Cuộc họp “đặc biệt”...
Tại buổi làm việc mới đây ngày 21/2 của lãnh đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với PVN, EVN và TKV được coi là “đặc biệt”. “Đặc biệt” không chỉ vì lần đầu tiên 2 cơ quan làm việc với 3 tập đoàn kinh tế lớn mà còn nhiều nguyên do khác. Trước hết, đây là 3 tập đoàn giữ vai trò chủ đạo, bao quát toàn bộ hệ thống bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, 3 tập đoàn chiếm 8% vốn của các doanh nghiệp nhà nước, và hơn 80% vốn của các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, với hơn 214 nghìn tỷ đồng năm 2022, chiếm trên 85% tổng nộp ngân sách của khối doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, 3 tập đoàn này đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, không có hiện tượng chảy máu chất xám ra bên ngoài. Điều này quan trọng ở cả khía cạnh chính trị - đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; và khía cạnh kinh tế - đảm bảo một lực lượng tiêu dùng hùng hậu cho toàn nền kinh tế, với 251 nghìn lao động, và mức thu nhập bình quân từ 14,6 triệu đồng/người/tháng đến 25 triệu đồng/người/tháng.
... và những bài toán khó
Mặc dù vậy, 3 tập đoàn vẫn gặp những khó khăn về tài chính, dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Những khó khăn về tài chính này xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài, nguyên khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về nguyên nhân bên ngoài, xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm giá năng lượng tăng cao. Riêng với EVN, biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao. Trong đó, giá than nhập khẩu vào cuối năm 2022 tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2022, khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỷ đồng.
Ngay cả với TKV, doanh nghiệp sản xuất than lớn nhất nước cũng không được hưởng lợi từ việc giá than thế giới tăng. Vì TKV có trách nhiệm phải đảm bảo nguồn cung đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện của EVN, TKV và PVN. Nguồn cung tự sản xuất trong nước không đủ, TKV phải nhập khẩu từ bên ngoài, khi giá thế giới tăng, chi phí đầu vào của TKV cũng tăng theo.
Về nguyên nhân khách quan, đây là 3 tập đoàn kinh tế nhà nước, chi phí đầu vào vẫn phải theo giá thị trường, theo các hợp đồng kinh tế, trong khi giá sản phẩm đầu ra được kiểm soát, để bảo đảm có được một mặt bằng giá hợp lý, không phải hợp lý với riêng khách hàng mà phải hợp lý với toàn nền kinh tế. Giá bán điện, than, gas, xăng dầu của các tập đoàn này còn lãnh trách nhiệm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, đã là tập đoàn kinh tế nhà nước, trách nhiệm đầu tiên là bảo toàn và phát triển vốn, trong khi vẫn phải bảo đảm các vai trò dẫn dắt, điều tiết, và chi phối đối với nền kinh tế.
Về nguyên nhân chủ quan, cũng vì là doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn chỉ được làm những gì luật pháp cho phép (doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác được làm tất cả những gì pháp luật không cấm). Do vậy, trong thực tế, có những chuyện pháp luật đã quy định, cơ quan chức năng đã hướng dẫn, nhưng khi thực hiện, doanh nghiệp vẫn chần chừ, vẫn kiến nghị, vẫn muốn có sự “xác thực” của cơ quan có thẩm quyền! Đây là lý do - theo cách hiểu nào đó - tập đoàn kinh tế nhà nước đôi khi có sự thụ động ở một mức độ nhất định. Mặt khác, nhiều công trình, dự án tồn đọng rất lâu từ trước, đến nay cũng chưa dễ gì giải quyết. Có cái vướng về quy định pháp luật, có cái vướng do chính tập đoàn tự gây ra ở các giai đoạn trước.
Xác định cách làm mới - đi vào thực chất
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong mọi trường hợp, 3 tập đoàn phải bảo đảm cung ứng đủ than, khí cho sản xuất điện, cung ứng đủ xăng dầu cho nền kinh tế. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ kinh tế. Về chính trị, đó là trách nhiệm trong thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; nhưng đồng thời, cũng là dư địa phát triển của doanh nghiệp.
Có thể nói không quá rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương là người chịu áp lực nặng nề nhất khi thị trường năng lượng thế giới liên tục biến động. Trong bối cảnh khó đoán định như hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng cũng là cách bảo vệ nền kinh tế trước tác động của các cuộc khủng hoảng đang giăng ra trên thế giới. Ông luôn tìm kiếm cơ hội gặp gỡ các đối tác để hợp tác về năng lượng. Chỉ tính từ tháng 12 năm trước đến nay, các cơ hội được tính với con số hàng chục.
Cụ thể: Ngày 22/12/2022 tại Hà Nội, cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang Yang đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc, hai Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật hai bên sớm thống nhất triển khai Biên bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu đã được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ký ngày 05/12/2022; tại buổi làm việc với đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Toda, ngày 21/12/2022, ông khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ Toda trong xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, hợp tác nghiên cứu tiềm năng điện gió và hợp tác phát triển sản xuất hydrogen và amoniac xanh; ngày 6/2/2023, trong buổi tiếp và làm việc với Ngài Laziz Kudratov, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Công nghiệp và Thương mại CH Uzbekistan, ông nêu rõ, hai bên có thể hợp tác đầu tư trong công nghiệp và năng lượng; gần đây nhất, ngày 20/2/2023, trong buổi làm việc với ngài Jozef Sikela, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, ông gợi ý các doanh nghiệp CH Séc có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn EVN…
Hợp tác là một trong những giải pháp bảo đảm thành công. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu trong quá trình hoạt động cần có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa các Tập đoàn với nhau một cách chân thành, thực chất. Phối hợp, chia sẻ trách nhiệm trong ký kết hợp đồng mua bán điện, mua bán than, mua bán khí, tỷ lệ huy động nguồn cung cấp khí, tỷ lệ huy động nguồn điện lên điện lưới quốc gia… Đồng thời, chủ động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do hoặc đã có ký kết hợp tác với các Bộ, ngành chức năng. Ông lấy ví dụ, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức nước Cộng hoà Singapore và Brunei Darussalam đầu tháng 2 vừa qua, sau các buổi thảo luận, Brunei đã đảm bảo rằng, sẵn sàng cung cấp than và khí cho Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu 3 tập đoàn xác định lại với nhau cách làm mới, đi vào thực chất, không dừng lại ở những báo cáo, kiến nghị chung chung, mà phải nhận diện, làm rõ những nhóm vấn đề còn những bất cập, tồn tại phải giải quyết. Trong giải quyết những tồn đọng, ông đưa ra một “quy trình” mang công thức: “Làm đúng pháp luật - Làm đúng thẩm quyền - Làm hết trách nhiệm”. Theo đó, chỉ sau khi đã “Làm đúng pháp luật - Làm đúng thẩm quyền - Làm hết trách nhiệm” mà vẫn vướng, thì mới báo cáo lên Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp. Ông cũng khẳng định, Bộ Công Thương không né tránh, nếu “đúng người, đúng việc”, trong thẩm quyền, Bộ sẽ giải quyết; vượt thẩm quyển, Bộ sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn.
Thực tế thời gian qua cho thấy, với tinh thần “Làm đúng pháp luật - Làm đúng thẩm quyền - Làm hết trách nhiệm”, Bộ Công Thương vượt qua cách làm “thực thi chính sách” lên một tầm mức mới – “phản ứng chính sách”, đúng như tinh thần trong một văn bản gửi các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu: “tăng cường năng lực phản ứng chính sách, khẩn trương rà soát, phát hiện, sửa đổi theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi những quy định bất cập…”
Cũng với tinh thần “Làm đúng pháp luật - Làm đúng thẩm quyền - Làm hết trách nhiệm”, Bộ Công Thương luôn xuất hiện kịp thời, xử lý căn bản những điểm nghẽn, nhằm thuận lợi hoá môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Và các kết quả thu được trong giai đoạn khó khăn đặc biệt này là một minh chứng cụ thể.