Tóm tắt:
Trong nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp phải thường xuyên dựa vào nhiều nguồn thông tin khác nhau để ra quyết định quản trị nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình. Kế toán quản trị cung cấp rất nhiều thông tin hữu hiệu cho các nhà quản trị cho việc ra quyết định trong kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Việt Nam việc vận dụng hệ thống kế toán phục vụ cho lãnh đạo trong việc ra quyết định chưa được thực hiện phổ biến.
Từ khóa: Kế toán quản trị, chi phí, kế toán tài chính, doanh nghiệp, thông tin kế toán, quản trị doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp…
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kế toán quản trị tồn tại rất lâu trong hệ thống kế toán doanh nghiệp, tuy nhiên, kế toán quản trị chỉ mới được hệ thống hóa và phát triển một cách hệ thống về lý luận và thực tiễn ở những thập kỷ gần đây trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô, sự tiến bộ nhất định về khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, điều kiện xử lý thông tin. Ở Việt Nam, kế toán quản trị cũng đã xuất hiện, phát triển gắn liền chính sách, chế độ kế toán áp dụng ở các doanh nghiệp; tuy nhiên, kế toán quản trị chỉ mới được đề cập một cách hệ thống vào đầu những năm 1990 trở về đây và trở thành yêu cầu cấp bách trong xây dựng hệ thống thông tin kế toán vào đầu những năm 2000 khi các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản lý để tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh không những ở phạm vi thị trường Việt Nam mà còn mở rộng ra thị trường khu vực, thị trường thế giới.
Kế toán quản trị là một bộ phận cấu thành của kế toán trong doanh nghiệp, là công cụ trong hệ thống công cụ phục vụ quản trị doanh nghiệp. Kế toán quản trị có vai trò quan trọng trong quản trị, điều hành doanh nghiệp, thể hiện qua các điểm cơ bản sau:
- Kế toán quản trị không những là nguồn chủ yếu để cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà quản lý ban hành các quyết định kinh doanh ở tất cả các khâu: lập kế hoạch, dự toán, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá… mà còn là công cụ giúp nhà quản lý kiểm tra, giám sát điều hành các hoạt động kinh tế tài chính và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kế toán quản trị sẽ tư vấn cho nhà quản lý trong quá trình xử lý, phân tích thông tin, lựa chọn phương án, ra quyết định kinh doanh phù hợp nhất. Ngoài ra, còn thu thập, phân tích thông tin phục vụ cho việc lập kế hoạch, dự đoán sản xuất và tiên liệu kết quả sản xuất kinh doanh…
Với vai trò và chức năng quan trọng của kế toán quản trị như đã nêu, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về kế toán quản trị và có kế hoạch vận dụng công cụ này vào công tác quản trị doanh nghiệp.
II. THỰC TRẠNG
Thực tế hiện nay, công tác kế toán quản trị bước đầu đã được các doanh nghiệp ý thức vận dụng và quan tâm. Điều này được thể hiện qua các điểm như sau:
- Các doanh nghiệp đều tổ chức đầy đủ bộ máy kế toán và dù nhiều hay ít đều có bộ phận cung cấp các dự toán tài chính theo các mục tiêu đã được đặt ra.
- Trong các doanh nghiệp chi phí sản xuất được phân loại theo khoản mục chi phí giúp việc kiểm tra, kiểm soát chi phí được thuận tiện, đồng thời giúp các nhà quản trị có thể đánh giá việc thực hiện kế hoạch sản xuất.
- Việc xác định đối tượng tập hợp chi phí, đối tượng tính giá thành sản phẩm đã tương đối phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý sản xuất kinh doanh, quy trình công nghệ sản xuất, loại hình sản xuất cũng như khả năng, trình độ và yêu cầu quản lý của các doanh nghiệp.
- Quy trình thu thập thông tin kế toán được thực hiện tương đối chặt chẽ ở các bộ phận kế toán kể cả ở doanh nghiệp tổ chức kế toán tập trung và doanh nghiệp tổ chức kế toán phân tán qua trình tự thu thập, tập hợp các chứng từ đến phân loại chứng từ…
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán được áp dụng ở hầu hết các doanh nghiệp thông qua các phần mềm kế toán đã góp phần giảm bớt thời gian, hạn chế được các sai sót trong quá trình ghi chép sổ sách kế toán.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cụ thể làm cản trở việc tổ chức và vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp hiện nay, cụ thể:
- Về mô hình tổ chức bộ máy kế toán quản trị. Hiện tại ở các doanh nghiệp xây dựng bộ máy kế toán chỉ tập trung phục vụ kế toán tài chính, còn kế toán quản trị chưa được đầu tư.
- Về cách phân loại chi phí. Chi phí sản xuất tại các doanh nghiệp được khảo sát hiện nay chủ yếu được phân loại theo mục đích, công dụng của chi phí chủ yếu phục vụ kế toán tài chính chưa sử dụng các cách phân loại phục vụ cho kế toán quản trị.
- Về công tác kiểm soát doanh thu. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn chưa theo dõi doanh thu chi tiết cho từng mặt hàng cũng như không có doanh nghiệp nào áp dụng phương pháp chi phí thông thường hay chi phí tiêu chuẩn để xác định giá thành sản xuất sản phẩm. Chưa có doanh nghiệp nào xác định giá thành sản phẩm theo phương pháp trực tiếp. Do vậy, việc kiểm soát doanh thu, chi phí hiện tại của các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng yêu cầu lập các báo cáo tài chính, chưa đáp ứng yêu cầu của kế toán quản trị nội bộ. Việc không xác định đối tượng kế toán chi phí và tính giá thành theo từng đơn đặt hàng là chưa hợp lý...
- Về công tác lập dự toán. Về lập dự toán, các doanh nghiệp chỉ lập dự toán tài chính không lập dự toán tác nghiệp, dự toán báo cáo tài chính… Tuy nhiên, nhiều hoạt động tài chính không thể xác định trước khi xác định được các dự toán tác nghiệp, nên các dự toán tác nghiệp cần được lập trước dự toán tài chính để đảm bảo các dự toán tài chính được lập chính xác.
- Về tổ chức thu thập thông tin kế toán quản trị.
- Thứ nhất về chứng từ: Các doanh nghiệp chỉ sử dụng các chứng từ mang tính bắt buộc chứ chưa thiết kế các chứng từ phù hợp với kế toán quản trị.
- Thứ hai về tài khoản: Các doanh nghiệp chỉ mở chi tiết tài khoản đến tài khoản cấp 2, 3. Các tài khoản chi tiết này chưa phù hợp với việc phân tích chi phí theo định phí, biến phí từ đó phân tích chênh lệch giữa chi phí thực tế và định mức.
- Về tổ chức công tác kế toán quản trị. Rất nhiều doanh nghiệp hiện chưa tổ chức công tác kế toán nói chung một cách quy củ, chưa sử dụng đầy đủ các chứng từ cần thiết để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh cho đúng với tính chất và nội dung của nghiệp vụ cũng như yêu cầu quản lý... Đặc biệt, ở các doanh nghiệp nhỏ, hệ thống kế toán rất manh mún. Với những doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán thì việc ghi chép chính xác và đúng quy định những thông tin kế toán không đáp ứng tính kịp thời do thông thường, các kế toán dạng này chỉ nhận chứng từ vào cuối ngày hoặc cuối tháng để tổng hợp, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này chưa đáp ứng được thông tin như công nợ, tồn kho…
- Về việc lập các báo cáo quản trị. Tại các doanh nghiệp, các báo cáo được lập hầu hết là các báo cáo kế toán tài chính phục vụ cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, còn việc lập các báo cáo kế toán quản trị còn ít và sơ sài.
- Về việc phân tích chi phí phục vụ việc ra quyết định kinh doanh. Tại các doanh nghiệp việc phân tích chi phí chưa được quan tâm và chưa thực sự giúp các nhà quản lý trong việc ra các quyết định kinh doanh kịp thời và có hiệu quả.
Một bài học lớn từ việc yếu kém trong công tác kế toán quản trị tại các doanh nghiệp ở Việt Nam dễ thấy nhất chính là trường hợp các doanh nghiệp ngành Thủy sản. Cái giá mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam phải trả trong những năm vừa qua cho thấy tính chất phức tạp và môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi hội nhập. Việc xem xét hành chính thường niên lần thứ 8 về chống bán phá giá mặt hàng thủy sản mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành vừa qua đã thay thế nước thứ 3 là Indonesia thay cho Banglades. Cũng chính vì vậy mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam phải gánh chịu một mức thuế chống bán phá giá tăng gấp hàng chục lần. 16 doanh nghiệp của Việt Nam như doanh nghiệp: Bình An, Hùng Vương, Cadovimex, Anvifish và Docifish,... đang được hưởng thuế suất 0% phải chịu mức thuế tăng lên gấp hàng vài chục lần, khoảng 0,77-3,87 USD/kg hải sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo phân tích của các chuyên gia, hai trong những khó khăn có tác động bất lợi đến quá trình điều tra chống bán phá giá mà các quốc gia khởi xướng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam còn chưa xác định và nhiều loại chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, có những khoản chi phí của doanh nghiệp rất khó được quốc tế ghi nhận do hệ thống chứng từ kế toán chưa thực sự theo chuẩn quốc tế dẫn đến tính minh bạch kém. Đây là lý do khiến doanh nghiệp thủy sản không đủ khả năng chứng minh việc không bán phá giá hàng hóa vào những thị trường này, dẫn đến bị áp mức thuế suất cao…
Nguyên nhân của những tồn tại yếu kém tại các doanh nghiệp, đó là:
- Công tác kế toán quản trị mới xuất hiện tại Việt Nam mở đầu là khi Luật Kế toán đưa ra khái niệm về kế toán quản trị. Nhưng trên thực tế Thông tư 53/2006/BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp lại chưa có hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện tổ chức kế toán quản trị đối với từng loại hình doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi vận dụng.
- Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm xây dựng mô hình kế toán quản trị, chưa nhận thức được đầy đủ vai trò rất quan trọng của kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng trong việc quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp quen với thói quen làm việc dựa vào kinh nghiệm, trực giác, chủ quan chưa hình thành các cách thức quản lý tiên tiến, chưa gắn hoạt động của doanh nghiệp với thị trường.
- Trình độ nhân viên kế toán ở doanh nghiệp chưa đồng đều, chưa được bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để có trình độ đảm nhận công tác kế toán quản trị trong đó có kế toán quản trị chi phí.
III. GIẢI PHÁP
- Một là, cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về kế toán quản trị. Các doanh nghiệp cần có cái nhìn đúng đắn về kế toán quản trị và quan trọng hơn cả là chủ động, đẩy mạnh áp dụng kế toán quản trị trong hoạt động điều hành sản xuất - kinh doanh nhằm đạt được hiệu quả quản lý cao nhất.
+ Tổ chức hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh, xác lập hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển hệ thống quản lý để làm cơ sở xác lập, định hướng thiết kế, xây dựng mô hình kế toán quản trị cho doanh nghiệp.
+ Nâng cao nhận thức và trình độ quản lý cho các nhà quản trị doanh nghiệp.
+ Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy kế toán doanh nghiệp theo hướng kết hợp bộ phận kế toán quản trị và kế toán tài chính trong cùng bộ máy kế toán. Cải tiến mối quan hệ giữa bộ phận kế toán với các bộ phận khác trong doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho việc thu thập thông tin cho kế toán quản trị.
+ Xây dựng hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, hệ thống sổ sách kế toán và hệ thống báo cáo kế toán quản trị cho phù hợp với công tác quản lý và đặc điểm sản xuất kinh doanh riêng của doanh nghiệp, dựa trên các mô hình kế toán quản trị đã được áp dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
+ Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thông tin trong nội bộ doanh nghiệp. Các chỉ tiêu thông tin này phải có quan hệ qua lại với hệ thống thông tin kế toán. Ban quản trị cấp cao của doanh nghiệp cần thiết kế một cấu trúc tổ chức khoa học, hợp lý, có sự phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận trong việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin. Có như vậy, mới tạo nên một hệ thống thông tin nội bộ hoàn chỉnh phục vụ công việc quản lý của doanh nghiệp.
+ Xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến và hiện thực để vận dụng trong doanh nghiệp, nhằm cung cấp một nguồn dữ liệu đáng tin cậy cho kế toán quản trị trong việc dự báo, kiểm soát chi phí. Các doanh nghiệp nên thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO để qua đó xây dựng hệ thống định mức chi phí sẽ mang tính khoa học hơn.
+ Có chính sách đào tạo lại, cũng như bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về kế toán quản trị cho đội ngũ nhân viên kế toán của doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu của hệ thống bộ máy kế toán mới.
- Hai là, theo kịp chuẩn kế toán quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ và đảm bảo chế độ kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để số liệu của các doanh nghiệp Việt Nam được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi cần, đồng thời cần lưu giữ tất cả các số liệu, sổ sách chứng từ cần thiết nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.
- Ba là, ngay từ khâu lập kế hoạch kinh doanh cũng như xây dựng chiến lược đề phòng rủi ro từ trước, các doanh nghiệp cần phải có sự nhìn nhận một cách đúng đắn và thấu đáo. Các báo cáo doanh thu, chi phí và số lượng sản phẩm tiêu thụ là điều kiện cơ bản để đánh giá hiệu quả phát triển của doanh nghiệp. Đây chính là việc thu nhập, xử lý, đánh giá và cung cấp thông tin kinh tế tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán - công việc của kế toán quản trị.
- Bốn là, tăng cường học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Kế toán quản trị hiện rất phổ biến ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” thông qua việc tăng cường hợp tác và đào tạo về kế toán quản trị.
- Năm là, Nhà nước cần ban hành một chính sách kế toán phân định riêng phạm vi phản ánh của kế toán quản trị cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện kế toán quản trị tại doanh nghiệp. Nhằm định hướng cho các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng trong việc thực hiện kế toán quản trị cho doanh nghiệp mình.Nhà nước chỉ cần phác họa ra bức tranh tổng thể để từng doanh nghiệp nhìn nhận và ứng dụng cụ thể vào tình hình thực tế ở doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, Hội Kế toán Việt Nam nên tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện kế toán quản trị bằng việc đưa ra một số mô hình tổ chức kế toán mẩu phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, từng quy mô của doanh nghiệp thông qua các buổi hội thảo. Trên cơ sở đó, giúp doanh nghiệp nhận thức được vai trò và tác dụng của kế toán quản trị cũng như những định hướng cho việc tổ chức công tác kế toán quản trị phù hợp với doanh nghiệp mình. Tùy theo yêu cầu quản lý cụ thể mà doanh nghiệp có thể mở rộng, thu hẹp hay thiết kế lại mô hình cho thích hợp nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. PGS. TS. Phạm Văn Dược, TS. Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và Cơ chế vận hành Kế toán quản trị, NXB Tài chính;
2. Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (2011), Kế toán quản trị, NXB Lao động;
3. Luật Kế toán năm 2013;
4. Kế toán quản trị trong doanh nghiệp http://ketoan24h.com;
5. Tài liệu Kế toán quản trị Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Ngày nhận bài: 03 /01/2016
Ngày chấp nhận đăng bài: 22 /01/2016
Thông tin tác giả:
ThS. Nguyễn Thị Hằng
Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Applying management accounting in Vietnams enterprises
Master. Nguyen Thi Hang
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry
Abstract: In today's economy, enterprises have to rely on different information sources to make business decisions in order to achieve the best business goals. Management accounting provides many useful information for managers in making business decisions process. However, Vietnams enterprises are not applying management accounting frequently to assist managers in making business decision.
Keywords: Management accounting, cost, financial accounting, accounting information, enterprise management, leader of enterprise.