Xác định mô hình sinh kế phù hợp cho hộ dân nghèo trên địa bàn xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

ThS. NGUYỄN MINH CHÂU (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết này là tìm kiếm và lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với hộ gia đình nghèo trên địa bàn xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu đã lược khảo các kết quả nghiên cứu về mô hình sinh kế đã triển khai trước đó trên địa bàn tỉnh An Giang, lược khảo bộ tiêu chí để lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn chuyên sâu cán bộ địa phương, cũng như thảo luận nhóm mục tiêu gồm những người dân am hiểu tại địa phương để đánh giá, lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp, khả thi với hộ nghèo không có đất, hoặc có ít đất sản xuất trên địa bàn nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được 2 mô hình sinh kế phù hợp, khả thi dựa theo bộ tiêu chí lựa chọn sinh kế và dựa trên ý kiến đánh giá xếp hạng của các bên liên quan, đó là: (1) Mô hình nuôi lươn không bùn, với tiêu chí ưu tiên lựa chọn là có lợi ích kinh tế cao; (2) Mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học, với tiêu chí ưu tiên là phù hợp với nguồn lực sẵn có của địa phương và của nhóm hộ mục tiêu.

Từ khóa: sinh kế, lựa chọn sinh kế, mô hình sinh kế cho hộ nghèo.

1. Đặt vấn đề

Phú Thọ là xã thuần nông thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có diện tích đất tự nhiên 1.766 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 1.425 ha (chiếm 80,7% diện tích đất tự nhiên). Dân số toàn xã hơn 11.000 người, 98% người dân theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo và gần 40% người dân sống bằng nghề nông nghiệp. Các hộ nghèo không có đất sản xuất thường mưu sinh bằng các công việc như mua bán hàng rong (rau, cải, bánh,...) tại chợ xã hoặc dùng xe đẩy tay len lỏi trong các cụm, tuyến dân cư, một số người dân đi làm thuê nơi khác hoặc đi bán vé số,... Những hộ gia đình có ít đất sản xuất thường trồng rau màu, chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập gia đình. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân tích và đề xuất lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập trung bình, từ đó góp phần cải thiện mức sống người dân trên địa bàn nghiên cứu.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu đã lược khảo các kết quả nghiên cứu về mô hình sinh kế đã triển khai trước đó trên địa bàn tỉnh An Giang. Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn chuyên sâu cán bộ địa phương, gồm: phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, cán bộ hội nông dân xã và cán bộ hội phụ nữ xã nhằm tìm kiếm các mô hình sinh kế khả thi, phù hợp trên địa bàn nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đã thảo luận nhóm mục tiêu gồm những người dân am hiểu tại địa phương về các mô hình sinh kế phù hợp, khả thi với hộ nghèo không có đất, ít đất sản xuất dựa theo bộ tiêu chí lựa chọn sinh kế tổng hợp từ một số tổ chức/dự án phi chính phủ áp dụng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gồm 8 tiêu chí cụ thể như sau: (1) Có lợi ích về kinh tế và dễ dàng tiếp cận với thị trường; (2) Không có hoặc ở mức độ tối thiểu tác động xấu đến môi trường; (3) Đủ tiếp cận với các nguồn lực phù hợp ở địa phương (tín dụng, tập huấn và các nguồn lực khác); (4) Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; (5) Đa dạng hóa giữa các mô hình nông nghiệp và phi nông nghiệp; (6) Kết nối với thị trường địa phương một cách bền vững; (7) Có khả năng nhân rộng; (8) Tất cả các lựa chọn sinh kế đề xuất sẽ tập trung vào đối tượng khó khăn.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Các mô hình sinh kế hiện hữu

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp, hội nông dân, hội phụ nữ địa phương cũng đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ gia đình khó khăn hoặc ít đất sản xuất. Mô hình nuôi lươn giống và lươn thịt được nhiều người dân quan tâm và tham gia học hỏi. Một số ngành nghề mới nổi ở địa phương như là nghề nuôi uốc bươu thương phẩm, nuôi thỏ, nuôi trăn, nuôi bồ câu và nuôi vịt trên đệm lót sinh học cũng được người dân tham gia nuôi thử nghiệm. (Kết quả phỏng vấn sâu cán bộ địa phương). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19,  nên sản lượng ốc bươu được xuất sang Campuchia bị sụt giảm, dẫn đến việc mở rộng mô hình này còn nhiều hạn chế bởi vấn đề thị trường. Các nghề nuôi thỏ, nuôi trăn, nuôi bồ câu có thị trường tiêu thụ không ổn định cũng như đòi hỏi những yêu cầu về kỹ thuật khá cao và thời gian đầu tư dài. (Kết quả thảo luận nhóm mục tiêu).

Nuôi heo, nuôi bò thịt là một nghề cũng xuất hiện khá lâu ở địa phương, nhưng hiện tại thị trường không ổn định, nên người nuôi heo cũng gặp khó khăn bởi đầu ra, trong khi nuôi bò có thu nhập tốt, nhưng đòi hỏi có nguồn vốn khá cao cho đầu tư con giống và thức ăn cũng như thời gian nuôi dài. (Kết quả thảo luận nhóm mục tiêu).

Đặc biệt tại Phú Thọ có nghề truyền thống là làm lò đất. Mặc dù những người sản xuất lò đất cố gắng tạo ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt, nhưng nghề này vẫn bấp bênh do nhu cầu sử dụng lò đất hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước đây. (Kết quả phỏng vấn sâu cán bộ địa phương).

3.2. Đề xuất lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp

Dựa trên mục tiêu nghiên cứu và 8 tiêu chí đánh giá sinh kế đã nêu trên, nghiên cứu tiến hành thảo luận nhóm nông dân am hiểu để đánh giá xếp hạng các mô hình sinh kế tại địa phương.  Mỗi tiêu chí đánh giá được người dân xếp hạng theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó 1 là xấu nhất và 5 là tốt nhất. Ngoài ra, để tăng khả năng chính xác của các đánh giá, nghiên cứu còn tính đến tầm quan trọng (thể hiện qua trọng số) của từng tiêu chí, dựa theo ý kiến đánh giá của người dân và cán bộ tại địa phương. Tổng trọng số của 8 tiêu chí là 100%. Cuối cùng, điểm đánh giá được nhân với trọng số này và tính điểm trung bình có trọng số cho tất cả các tiêu chí để có được điểm trung bình cuối cùng của một mô hình sinh kế. Dựa trên cột điểm trung bình cuối cùng của các sinh kế, tiến hành xếp hạng nhất, nhì, ba cho các mô hình sinh kế được chọn.

Ngoài ra, một khía cạnh khác để xem xét lựa chọn mô hình là các yếu tố cần cân nhắc, các yếu tố này được dựa vào trọng số cao nhất, hoặc điểm đánh giá thấp nhất cho từng tiêu chí riêng lẻ, cũng như những vấn đề phát sinh từ tình hình thực tế tại địa phương. Từ đó, nghiên cứu sẽ quyết định chọn ra mô hình sinh kế phù hợp nhất để triển khai thực hiện trên địa bàn.

Dựa vào hiện trạng các mô hình sinh kế tại địa phương cũng như thảo luận chuyên sâu với những người có liên quan, nghiên cứu đã chọn ra được 10 mô hình sinh kế phù hợp theo 8 tiêu chí được nêu. Các mô hình được lựa chọn cụ thể là: nuôi bò, nuôi thỏ, nuôi lươn, nuôi cá lóc bông giống, nuôi bồ câu, nuôi vịt trên đệm lót sinh học, nuôi heo, nuôi ốc bươu, trồng rau màu và làm lò đất.

Thông qua kỹ thuật sàng lọc ý tưởng, nhóm nông dân am hiểu đã đánh giá các mô hình sinh kế tại địa phương như Bảng 1.

Bảng 1. Ma trận đánh giá sinh kế tại xã Phú Thọ

Ma trận đánh giá sinh kế tại xã Phú Thọ

Trong đó: XH: Xếp hạng theo thang điểm từ 1 đến 5, với 1: xấu nhất và 5 là tốt nhất; TS: Trọng số của từng tiêu chỉ, sao cho tổng trọng số của 8 tiêu chí bằng 100%. Điểm trung bình: bằng trung bình trọng số của XH nhân với TS.

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả thảo luận nhóm và đánh giá xếp hạng của các bên liên quan

Bảng 1 cho thấy đa số các mô hình sinh kế có điểm trung bình từ 3 trở lên, trong đó có 8 sinh kế có điểm trung bình trên 4. Điều này chứng tỏ các mô hình sinh kế tại địa bàn đều được người dân đánh giá tốt. Tuy nhiên, có 3 mô hình sinh kế có điểm trung bình cao nhất và được xếp hạng nhất, nhì, ba lần lượt là nuôi lươn không bùn, nuôi vịt trên đệm lót sinh học và trồng rau màu.

Như vậy, xét theo thực tế của địa phương và yếu tố cân nhắc trong bảng đánh giá thì có 2 mô hình sinh kế tiềm năng được lựa chọn cho xã Phú Thọ là nuôi lươn không bùn và nuôi vịt trên đệm lót sinh học. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn được đánh giá xếp hạng cao nhất, có điểm trung bình là 4,78/5 điểm với yếu tố cân nhắc là mô hình này đem lại lợi ích kinh tế cao cho nông hộ. Tiếp đến là mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học cũng được đánh giá cao, có điểm trung bình là 4,45/5 điểm với yếu tố cân nhắc mà mô hình này phù hợp với nguồn lực sẵn có tại địa phương (cần diện tích đất ít, tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi trong gia đình, đặc biệt thích hợp với nữ giới). Mặc dù mô hình trồng rau màu có điểm trung bình khá cao, nhưng theo đánh giá của người dân địa phương, mô hình này có tác động xấu đến môi trường, do tập quán canh tác thâm canh, đất đai bị bạc màu, sâu bệnh nhiều, người dân cần sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Vì vậy, mô hình trồng rau màu đã không được lựa chọn.

4. Kết luận

Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn chuyên sâu và thảo luận nhóm nông dân am hiểu kết hợp với nghiên cứu bộ tiêu chí lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp, nghiên cứu đã lựa chọn 2 mô hình sinh kế phù hợp với nhóm hộ nghèo, ít đất sản xuất trên địa bàn xã Phú Thọ là mô hình nuôi lươn không bùn và mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn được người dân địa phương và các bên liên quan đánh giá cao nhất, do có lợi ích kinh tế cao. Trong khi đó, mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học là mô hình được cải tiến từ mô hình nuôi vịt truyền thống trước đây, với lợi điểm là mô hình này phù hợp với nguồn lực sẵn có tại địa phương và nguồn lực của hộ mục tiêu, như: cần diện tích đất ít, tận dụng được thời gian nhàn rỗi của hộ và đặc biệt phù hợp với lao động nữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND xã Phú Thọ (2020). Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
  2. ILO (2019). Tài liệu triển khai dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2019.
  3. ILO (2020). Báo cáo kết quả triển khai hộp phần sinh kế, dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020.
  4. Nguyễn Minh Châu (2019). Báo cáo đánh giá đầu kỳ hộp phần sinh kế, dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2019.
  5. Nguyễn Minh Châu (2020). Báo cáo đánh giá cuối kỳ hộp phần sinh kế, dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020.

SELECTING APPROPRIATE LIVELIHOOD MODELS

FOR THE POOR HOUSEHOLDS IN PHU THO COMMUNE,

PHU TAN DISTRICT, AN GIANG PROVINCE

Master. NGUYEN MINH CHAU

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City  

ABSTRACT:

This study examined and found out suitable livelihood models for poor households in Phu Tho commune, Phu Tan district, An Giang province. By using the document research method, this study reviewed the results of previous researches on the livelihood models which were deployed in An Giang province, and the set of criteria to select an appropriate livelihood model. In addition, the study conducted in-depth interviews with local officials and a target group discussion with knowledgeable local people to evaluate and select suitable and feasible livelihood models for poor households who have no land or have little productive land in the studied area. The study selected two suitable and feasible livelihood models based on the set of livelihood selection criteria and the evaluation of stakeholders, namely (1) the mud-free eel farming model with the priority selection criteria of high economic benefits; and (2) the duck farming model using a biological fermentation bed with the priority selection criteria of suitable and available local resources, and  the target group of households.

Keyword: livelihoods, livelihood options, livelihood models for poor households.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]