Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang và Công ty cổ phần gỗ Đông Dương triển khai thực hiện nội dung: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh”. Đến nay, nội dung thuộc đề án đã hoàn thành theo đúng tiến độ, đủ điều kiện để nghiệm thu.
Đây là nhiệm vụ thuộc đề án khuyến công quốc gia năm 2023, đề án: “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre nứa trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2021-2023” tại xưởng sản xuất của Công ty cổ phần gỗ Đông Dương, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Việc có thêm nguồn vốn từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia giúp Công ty Công ty cổ phần gỗ Đông Dương đưa dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu hiện đại, tạo ra sản phẩm công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời qua đó, phát huy tiềm năng lợi thế về lâm nghiệp và tạo bước đột phá mới trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ của huyện huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Thế Lanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 cho biết, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí từ đó hạ giá thành sản phẩm, Đồng thời, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, tạo ra lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đóng góp ngân sách nhà nước từ thuế.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đông Dương, sau khi đề án khuyến công được phê duyệt, đơn vị đã tiến hành triển khai công tác lắp đặt và vận hành chạy thử 01 máy bào 4 mặt 6 dao trong sản xuất gỗ ghép thanh, sau thời gian vận hành, chạy thử, doanh nghiệp đã chính thức đưa vào phục vụ quá trình sản xuất.
Máy móc thiết bị đầu tư của doanh nghiệp đã phát huy được những ưu việt trong quá trình sản xuất. Cụ thể, máy bào 4 mặt được thiết kế với 6 trục dao giúp làm láng mịn 4 mặt sản phẩm trong một lần đưa phôi. Máy hoạt động tốc độ cao trang bị hệ thống rulo cuốn phôi liên tục giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất sản phẩm, có bảng điều khiển nút bấm đơn giản, thao tác dễ dàng. Đồng thời, dao bào làm bằng hợp kim cao cấp, đảm bảo độ sắc bén, gia công bào nhẵn mịn hiệu quả.
Điều này giúp doanh nghiệp giảm nhân công, thay vì phải tốn nhiều công nhân, đối với máy bào 4 mặt 6 dao chỉ cần 1 công nhân vận hành máy. Máy xử lý đa dạng các loại gỗ với các quy cách về kích thước, khối lượng, thể tích khác nhau.
Như vậy, việc đầu tư thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh của Công ty cổ phần gỗ Đông Dương là hợp lý vì phù hợp với điều kiện và năng lực sản xuất, tạo ra được sản phẩm mới, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp
Được biết, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, trên 448.000 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 426.000 ha; hàng năm trồng mới trên 11.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 65,2%, đứng thứ 3 cả nước. Tuyên Quang đã có những bước đi mạnh mẽ, đáp ứng được đúng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; 43.600 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian qua, công nghiệp chế biến lâm sản được duy trì, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương; giá trị chế biến gỗ chiếm 14% giá trị công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.