Cùng tham dự buổi làm việc về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Đặng Hoàng An; lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ. Về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn có Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng; lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Ủy ban.
Về phía Tập đoàn PVN có ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Lê Mạnh Hùng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, các thành viên Hội đồng thành viên, các Phó Tổng giám đốc PVN, đại diện PVGas, PVPower; Tập đoàn EVN có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc, các thành viên Hội đồng thành viên, các Phó Tổng giám đốc EVN; Tập đoàn TKV có ông Nguyễn Anh Tuấn - Hội đồng thành viên, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian qua, ngành năng lượng đã đạt được nhiều thành tựu, đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước. Nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển ngành năng lượng được huy động với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là 3 Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 242,7 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Tổn thất điện năng toàn Tập đoàn là 6,25%, giảm 0,2% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI giảm còn 267 phút, giảm 52 phút so với năm 2021.
Căn cứ Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022 của Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023, EVN đã xây dựng phương án đảm bảo điện và đang tổ chức thực hiện với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục ở mức cao nhất. Đồng thời, EVN cũng xây dựng kịch bản cung ứng điện với nhu cầu phụ tải tăng cao để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.
Về phía PVN, năm 2022, tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021. Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, tăng 26% so với năm 2021. Sản lượng khai thác dầu đạt 10,84 triệu tấn, tương đương với mức thực hiện năm 2021.
Đáng chú ý, PVN đã hoàn thành đưa vào khai thác 5 mỏ/công trình dầu khí, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch. Tất cả 5 mỏ/công trình hoàn thành đưa vào vận hành đều sớm hơn so với kế hoạch đề ra từ 15 ngày đến 2 tháng.
Tháng 01/2023, hoạt động tại tất cả các đơn vị/công trình/nhà máy/giàn khoan của PVN đều an toàn, thông suốt, giúp sản lượng khai thác dầu tháng đạt 0,88 triệu tấn, vượt 11,2% kế hoạch tháng. Hoạt động đầu tư được triển khai tích cực kể cả trong những ngày nghỉ Tết.
Đối với TKV, năm 2022 cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, khi doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 165,9 nghìn tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch và bằng 119% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận toàn Tập đoàn dự kiến đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 21,35 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.
Sản lượng than sạch thành phẩm toàn TKV đạt 42,2 triệu tấn, bằng 108,6% kế hoạch năm và bằng 102,8% so với thực hiện năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Tập đoàn cũng còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo EVN, PVN, TKV đã trình bày các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và đề xuất những giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023.
Các kiến nghị đã được Uỷ ban và Bộ Công Thương lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của hai cơ quan cũng đã đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các kiến nghị; một số kiến nghị được ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của EVN, PVN và TKV trong việc phối hợp đảm bảo cung cấp các nguồn năng lượng quan trọng (điện, dầu khí và than) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh các Tập đoàn đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt trong thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào cho các ngành năng lượng tăng cao…
Liên quan đến kiến nghị của các Tập đoàn đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, tập trung tháo gỡ các vấn đề về đầu tư xây dựng, giá điện và giá nhiên liệu cho sản xuất điện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp,… trong đó nêu rõ nội dung cần thực hiện, tiến độ thực hiện và đơn vị chủ trì thực hiện; đồng thời giao các Cục/Vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với EVN, PVN và TKV triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết hoặc báo cáo cấp thẩm quyền cao hơn để xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV cần chú trọng hơn nữa đến việc tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên/nhiên liệu đầu vào với giá sản phẩm đầu ra phù hợp với quy luật thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần tất cả vì mục tiêu chung để tăng cường cơ chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau; phối hợp thực hiện minh bạch, hiệu quả các hợp đồng đã ký kết để cùng đồng hành phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các Tập đoàn kinh tế nhà nước và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng giao 6 nhiệm vụ cụ thể cho các Tập đoàn bao gồm:
Thứ nhất, trong mọi tình huống các Tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng (than, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ). Để làm được điều đó các Tập đoàn cần nghiên cứu kỹ để báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Thứ hai, mỗi Tập đoàn cần tập trung rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của mình, hoặc của Bộ, Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp để tham mưu đề xuất với lãnh đạo hai cơ quan kịp thời chỉ đạo, giải quyết. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình cần có giải pháp xử lý kịp thời, dứt điểm và có kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong quá trình hoạt động cần có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa các Tập đoàn với nhau một cách chân thành, thực chất; đồng thời, cần phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chỉ đạo, khuyến nghị của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba, mỗi tập đoàn cần bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phê duyệt, đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục chú trọng tiết kiệm chi thường xuyên, tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối đa hiệu quả các công trình, dự án có tiềm năng. Đẩy nhanh, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do hoặc đã có ký kết hợp tác với các Bộ, ngành chức năng.
Thứ tư, nghiêm túc và quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng (đặc biệt là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đã chỉ ra trong các thông báo, kết luận, văn bản chỉ đạo và trả lời các kiến nghị; đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong kết luận tại hội nghị này. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh thì cần kịp thời phản ánh, đề xuất đến hai cơ quan (Bộ và Ủy ban) để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Thứ năm, từ hoạt động thực tiễn của mình, mỗi Tập đoàn cần chủ động phát hiện những bất cập để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời, với những việc khó, việc mới cũng cần mạnh dạn đề xuất cơ chế thí điểm nhưng lại có kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác.
Thứ sáu, phải chú trọng, làm thật tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin cho các cơ quan truyền thông chính thống, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Tập đoàn, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhau tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn để cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và trên hết là vượt khó để thực hiện được các mục tiêu mà mỗi Tập đoàn đề ra cũng như thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương và Ủy ban đã có những cơ chế phối hợp và cùng nhau giải quyết những tồn tại khó khăn.
Chủ tịch cho rằng, Bộ và Ủy Ban đã phối hợp khá nhịp nhàng nhưng vẫn còn sự chậm trễ. Sau buổi làm việc ngày hôm nay, hai bên sẽ có thêm nhiều cuộc gặp gỡ và làm việc hơn nữa để đưa ra những cơ chế, chính sách tốt hơn cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, Ủy ban và Bộ sẽ cùng đưa ra những ý kiến chỉ đạo các Tập đoàn triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.