Một số giải pháp nhằm giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

VĂN QUANG ĐỊNH (Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương/ Học viên Trường Đại học Bình Dương)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, huyện Bàu Bàng đã tích cực thực hiện chương trình, giảm số hộ nghèo và thu được một số kết quả đáng kể. Tính bình quân cả giai đoạn 2015 - 2019 , mỗi năm, Huyện đã giảm từ 2 - 3% số hộ nghèo. Tuy nhiên, kết quả giảm số hộ nghèo chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao, đặc biệt ở vùng người dân tộc thiểu số. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích thực trạng công tác giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương thời gian qua, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm giảm hộ nghèo ở địa phương trong thời gian tới.

Từ khóa: Huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, giảm số hộ nghèo, nông dân.

1. Công tác giảm số hộ nghèo

Công tác giảm số hộ nghèo là tổng thể các biện pháp, chính sách của Nhà nước và xã hội hay là của chính đối tượng thuộc diện nghèo, nhằm tạo điều kiện để họ có thể tăng thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như thông tin, giáo dục, y tế, nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh…, giúp họ thoát khỏi tình trạng thu nhập không đáp ứng; các tiêu chí tiếp cận khác không đạt yêu cầu. Nói giảm số hộ nghèo trong đó luôn bao hàm xóa đói và cũng giống như khái niệm nghèo, khái niệm giảm số hộ nghèo chỉ là tương đối. Bởi nghèo có thể tái sinh mỗi khi quan niệm nghèo và chuẩn nghèo thay đổi. Hoặc, có những biến động khác tác động đến, như: khủng hoảng, lạm phát, thiên tai,... Vì vậy, việc đánh giá mức độ giảm số hộ nghèo cần được xem xét trong một không gian và thời gian nhất định.

Công tác giảm số hộ nghèo và các biện pháp tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau. Tăng trưởng kinh tế tạo ra cơ sở, điều kiện vật chất để hỗ trợ công tác giảm số hộ nghèo. Còn công tác giảm số hộ nghèo là nhân tố đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Công tác giảm số hộ nghèo là yêu cầu cần thiết để ổn định chính trị, xã hội. Trong những năm gần đây, một số vấn đề về chính trị, xã hội ở một số vùng núi, vùng Tây Nguyên diễn biến khá phức tạp do bọn phản động tuyên truyền, lôi kéo mà nguyên nhân sâu xa là vì nghèo khó mà nên. Điều đó cho thấy, công tác giảm số hộ nghèo ở nước ta không đơn thuần là một chương trình mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là một chương trình mang tính ổn định chính trị, xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, muốn đảm bảo công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải thực hiện tốt công tác giảm số hộ nghèo.

Nghèo đói đi liền với lạc hâu, chậm phát triển là trở ngại lớn đối với phát triển. Trong thời đại mở cửa, giải quyết vấn đề giảm số hộ nghèo càng trở nên bức xúc. Bởi vì, mở cửa gắn liền với việc giao lưu với các nước, hòa nhập với bên ngoài, các nước nghèo, chậm phát triển sẽ gặp nhiều bất lợi trong quan hệ kinh tế. Giảm số hộ nghèo là cơ sở để duy trì cho sự ổn định về chính trị xã hội. Do vậy, giảm số hộ nghèo có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở nước ta hiện nay.

Giảm số hộ nghèo là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sư ̣chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thi ̣và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, tạo điều kiện cho hộ nghèo bằng các chính sách cụ thể để họ có thu nhập và cuộc sống ổn đinh,̣ lâu dài thoát nghèo và không tái nghèo.

2. Thực trạng công tác giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

Thời gian qua, công tác giảm số hộ nghèo luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện; sự ủng hộ và phối hợp tích cực của các sở, ngành liên quan, sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, xã và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở với sự hỗ trợ nhiều mặt của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong quá trình thực hiện. Mục tiêu giảm số hộ nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trong 5 năm (2015 - 2019), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động 2.114 lượt chị em giúp cho 2.291 lượt chị em về giống, vốn, vật tư phân bón,... trị giá 4.527 triệu đồng; các cán bộ, hội viên phụ nữ đã tổ chức giúp đỡ cho 1.625 lượt hộ nghèo (trong đó có 943 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ). Hội Nông dân huyện đã tổ chức được 200 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 60 ngàn lượt hội viên tham gia; xây dựng hàng trăm mô hình tổ chức, vận động nông dân sản xuất, từng bước thay đổi nhận thức và cung cách làm ăn, cải thiện đời sống[1].

Nhờ những giải pháp giảm số hộ nghèo phù hợp với từng nhóm đối tượng nói trên trong 5 năm qua (2015 - 2019), toàn huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 784 hộ xuống còn 435 hộ, tương đương với tỷ lệ là 55,5% tương ứng với số giảm là 349 hộ trong giai đoạn 2015 - 2019. Điều này góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển. Theo kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo cuối năm 2019, toàn huyện có 303 hộ nghèo, chiếm 1,8% tổng số hộ trên địa bàn. Trong đó, hộ nghèo trong chính sách giảm số hộ nghèo là 147 hộ chiếm tỷ lệ 48,5%; hộ nghèo chính sách Bảo trợ xã hội là 156 hộ chiếm tỷ lệ 51,5%. Hộ cận nghèo có 132 hộ chiếm 0,81% tổng số hộ trên địa bàn[2].

Các hộ nghèo, vùng nghèo cũng đã tự mình vươn lên tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng để ổn định nâng cao đời sống và dần dần vươn tới khá giả. Mức sống của dân cư của hộ gia đình đã được cải thiện, các chỉ tiêu về xã hội cho thấy sự cải thiện trong việc tiếp cận đến các dịch vụ y tế và giáo dục,... của người dân. Những thành tích đó đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố thêm khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, công tác giảm số hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi vẫn còn một số tồn tại, như: Suất vay/hộ còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của hộ, một số bộ phận người nghèo do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa tiếp cận với nguồn vốn; một số hộ nghèo sử dụng nguồn vốn được vay không đúng mục đích; chưa lồng ghép tốt việc cho vay với các chương trình đào tạo nghề, khuyến nông - lâm - ngư dẫn đến còn một bộ phận người nghèo vay vốn nhưng chưa thoát nghèo được. Đối với các hộ cận nghèo chưa có chính sách cho vay ưu đãi nên các hộ vừa thoát nghèo không tiếp cận được vốn vay có nguy cơ tái nghèo cao.

Lực lượng lao động, nhất là ở nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu về tay nghề của các doanh nghiệp, công tác đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn còn thực hiện chậm, chưa đồng bộ và chỉ quan tâm đến chỉ tiêu đào tạo, chưa gắn kết giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo, tỷ lệ lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm còn thấp, từ đó hạn chế đến kết quả công tác đói giảm số hộ nghèo. Một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Ý thức của người dân trong việc tìm kiếm việc làm, học nghề, chưa cao, chưa phát huy tinh thần tự lực vươn lên; còn một bộ phận người dân trong diện hộ nghèo còn ỷ lại trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng.

3. Một số giải pháp cần thực hiện

3.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn lực phát triển

Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo: Tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng đang trong thời gian thực hiện hợp đồng tín dụng thì tiếp tục được hưởng chính sách này đến hết hợp đồng. Tiếp tục thực hiện cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên con gia đình nghèo, cận nghèo. Từng bước đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, chủ yếu là ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở hình thành các nhóm tín dụng - tiết kiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (phụ nữ, nông dân, thanh niên,…). Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Chính sách hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho người nghèo gắn với việc làm: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết và đề án dạy nghề cho nông dân theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; lồng ghép về đối tượng, địa bàn, nguồn lực với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, dạy nghề cho người nghèo, cho lao động xuất khẩu, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cơ sở, trường, lớp, thiết bị dạy nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung tâm dạy nghề của huyện. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khan, khi tham gia học nghề. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề phù hợp đối với lao động thuộc hộ mới thoát nghèo trong 1- 2 năm, tạo điều kiện để họ thoát nghèo bền vững.

Chính sách cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo: Tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình quốc gia khuyến nông - lâm - ngư miễn phí đối với người nghèo; đảm bảo cung cấp dịch vụ, các mô hình trình diễn, các hỗ trợ khác trong quá trình thực hiện; gắn khuyến nông - lâm - ngư với cung cấp tín dụng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người nghèo.

Chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo: Triển khai thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện tốt việc chuyển đổi các trường Phổ thông cơ sở có đủ điều kiện thành trường Phổ thông dân tộc bán trú. Tổ chức thực hiện tốt chế độ hỗ trợ tiền cho học sinh nghèo ở tất cả các cấp học ở các trường, lớp bán trú trong huyện.

Chính sách hỗ trợ về y tế: Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để nâng cấp cơ sở y tế nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, thiết yếu cho người dân ở các xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt: Tập trung huy động nguồn lực, thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, tiến tới đảm bảo 100% dân cư ở các xã, thị trấn được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý: Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí trực tiếp cho người nghèo. Ưu tiên và tập trung cho đồng bào ở các xã khó khăn; tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tư pháp xã, thị trấn, Tổ hòa giải, cán bộ trợ giúp pháp lý cấp xã, thị trấn.

Chính sách hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin: Tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đa dạng hóa và không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với bản sắc và truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Có chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận văn hóa, thông tin, nhất là người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, thông tin cơ sở; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.

3.2. Đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trên địa bàn

Thứ nhất, để đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong công tác giảm số hộ nghèo cần huy động mọi nguồn lực như vốn, lao động, công nghệ kỹ thuật, tài nguyên đất đai… nhằm bảo đảm đủ nguồn lực để phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề. Vì vậy, phải huy động tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như huy động nguồn lực từ chính bản thân người nghèo thông qua việc tiết kiệm chi tiêu để đầu tư cho sản xuất; Huy động từ ngân sách Trung ương; Huy động từ ngân sách địa phương; Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; Huy động sự đóng góp của nhân dân thông qua mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận (Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ); Huy động từ các tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện; Huy động sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả các tổ chức đa phương, song phương và phi chính phủ trên cả 3 phương diện kỹ thuật - kinh nghiệm - tài chính.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiệu quả nhằm đa dạng hóa thu nhập. Một nền kinh tế thuần nông không thể đem lại sự giàu có, ổn định và phồn vinh cho người dân. Do đó, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một biện pháp quan trọng để giảm số hộ nghèo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ làm giảm tỷ lệ lao động thuần nông, đồng thời giảm thời gian nông nhàn.

Thứ ba, phát triển kinh tế trang trại.

Xây dựng qui hoạch các vùng phát triển kinh tế trang trại tập trung để phát huy những lợi thế về điều kiện sinh thái của địa phương nhất là các trang trại chăn nuôi, trang trại trồng cây hoa Lan, trang trại trồng quýt đường,… Tạo điều kiện đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai của chủ trang trại, đặc biệt là những chủ trang trại đang sử dụng đất phù hợp với qui hoạch không có tranh chấp được xem xét để giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi về diện tích để các trang trại hoạt động. Có chính sách khuyến khích các trang trại sử dụng nhiều lao động và sử dụng lao động của hộ nghèo, không có đất. Tăng cường hệ thống dịch vụ giới thiệu việc làm, tạo cho người nghèo cơ hội tìm việc làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động có “lợi ích kép”: một mặt giải quyết việc làm cho lao động một mặt đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho đất nước. Chính vì vậy, cần chú trọng đến xuất khẩu lao động trong quá trình giải quyết việc làm.

Phát triển thị trường, đặc biệt một số thị trường trọng điểm như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lybia, Trung Đông và châu Phi… Phát triển và khuyến khích đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục ý thức pháp luật, làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động về thực hiện hợp đồng, tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa, hòa nhập thị trường lao động quốc tế. Tiếp tục triển khai và thực hiện các chính sách, cơ chế tín dụng cho vay ưu đãi và tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người nghèo xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người lao động được xuất khẩu ra nước ngoài, đối với những doanh nghiệp tổ chức xuất khẩu lao động cố ý gây hậu quả xấu thì cần phải cương quyết xử lý bằng pháp luật và biện pháp kinh tế, cấm vĩnh viễn không được phép tái xuất khẩu lao động dưới bất kỳ hình thức nào.

3.3. Nâng cao ý thức tự thoát nghèo cho người nghèo

Tuyên truyền để người nghèo chủ động vượt khó, có ý thức làm giàu. Hoạt động tuyên truyền để người nghèo chủ động vượt qua khó khăn của bản thân, có ý thức vươn lên thoát nghèo. Huyện Bàu Bàng cần phải làm cho người nghèo hiểu được rằng mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Một đất nước có nhiều hộ nghèo sẽ là một đất nước nghèo, một đất nước nghèo sẽ là một đất nước yếu, một đất nước yếu thì rất dễ lệ thuộc về kinh tế, chính trị và trở thành nô lệ của nước khác. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ giảm số hộ nghèo ở xã, phường, thị trấn để họ nâng cao nhận thức, có đủ kỹ năng vận động, tư vấn, hỗ trợ các hộ nghèo. Cải tiến, đổi mới hình thức vận động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức các buổi thảo luận nhóm, các buổi sinh hoạt cộng đồng, phổ biến kinh nghiệm thành công của những cá nhân tiên tiến, phổ biến kết quả thành công của các mô hình giảm số hộ nghèo có hiệu quả. Khi mà người nghèo thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, các giải pháp thoát nghèo khác mới có thể thực thi có hiệu quả.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tự thoát nghèo. Thành lập câu lạc bộ giảm số hộ nghèo với mục đích phát huy nguồn lực tại chỗ giúp người nghèo tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà đặc biệt là tạo ý thức vượt khó vươn lên của hộ nghèo thông qua hình thức kêu gọi những hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn… tham gia.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến ngư. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những động lực cơ bản để giúp người nghèo thoát nghèo. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo, con em đồng bào DTTS làm cơ sở để họ tự tạo thêm việc làm mới, nghề mới; từng bước đào tạo đội ngũ nông dân có học vấn và trình độ kỷ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn các mô hình, cách làm ăn, kỷ thuật trồng trọt, chăn nuôi... để người nghèo có thể khai thác nguồn lực sẵn có của mình, phát triển sản xuất một cách hiệu quả nhất.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1,2] Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng (2019), Tổng hợp tình hình công tác giảm nghèo của huyện Bàu Bàng giai đoạn 2015 - 2019.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thống kê huyện Bàu Bàng, Niên giám thống kê năm 2019.
  2. Đảng bộ huyện Bàu Bàng (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bàu Bàng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 7 năm 2020.
  3. Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương (2016), Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016, về việc phê chuẩn chương trình việc làm và giảm số hộ nghèo bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020.
  4. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng (2019), Tổng hợp tình hình công tác giảm số hộ nghèo của huyện Bàu Bàng giai đoạn 2015 - 2019.
  5. Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng (2019), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

 

SOME SOLUTIONS FOR REDUCING THE POOR HOUSEHOLDS OF BAU BANG DISTRICT, BINH DUONG PROVINCE

 VAN QUANG DINH

Vice Chairman, Vietnam Fatherland Front Committee of Lai Uyen Town, Bau Bang District, Binh Duong Province

ABSTRACT:

Over the past years, Bau Bang District has gained encouraging achievements in reducing the number of poor households. Froom 2015 to 2019, the number of poor households in Bau Bang District averagely reduced by 2% to 3%. However, the reduction of poor households in Bau Bang District is note stable, facing the high risk of poverty again. By analyzing the current situation of Bau Bang District’s poverty reduction, some recommendations are proposed to help the local authorities reduce the number of poor households sustainably in the coming time.

Keywords: Bau Bang District, Binh Duong Province, reducing the number of poor households, farmer.