Hiện nay, việc tham gia bảo hiểm xã hội là bắt buộc đối với các doanh nghiệp, áp dụng cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, hộ kinh doanh cá thể sẽ trở thành một đối tượng mới phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Từ ngày 1/7/2025, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh theo quy định) sẽ thuộc nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Quy định mới về đối tượng tham gia
Trước ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không quy định hộ kinh doanh phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chủ hộ kinh doanh nếu muốn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Tuy nhiên, với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025, hộ kinh doanh sẽ là một trong những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, Khoản 3 Điều 2 của Luật quy định người sử dụng lao động bao gồm cả hộ kinh doanh và Điểm m Khoản 1 Điều 2 nêu rõ chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh sẽ thuộc nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đồng thời, những người lao động làm việc cho hộ kinh doanh đó cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, cũng như tạo sự công bằng giữa các loại hình lao động tại Việt Nam.
Mức đóng và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội
Chủ hộ kinh doanh sẽ lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng này không được thấp hơn mức tham chiếu và không cao hơn 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Theo Khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức tham chiếu hiện tại là 2.340.000 đồng/tháng (bằng mức lương cơ sở đang áp dụng).
Như vậy, từ 1/7/2025, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng của chủ hộ kinh doanh sẽ nằm trong khoảng sau:
- Mức đóng thấp nhất: 2.340.000 đồng/tháng
- Mức đóng cao nhất: 46.800.000 đồng/tháng
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được quy định như sau:
- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản
- 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất
Tổng cộng là 25% tiền lương làm căn cứ đóng. Chủ hộ có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Dựa trên mức tham chiếu 2.340.000 đồng, mức đóng thấp nhất của chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội hàng tháng là 25% của 2.340.000 đồng, tương đương 585.000 đồng.
Ngoài ra, hộ kinh doanh còn có trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm 2013 và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bao gồm: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tỷ lệ đóng tổng cộng các loại bảo hiểm này là 21,5% từ quỹ lương tháng của người lao động.

Mức phạt khi hộ kinh doanh không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Hộ kinh doanh, dù hoạt động với quy mô nhỏ, vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lao động. Nếu hộ kinh doanh sử dụng lao động có ký hợp đồng mà không kê khai thông tin và không đóng đủ các khoản bảo hiểm theo quy định, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt cụ thể như sau:
- Không đóng bảo hiểm cho một hoặc một số nhân viên: Bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng, tối đa không quá 75.000.000 đồng (theo Điểm c Khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Không đóng bảo hiểm cho toàn bộ nhân viên: Bị phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng, tối đa không quá 75.000.000 đồng (theo Khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Mức phạt này cũng áp dụng tương tự cho trường hợp chủ hộ kinh doanh không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Lưu ý, đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ cao hơn so với cá nhân.