Mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV sáng 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời 24 đại biểu chất vấn và 7 đại biểu tranh luận trực tiếp liên quan đến 3 nội dung: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua phiên chất vấn cho thấy, các vị Bộ trưởng, trong đó có người mới lần đầu trực tiếp trả lời chất vấn như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lĩnh vực quản lý rộng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh lớn, nhạy cảm, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, nhưng các vị Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất một số giải pháp, nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV: Một phiên chất vấn nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm
Bộ Công Thương là một Bộ đa ngành, quản lý rất nhiều lĩnh vực có tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng chính vì vậy mà các đại biểu Quốc hội có nhiều vấn đề muốn chất vấn Bộ trưởng. Chưa kể, những vấn đề hôm nay đưa ra đều là nội dung đang “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri toàn quốc. Số lượng 24 đại biểu chất vấn và 7 đại biểu tranh luận trực tiếp trong hơn 2 giờ đồng hồ sáng nay đã thể hiện rõ sự quan tâm này, cũng đặt ra áp lực cho Bộ trưởng.
Đứng trước áp lực này, tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Các câu trả lời được đưa ra khá rõ ràng, mạch lạc. Đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ trưởng thể hiện quan điểm cầu thị tiếp thu; đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành khác, Bộ trưởng cũng chỉ rõ để đại biểu có “địa chỉ” đặt vấn đề. Phần trả lời bổ sung của ba Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công an làm rõ hơn quan điểm của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nông sản, xăng dầu, thị trường.
Những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương và tranh luận trở lại của các đại biểu đã phản ánh khoảng cách nhất định từ chính sách đến thực tiễn, song qua đó cũng gợi mở về sự thay đổi cần thiết để hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả của công tác điều hành.
Bộ trưởng cần tiếp thu các ý kiến của đại biểu, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại phiên chất vấn.
TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội: Nhiều thông tin được đưa ra mà các đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri trước đó chưa từng nghe đến hay hiểu chưa đầy đủ
Tại Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương là người đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn, cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đứng ở vị trí này kể từ khi nhận nhiệm vụ tư lệnh ngành. Nếu không nói đến điều này có lẽ nhiều người sẽ không biết, vì tôi cho rằng Bộ trưởng đã khá tự tin, bản lĩnh khi đối diện các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, góp phần làm nên một phiên chất vấn sôi nổi, thẳng thắn và quan trọng là tranh luận mang tính xây dựng.
Trước hết, cần phải ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn hôm nay. Nhờ vậy, từ phần phát biểu dẫn dắt, đến phần trả lời chất vấn đều tập trung đúng vấn đề, ngắn gọn nhưng thẳng thắn.
Không chỉ làm rõ những nỗ lực và kết quả tích cực của Chính phủ và Bộ Công Thương đạt được trong thời gian qua, phiên chất vấn hôm nay đã giải trình khá đầy đủ về những vấn đề vướng mắc, hạn chế mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Tôi tin rằng tại phiên chất vấn hôm nay, có nhiều thông tin được đưa ra mà các đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri trước đó chưa từng nghe đến hay hiểu chưa đầy đủ. Đây là điều rất cần thiết cho một phiên chất vấn, nó không chỉ mang tính mổ xẻ, trách móc, mà phải cung cấp những thông tin cần thiết, làm sáng tỏ những vấn đề còn khúc mắc và quan trọng hơn là có thể rút ra được định hướng hay thậm chí là giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề bình ổn giá xăng, dầu, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước và ổn định đời sống Nhân dân. Tính xây dựng mà tôi nói đến chính là ở đây.
Sau phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ có rất nhiều việc phải làm, để hiện thực hóa những cam kết của mình trước các đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước. Quan trọng hơn là Chính phủ và các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau và gắn bó với các địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân, cử tri cả nước.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV: Nhận diện được vấn đề thì chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết
Là người có cơ hội được tham gia các cuộc chất vấn ở Quốc hội khá lâu, tôi đã tiếp xúc và làm việc với nhiều Bộ trưởng, thành viên Chính phủ các khóa.
Đây là hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV, cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên được chất vấn.
Bộ trưởng mới nhận vị trí chưa lâu, kế thừa những di sản của các Bộ trưởng tiền nhiệm để lại. Người ta hy vọng ở buổi chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng là có nắm được việc hay không? Có phát hiện được những vấn đề chưa ổn, phải thay đổi hay không? Đây là điều rất quan trọng.
Về vấn đề nổi trội lên lúc này là xăng dầu, phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ hai yếu tố: Thứ nhất, sự đột biến của tình hình chiến sự Nga – Ukraine đã tác động mạnh mẽ đến nguồn cung và giá; Thứ hai, bộc lộ những tồn tại trong an ninh năng lượng đất nước về hoạt động của nhà máy lọc dầu trong nước. Tôi nghĩ Bộ trưởng đã rất thẳng thắn khi đưa ra vấn đề và nhìn nhận những tồn tại này để tìm giải pháp khắc phục. Xăng dầu không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà còn tác động lớn đến đời sống kinh tế bởi là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, vậy nên việc phân tích, làm rõ vấn đề nội tại để đưa ra giải pháp là cần thiết.
Bộ trưởng cũng nói đến một thực tế, mà tôi cho rằng phát hiện này là quan trọng. Nếu như làm đúng thủ tục, quy trình thì không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Đơn cử, để đi đến quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường, phải đi qua các kỳ họp Quốc hội, vài tháng sau mới triển khai được. Hay dự trữ quốc gia về xăng dầu, như Bộ trưởng đã đặt vấn đề, là chỉ có 5-7 ngày thôi, phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối. Rõ ràng những nội dung này bây giờ phải chấn chỉnh lại.
Về nông sản, vấn đề đặt ra là phải biến nguy thành cơ. Khó khăn là động lực và yêu cầu ta phải thay đổi, thay đổi từ nhận thức đến thể chế hóa thành pháp lý.
Khi nói đến đổi mới, người ta luôn yêu cầu nhà nước phải đổi mới. Nhưng yêu cầu quan trọng nhất để bảo đảm đổi mới thực sự là chính người dân phải đổi mới. Không phải chỉ đặt trách nhiệm ở nhà nước hay xã hội “giải cứu”, mà bản thân mỗi người nông dân phải tự cứu lấy mình bằng cách thay đổi thói quen, tổ chức lại sản xuất. Bản thân thị trường Trung Quốc cũng đã thay đổi rồi. Họ đòi hỏi chất lượng cao hơn, đòi hỏi chính ngạch. Nếu cứ chạy theo đường tiểu ngạch thì ta sẽ bị bỏ lại phía sau.
Tôi đánh giá cao việc thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã phát hiện ra khá nhiều vấn đề, Bộ trưởng đã thẳng thắn không né tránh. Và khi nhận diện được vấn đề thì chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết. Tôi cho rằng trên cơ sở đó, tới đây, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải tiếp tục làm việc với nhau để tìm giải pháp, hoàn thiện cơ chế điều hành để phù hợp hơn với thực tế.