Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin bổ ích, thiết thực trong việc viết báo cáo tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) cho các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước cũng như chỉ ra những điểm tồn tại và khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục đứng từ góc độ của các đơn vị kiểm định.
Hội thảo có sự tham dự của ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Đảm bảo chất lượng; ông Nguyễn Văn Thảo – Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bô Công thương; ông Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; ông Trương Huy Hoàng – Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực… cùng các vị đại biểu đến từ gần 40 trường đại học, học viện, cao đẳng và các tổ chức trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, ông Trương Huy Hoàng – Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Theo đó, kiểm định chương trình đào tạo mang lại những giá trị đích thực, nâng cao thương hiệu và chất lượng đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục. Trong khuôn khổ đó, mục tiêu của một đơn vị giáo dục không chỉ nhằm thu hút sinh viên mà còn khẳng định chất lượng đào tạo.
Chia sẻ tại hội thảo, Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Đảm bảo chất lượng cho biết: Chủ đề của buổi hội thảo tuy không mới nhưng sứ mệnh lịch sử, tính chất thời sự, thực tiễn thì rất mới. Ông hy vọng, buổi hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp tác động và nâng cao việc kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có cơ hội nghe và thảo luận chủ đề “Các tiêu chí cần chú ý trong Bộ tiêu chuẩn đánh giá CTĐT theo thông tư 04/2016/TT-BGDĐT” của PGS.TS. Ngô Doãn Đãi. Bên cạnh đó, những hạn chế cần được khắc phục trong công tác tự đánh giá và chuẩn bị đánh giá ngoài đã được PGS. TS. Nguyễn Phương Nga nêu rất rõ nét trong bài tham luận “Những tồn tại về CTĐT theo kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục: Đánh giá và khuyến nghị”. Đóng góp vào nội dung tham luận trọng điểm của Hội thảo, Đại học Điện lực đã cung cấp báo cáo thiết thực, liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm thực tế trong việc tổ chức tự đánh giá và chuẩn bị cho đánh giá ngoài tại trường thông qua chủ đề “Một số trao đổi trong thực hiện tự đánh giá CTĐT tại Đại học Điện lực” của TS. Nguyễn Tố Tâm.
Nhờ đó, các đơn vị tham gia có được cái nhìn khách quan và tổng thể hơn về quá trình tự đánh giá và đánh giá ngoài trong kiểm định CTĐT. Công tác tự đánh giá CTĐT là căn cứ để Nhà trường tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Một trong những lợi ích lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục trong công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài là những điểm mạnh và điểm tồn tại của CTĐT sẽ được chỉ ra, nhờ vậy đơn vị có cơ sở để lập kế hoạch hành động cụ thể nhằm cải tiến, khắc phục những tồn tại này, từ đó xây dựng lộ trình phát triển cho CTĐT theo hướng vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, gián tiếp hưởng lợi là sinh viên và giảng viên khi môi trường dạy và học được nâng cấp và đảm bảo chất lượng; sản phẩm đầu ra của các chương trình đào tạo được cải thiện, sinh viên tiếp cận với việc làm phù hợp dễ dàng hơn. Ngoài ra, nhờ hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài trong công tác kiểm định chương trình đào tạo, các nhà tuyển dụng có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ các chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng đã được các tổ chức uy tín công nhận.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các cơ sở giáo dục với những phát biểu, ý kiến thảo luận rất sôi nổi, hào hứng và ý nghĩa từ các thành viên tham dự. Theo đó, mọi thắc mắc của các thầy cô từ nhiều đơn vị giáo dục khác nhau trên cả nước đều đã được các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm giải đáp rõ ràng và cụ thể.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Khép lại không khí sôi động và hấp dẫn, các đơn vị đều đã trang bị cho mình những kinh nghiệm quý báu phục vụ cho việc triển khai công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài nhằm đạt các tiêu chuẩn chất lượng CTĐT, thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đơn vị mình trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu đã được xác định.