Trước đó, tại đợt 1 của phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất trực tuyến kết hợp trực tuyến kết nối 62 điểm cầu trên toàn quốc đối với hai lĩnh vực Công Thương và tài nguyên - môi trường.
Đứng trước 35 đại biểu chất vấn về lĩnh vực Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp trả lời, giải trình tiếp thu đầy đủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an,… đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm các vấn đề có liên quan.
Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3.
Tại phiên họp, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu và dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 cho thấy các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, đồng thời có một số ý kiến góp ý cụ thể.
Về lĩnh vực công thương, Tổng Thư ký Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng nói chung và xăng, dầu nói riêng” đối với vấn đề về xăng, dầu; “đẩy mạnh kiểm soát hoạt động thương mại điện tử để ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn, lậu thuế” đối với vấn đề về phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Bởi đây là các giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng vấn đề chất vấn.
Cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dự thảo được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng, đã lấy ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch đó là cả một quá trình. Điều mà cử tri quan tâm nhất hiện nay là giải quyết tình trạng ách tắc về vấn đề ùn ứ hàng hóa, nhất là hàng nông sản tại các cửa khẩu thì cần phải nêu rõ ngay trong Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, qua thực tế trên cửa khẩu Tân Thanh cho thấy vấn đề ách tắc liên quan đến nhiều vấn đề như về phối hợp liên ngành, vấn đề kiểm tra sau thông quan, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý làm thêm giờ... Cử tri quan tâm là việc có để tình trạng ùn ứ hàng hóa này xảy ra hay không, chứ không phải chờ đến khi làm xong chính ngạch mới giải quyết được vấn đề ùn ứ hàng hóa xuất khẩu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Nghị quyết phải thể hiện được theo hướng có chính sách, giải pháp để giải quyết được tình trạng ùn ứ hàng hóa, nhất là hàng nông sản tại các cửa khẩu và đẩy nhanh việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với lộ trình thực hiện cụ thể. Từ đó Bộ Công Thương với Chính phủ phải tập trung giải quyết vấn đề ùn ứ hàng nông sản. Quốc hội, các Ủy ban cũng phải tăng cường giám sát, nắm tình hình thực tế tại khu vực cửa khẩu biên giới, tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị viết đầy đủ "tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra" đồng thời "xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật" để bảo đảm chặt chẽ và đầy đủ hết các lực lượng, kể cả công tác giám sát.
Về kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục việc rà soát để hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu; điều hành giá xăng dầu bám sát giá thế giới, quản lý theo thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Cần phải điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt hơn, tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP nếu thấy cần thiết.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, từ trước đến nay đối với cơ quan Chính phủ khi nói đến chất vấn thường hay dùng từ "bị chất vấn" nhưng qua lần chất vấn này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương cảm nhận lần này là "được chất vấn".
Bởi qua chất vấn, người dân cùng các cơ quan liên quan quản lý nhà nước, các chuyên gia hiểu hơn các vấn đề. Nhất là những vấn đề Bộ đã làm tốt nhưng có khi dư luận lại đánh giá không đúng; cùng với đó nhiều vấn đề Bộ làm chưa tốt thông qua chất vấn đã giúp chỉ rõ từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về nội dung phải khắc phục ngay tình trạng ách tắc, ùn ứ về hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới, kết hợp với đẩy nhanh việc chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai, bổ sung thêm Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan… để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.