Đây là trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2018 Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang có Quyết định sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Tri Tôn vào Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang.
Thời gian qua, Nhà trường đã và đang thực hiện tốt công tác đào tạo nghề kết hợp với việc dạy văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ văn hóa cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức xã hội về công tác học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho lao động nông thôn.
Với chương trình đào tạo trung cấp với kết hợp với dạy văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang đã thu hút được rất nhiều học sinh vùng dân tộc miền núi với ước mong học nghề thoát nghèo. Hiện nay, trường đang đào tạo 16 ngành nghề trong đó năm học 2022-2023, Nhà trường bổ sung 4 nghề mới là: Tin học ứng dụng, Thương mại điện tử, Cơ khí xây dựng và Kế toán doanh nghiệp.
Đầu năm học 2022-2023, tổng số học sinh học trình độ trung cấp là 1.281 học sinh và hệ giáo dục thường xuyên có 13 lớp với tổng số 564 học viên. Nhà trường thực hiện tốt công tác công khai đào tạo, tổ chức dạy học theo đúng kế hoạch, giáo viên khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết bị và nguyên vật liệu thực hành. Năm qua Nhà trường cũng đã bố trí cho 188 học sinh khoá 12 thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đảm bảo chuẩn đầu ra của nghề.
Nhà trường tổ chức nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp nhằm mở rộng việc hợp tác trong công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp. Trong năm Trường đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 03 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại có 10 doanh nghiệp ký kết hợp tác ghi nhớ với Nhà trường. Doanh nghiệp cùng Nhà trường xây dựng 16 chương trình đào tạo, giải quyết việc làm cho trên 80% học sinh sau tốt nghiệp trung cấp.
Ngoài ra, Trường đã liên kết cùng công ty Cổ phần đầu tư Tài chính và Truyền thông quốc tế (MIF), tư vấn và hỗ trợ cho học sinh của Trường sau khi tốt nghiệp đi xuất khầu lao động tại nước ngoài. Đến tháng 11 năm 2022 đã có 05 học sinh đã đi xuất khẩu lao động tại Nhật, 04 học sinh đã xong phỏng vấn và 02 học sinh đang chờ phỏng vấn.
Cùng với những hiệu quả trong công tác giảng dạy, công tác tuyển sinh cũng được Nhà trường chú trọng triển khai kịp thời, linh động, sáng tạo trong khâu tổ chức. Trong năm, trường tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề tại các trường THCS trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Kết quả tuyển sinh: Trung cấp tuyển 825/400 học sinh đạt tỉ lệ 206,3%; Giáo dục thường xuyên cấp THPT 564 học viên; Dạy nghề cho lao động nông thôn 745/300 học viên đạt tỉ lệ 248%; trình độ sơ cấp 115/60 đạt 191,7%: dạy nghề dưới 3 tháng 630/240, đạt 262%.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, nhà trường tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho hơn 150 học sinh, tổ chức buổi tọa đàm giữa học sinh với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về “nhu cầu việc làm, định hướng và cơ hội nghề nghiệp” cho hơn 100 học sinh dân tộc thiểu số đang học năm cuối của khóa học, tạo điều kiện để các em được tìm hiểu, trao đổi về yêu cầu, về vị trí việc làm tại doanh nghiệp, từ đó học sinh định hướng vị trí việc làm ngay từ khi còn đang học tại trường.
Thời gian tới Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động gắn kết với doanh nghiệp nhầm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra của nghề và giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp. Tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề cho học sinh lớp cuối cấp THCS đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số miền núi thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp cho học sinh cuối khóa.
Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng với sự tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cuộc cách mạng 4.0. Quan tâm công tác bồi dưỡng nhà giáo đạt giải hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp năm 2022 tham gia hội thi nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia năm 2023, Nhà trường sẽ chú trọng việc nâng cao hiệu quả hoạt động giáo viên thực tập tại doanh nghiệp, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo viên.