đề tài cấp Bộ, cấp Sở và hàng trăm đề tài cấp cơ sở, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, năm học 2020-2021, lần đầu tiên Trường đăng ký và triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước do quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ. Nội dung chính của đề tài nhằm phân tích đưa ra những yếu tố ảnh hưởng chính giữa trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và hiệu quả phát triển doanh nghiệp bền vững. Đây là nội dung mới được đề cập nhiều trong các điều khoản cụ thể của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết.
Đặc biệt, trong nghiên cứu và công bố khoa học, Trường đã chú trọng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia bên ngoài (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Phenikaa…) để tạo ra các sản phẩm khoa học chất lượng, công bố nhiều bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus uy tín. Sự kết hợp này bước đầu đã tạo ra sức mạnh chung về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Trường, đồng thời cũng là yếu tố đẩy mạnh các hoạt động phục vụ, kết nối cộng đồng.
Thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp sinh viên cũng được Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp hết sức chú trọng và tạo điều kiện, môi trường phát triển. Năm học 2019-2020, Trường đã xây dựng kế hoạch, phát động và tổ chức thường niên cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên UNETI”, thu hút được 45 ý tưởng tham gia. Đến năm học 2020-2021, thu hút được 51 ý tưởng với hơn 250 cá nhân tham gia Cuộc thi. Đặc biệt, dự án “Trường học số 4.0” của Trường đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với các ý tưởng khởi nghiệp” quốc gia năm 2020.
Mới đây nhất, ngày 25/9/2021, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2021 với chủ đề “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội thảo, với một phiên họp toàn thể và 2 phiên họp tiểu ban chuyên môn, đã thu hút hơn 700 đại biểu tham gia trên nền tảng trực tuyến và tại các điểm cầu cả nước, với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, các giảng viên, đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong đó có 232 tác giả, 144 người ngoài trường tham gia xây dựng nội dung, gửi bài viết cho Hội thảo đều là những nhà khoa học uy tín đang công tác tại 42 cơ quan là các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ,…
Đa dạng giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ
Theo TS. Phạm Thị Thu Hoài - Chủ tịch Hội đồng Trường, mặc dù đã đạt được rất nhiều kết quả đáng mừng, từng bước đổi mới cả về số lượng và chất lượng nhưng hoạt động khoa học công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp của Trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định về hạ tầng và đội ngũ.
Nhằm phát triển tiềm năng khoa học công nghệ tương xứng vị thế của trường đại học trọng điểm thuộc Bộ Công Thương, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp xác định sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào gắn kết nghiên cứu với công tác đào tạo, với các phong trào sáng tạo và khởi nghiệp, chú trọng thúc đẩy chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm; tập trung các lĩnh vực có khả năng nâng cao thành tích và khai phá tiềm lực nghiên cứu. Đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế trên nền tảng các đối tác và chương trình ghi nhớ đã có; từng bước vững chắc mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng ở các nước tiên tiến, phát triển.
Để hiện thực hóa các định hướng này, Trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hợp lý để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; tăng số lượng công bố quốc tế, đặc biệt các công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus; số lượng quyền bảo hộ công nghiệp, giải pháp hữu ích.
Đồng thời, không ngừng đa dạng hóa các hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên gắn với đảm bảo chất lượng, kết quả thực hiện; triển khai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học sinh viên theo hướng ứng dụng thực tiễn, khuyến khích các dạng đề tài có sản phẩm phục vụ các quá trình đào tạo, hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác, chú trọng công tác chuyển giao công nghệ và thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học trọng điểm trong các lĩnh vực có thế mạnh trên cơ sở hợp tác với các chuyên gia, các cơ sở nghiên cứu ngoài trường để thúc đẩy việc công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo và xây dựng không gian khởi nghiệp, môi trường khuyến khích ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên, cũng như gắn hoạt động của các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học sinh viên với hoạt động sáng tạo khởi nghiệp và tìm kiếm các nhà đầu tư có chiến lược gắn bó đầu tư lâu dài với các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong Nhà trường”, TS. Phạm Thị Thu Hoài chia sẻ.