Tôi vẫn nhớ như in cái chai rượu đúng màu vàng chanh, thấp thấp, tròn tròn được bày trang trọng trên ban thờ mỗi dịp Tết đến. Đó là chai rượu Chanh.
Thời bao cấp, đồ uống có cồn thông dụng nhất lúc bấy giờ là rượu trắng do dân ta tự nấu, được gọi là rượu “quốc lủi” để phân biệt với rượu “quốc doanh”. Tùy theo bài men và nguồn nước từng vùng sẽ cho ra thứ rượu đặc sắc của mình. Những năm đầu giải phóng, rượu cũng trở thành mặt hàng khan hiếm, một phần do chính sách lương thực, phần nữa cũng do hoàn cảnh thiếu thốn kéo dài đến hết thời bao cấp không còn nhiều người có đủ điều kiện để sử dụng rượu bia thường xuyên.
Rượu Chanh hẳn là một trong số những sản phẩm quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ, đặc biệt là người dân thủ đô. Dòng rượu này có mùi vị đặc trưng của Chanh, vị chua ngọt hài hòa, thơm, dễ uống, độ cồn chỉ có 25%.
Rượu Chanh là một sản phẩm của Nhà máy rượu Hà Nội, do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, cũng là nhà máy rượu duy nhất lúc ấy nằm ở góc đường Nguyễn Công Trứ – Lò Đúc.
Thời bao cấp, hình ảnh những chai Rượu Chanh, Rượu Cam chỉ xuất hiện vào những dịp đặc biệt, và mỗi nhà cũng chỉ được phát 1 – 2 chai, dùng dần trong những dịp lễ tết, giỗ chạp. Ngày nay, trên thị trường chỉ còn lại những chai rượu Chanh 500ml, dành cho những ai hoài niệm về một thời đã xa.
Những ngày giáp Tết, chợ phố, chợ quê lúc này đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa do chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ở khoảnh khắc chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình, hàng chục vạn người dân Hà Nội hồ hởi từ nơi sơ tán trở về ăn cái Tết hòa bình trong sự hân hoan.
Chợ có đủ các mặt hàng được bày bán. Những năm chiến tranh và cả sau này, điều kiện đất nước ta vẫn còn rất thiếu thốn, thực phẩm cũng không phải ngoại lệ. Nhưng riêng dịp Tết, người Hà Nội ai ai cũng tìm cách đi xếp hàng thật sớm để sắm sửa sao cho gia đình mình được ăn ngon hơn so với thường ngày.
Có những thứ chỉ ngày Tết mới có: bóng bì, bánh đa nem, miến, mộc nhĩ, mì chính, hộp mứt… Và tất nhiên, có cả chai rượu Chanh... Tất cả được đóng trong một gói hàng Tết, mà giờ đây với những người trải qua giai đoạn bao cấp, nó gợi nhắc những kỷ niệm không bao giờ quên về gói quà Tết "huyền thoại".
[Quảng cáo]