Những năm 1975-1985 đất nước gặp muôn vàn khó khăn cả về khôi phục kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ tổ quốc. Miền Nam không còn viện trợ của các nước tư bản; ở miền Bắc, nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũng cắt giảm viện trợ, đặc biệt những mặt hàng vô cùng cần thiết đối với một nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh như lương thực, sắt thép, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu…
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Trần Đức Minh, đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta gặp nhiều vấn đề nan giải, nhất là thiếu lương thực. Phó Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại Thương Nguyễn Nhật Tân đã giao cho Đoàn Đại diện các Tổng công ty xuất nhập khẩu Việt Nam tại Hồng Kông nhập khẩu tấm, bo bo từ Đài Loan (Trung Quốc) về bổ sung cho thiếu hụt lương thực trong nước.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta đã tập hợp trí tuệ các bộ, ngành, địa phương, nhất là khu vực phía Nam tìm cách tháo gỡ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã quyết định thực hiện chính sách Đổi mới, trong đó có đề xuất của các bộ quản lý ngành Công Thương và Bộ Nông nghiệp xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ. Gạo và lương thực của các tỉnh sản xuất ra được tự do luân chuyển, trao đổi trên thị trường cả nước.
Nhờ chính sách Đổi mới này, năng suất và sản lượng gạo, lương thực tăng mạnh. Khoảng năm 1986-1987, Phó Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại Thương Nguyễn Nhật Tân lại điện sang Hồng Kông, giao cho Đoàn Đại diện các Tổng công ty xuất nhập khẩu Việt Nam tại Hồng Kông bán 500.000 tấn gạo 5% tấm; và năm sau giao xuất khẩu tiếp 500.000 tấn gạo 5% tấm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh cho biết: “Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của các thương nhân kinh doanh gạo và đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ chỗ xuất khẩu những lô hàng ban đầu này, chúng tôi đã giúp các địa phương, nhất là phía Nam, xuất khẩu gạo, mở ra một giai đoạn thịnh vượng mới để nước ta sau này trở thành “cường quốc” về xuất khẩu gạo”.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh, chính sách Đổi mới còn tạo đà cho đất nước phát triển, khắc phục những tổn thất to lớn do chiến tranh gây ra, đã khiến cho hàng chục vạn mét vuông kho bãi ở Thượng Lý (Hải Phòng), Đức Giang, Yên Viên (Hà Nội) và cơ sở hạ tầng, vật tư ở nhiều địa phương khác thuộc quyền quản lý của ngành Công Thương bị tàn phá nghiêm trọng.
[Quảng cáo]