Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đã nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vinhomes (mã cổ phiếu VHM - sàn HoSE). Đây được xem là bước tiến quan trọng để Vinhomes đến gần hơn với việc thực hiện việc mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Nếu được cơ quan chức năng phê duyệt và thực hiện thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Với mức giá kết phiên giao dịch ngày 11/10 là 43.600 đồng/cổ phiếu, ước tính Vinhomes có thể phải chi hơn 16.100 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.
Vinhomes nhấn mạnh việc mua lại cổ phiếu quỹ nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp. Kể từ khi doanh nghiệp này công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ từ đầu tháng 8, thị giá cổ phiếu VHM đã ghi nhận nhịp tăng ấn tượng, tăng hơn 25%, lên vùng giá cao nhất 4 tháng trở lại đây. Qua đó, giá trị vốn hoá thị trường của Vinhomes cũng bật tăng trở lại, đạt khoảng 190.000 tỷ đồng (tương đương 7,7 tỷ USD).
Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn khoảng 1,25% so với mức giá sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 (44.154 đồng/cổ phiếu).
Nếu hoàn tất đợt mua cổ phiếu quỹ lần này, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm tương ứng 3.700 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm đi sẽ giúp chỉ số thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) tăng lên. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giá cổ phiếu VHM neo quanh mức giá sổ sách thay vì thấp hơn đáng kể trong thời gian dài vừa qua.
Hiện một bộ phận nhà đầu tư lo ngại việc Vinhomes thu xếp nguồn tiền để mua lại cổ phiếu quỹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khi doanh nghiệp chỉ có 17.200 tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn (tính đến cuối quý 2/2024).
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset, đại diện Vinhomes đã khẳng định hoạt động kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng và kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán sỉ tại dự án Vinhomes Vũ Yên trong năm nay và các giao dịch bán lô lớn dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm 2024 (giá trị ước tính 40.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, Vinhomes dự kiến sẽ có thêm nguồn thu từ việc mở bán mới dự án Cổ Loa trong nửa cuối năm. Theo đó, công ty sẽ mở bán phân khu thấp tầng và đàm phán với các đối tác để chuyển nhượng phân khu cao tầng nhằm rút ngắn thời gian đầu tư, đem lại dòng tiền sớm hơn. Qua đó, Vinhomes cho biết việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã cổ phiếu VEF) đã thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Vinhomes để phát triển dự án Vinhomes Global Gate (hay còn gọi là Vinhomes Cổ Loa) tại Hà Nội.
Theo đó, Vinhomes sẽ nhận 5% tổng lợi nhuận từ dự án cùng với phí bán hàng và quản lý (theo tỷ lệ 4% và 2% doanh thu). Xét về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối tháng 6/2024, Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC) là công ty mẹ sở hữu trực tiếp 83,32% vốn của VEFAC; trong khi đó, Vinhomes nắm 4,66% vốn VEFAC gián tiếp thông qua công ty con.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASVN), trong trường hợp Vinhomes nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại VEFAC từ Tập đoàn Vingroup, ước tính Vinhomes sẽ nắm giữ khoảng 86% lợi ích kinh tế đối với dự án Vinhomes Cổ Loa.