Ngành ô tô Việt đang hấp dẫn nhà đầu tư
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 5 năm trở lại đây. Tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ năm 2019 đến nay đã tăng trưởng liên tục.
Đặc biệt, trước thực trạng sức mua ô tô giảm năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 103/2021/NĐ-CP (áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).
“Chính sách này là rất kịp thời. Nhờ có chương trình này, thị trường ô tô đã có sự tăng trưởng tốt và đạt qua mốc 500.000 xe, giúp chặn đà suy giảm doanh số bán hàng trong tình hình khó khăn của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI).
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, hoạt động đầu tư mở rộng và đầu tư mới của nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang góp phần gia tăng số mẫu mã xe sản xuất, lắp ráp trong nước, mở ra cơ hội lớn hơn cho ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa bứt phá về cả số lượng và chất lượng thông qua tham gia từng bước vào chuỗi cung ứng.
Cuối năm 2022, Toyota Việt Nam đưa thêm 2 mẫu xe vào sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Như vậy, Toyota Việt Nam đã có tổng cộng 5 mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Vĩnh Phúc, gồm Vios, Innova, Fortuner (máy dầu), Veloz Cross và Avanza Premio.
Trước đó, giữa tháng 11/2022, Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn Ô tô Hyundai đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, trên tổng diện tích hơn 50 ha.
Kết hợp với nhà máy số 1, tổng công suất xe Hyundai có thể xuất xưởng tại Ninh Bình được thiết kế là 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.
Ở phân khúc xe hạng sang, Tập đoàn BMW cũng chính thức tuyên bố hợp tác với THACO AUTO để lắp ráp một số mẫu xe BMW tại nhà máy của Thaco tại ở Chu Lai.
Mới đây, Công ty Tập đoàn TMT có kế hoạch liên doanh với nhà sản xuất Trung Quốc để lắp ráp xe điện nhỏ tại Việt Nam. TC Motor đã ký hợp tác với Skoda (CH Séc) để bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Quảng Ninh, Việt Nam và sẽ chính thức lăn bánh những chiếc xe đầu tiên của dây chuyền Việt Nam vào cuối năm 2023.
Nội địa hóa sẽ không còn là nỗi lo
Việc ngày càng có nhiều mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và làm cho việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trở nên khả thi hơn.
Có thể nhìn vào thực tế của Toyota Việt Nam, với cam kết phát triển sản xuất trong nước cùng với chiến lược nội địa hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của xe trong nước so với xe nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.
Đến nay, hầu hết các xe của Toyota đều đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, riêng dòng xe chủ lực Vios đạt tỷ lệ nội địa hoá lên tới 43% nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN.
Danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã ghi nhận con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp thuần Việt. Tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt 1.000 sản phẩm các loại.
Bên cạnh đó, Toyota cũng đang tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô tại Việt Nam. Đơn cử, tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tiếp tục ký Biên bản ghi nhớ “Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô” giai đoạn 2022-2023.
Đối với doanh nghiệp nội là THACO, từ mục tiêu ban đầu là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô, đến nay Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ đã trở thành 1 ngành sản xuất kinh doanh chính của THACO, bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng. Nhờ vậy, THACO đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; linh kiện composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô,…
Ngoài ra, hãng đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện hữu và đầu tư các dự án mới, như nhà máy nội thất xe du lịch; sản xuất kính xe du lịch; mâm xe; linh kiện và sản phẩm xuất khẩu; các dây chuyền đúc, dập nóng và sản xuất thân vỏ…
THACO cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm 15 nhà máy Cơ khí & Công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai (Quảng Nam), nâng tổng số đến năm 2025 là 36 nhà máy được quy hoạch bài bản theo xu thế mới.
Hiện nay, THACO đã cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann,... và đã xuất khẩu sang các thị trường lớn và cao cấp như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
“Giá trị xuất khẩu linh kiện của THACO năm 2021 đạt hơn 47 triệu USD và kế hoạch năm 2022 dự kiến đạt gần 260 triệu USD, đến năm 2025 là 500 triệu USD xuất khẩu”, ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) cho hay.
Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô đã bày tỏ kỳ vọng, sau khi hoàn tất đầu tư, THACO sẽ là một địa chỉ để các hãng xe khác có thể đặt hàng một số chi tiết, linh phụ kiện.
Một cái tên khác là VinFast đã thực hiện nội địa hóa nhiều công đoạn phức tạp trong việc sản xuất các xe điện mới bằng việc dùng hệ thống JIG hàn thân vỏ xe của các nhà sản xuất trong nước.
Theo đó, JIG là sản phẩm công nghệ cao kết hợp công nghệ thiết kế có mô phỏng, công nghệ tự động hóa điều khiển PLC, khí nén, lập trình robot, một công nghệ mà các hãng xe nước ngoài không có ý định chuyển giao cho Việt Nam.
“Điều này không những làm giảm giá thành mà còn giúp doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam chủ động trong việc sáng tạo các mẫu mã xe”, ông Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh.
Lãnh đạo VAMI cũng khẳng định thêm, từ những thành công bước đầu của các công ty liên doanh như Toyota, Huyndai, THACO Trường Hải hay VinFast, có thể thấy các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ô tô.
Tại Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT ngày 17/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được, danh mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô mà Việt Nam đã sản xuất được có 287 chi tiết và cụm chi tiết chủ yếu dùng cho các hãng xe lắp ráp trong nước như Toyota, Ford, Thaco, VinFast, Mitsubishi.