Sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” đã mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân Mỹ trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cùng với các nhà máy, xí nghiệp, Nhà máy Supe Lâm Thao phải đứng trước tình hình mới, nhiệm vụ mới của 10 năm kháng chiến gian khổ ác liệt nhất: vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến.
Trong giai đoạn khó khăn vừa vững tay búa vừa chắc tay súng, lực lượng thanh niên vẫn là lực lượng xung kích tiên phong xây dựng và chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ thành quả lao động, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Không chỉ kiên cường bám trụ sản xuất, những cán bộ, công nhân Nhà máy Supe Lâm Thao còn là những gương sáng điển hình về tinh thần chiến đấu dũng cảm. Đã có những tấm gương anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo khi chiến đấu bảo vệ nhà máy. Nhiều thanh niên ưu tú đã lên đường nhập ngũ để chi viện cho chiến trường miền Nam, với một ý chí, niềm tin và khát vọng cháy bỏng:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Những dòng lưu bút họ để lại trong cuốn Sổ vàng truyền thống là minh chứng cho thấy một tinh thần thép với quyết tâm sắt đá. Những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết ấy, đã mang trong mình tâm thế sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thân yêu. Họ tự hào được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh và ngôi sao vàng trên mũ.
Xin được trích ra đây một trong những dòng lưu bút của các đoàn viên ưu tú trước khi lên đường nhập ngũ:
“Ra đi giữ vững lời thề
Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”.
Đó là câu thơ mở đầu cho dòng lưu bút trước khi lên đường nhập ngũ của đoàn viên Đào Anh Hoàng viết ngày 24/8/1971.
“… Trước khi lên đường giết giặc cứu nước, là một đoàn viên vinh dự mang tên Bác Hồ vĩ đại, tôi xin hứa trước Đảng, trước Đoàn giữ vững truyền thống của Đoàn, ra đi là chiến thắng. Nguyện suốt đời chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đoàn…”.
Hay trong bức thư ngày 25/8/1971: “Giờ lên đường đã đến. Là những người con được cầm súng trực tiếp đánh đuổi giặc Mỹ, tôi nguyện sống và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại và là những người con trung thành của Nhà máy Supe…”.
Còn trong bức thư của đoàn viên Vũ Đình Dũng viết ngày 25/8/1971 có đoạn: “Các đồng chí thân mến! Giờ chia tay với các đồng chí - những người còn ở lại Nhà máy thân yêu, những người đang chuẩn bị lên đường giáp mặt với quân thù xin gửi lại các đồng chí muôn vàn tình thương mến! Chúng tôi ra đi xin hứa với các đồng chí sẽ chiến đấu thật giỏi, thật xứng đáng với mong mỏi của các đồng chí, của những người ở hậu phương…” .
Trong lá thư viết ngày 24/5/1972 của đoàn viên Trần Ngọc Thân đã thể hiện lòng quyết tâm của mình: “Thực hiện lời Bác dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tôi, ngày mai vinh dự được lên đường cầm súng đánh giặc Mỹ để bảo vệ Tổ Quốc. Tôi xin hứa hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao cho. Hẹn gặp lại các đồng chí …”.
Những dòng lưu bút của họ tuy mỗi người một tâm trạng, nhưng lòng quyết tâm ra đi chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc thì như một. Trong số họ, có những người đã mãi mãi nằm lại chiến trường, còn những người may mắn được trở về quê hương sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, họ lại tiếp tục cùng toàn thể cán bộ công nhân Nhà máy Supe chung tay xây dựng, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Họ đã không quản khó khăn, gian khổ, xây dựng Nhà máy trở thành đơn vị cung cấp phân bón phục vụ nông nghiệp lớn nhất cả nước.
Giờ đây, cuốn sổ Vàng truyền thống ghi lại những dòng lưu bút năm xưa của những đoàn viên là công nhân Nhà máy Supe Lâm Thao đã được đặt trang trọng trong Phòng truyền thống của Ngành Công Thương. Để những thế hệ sau này có thể xem và hiểu cha ông họ đã từng sống, chiến đấu và lao động như thế nào.