Bước vào nhà máy của Unilever ở ngoại ô Liverpool (Anh), bạn sẽ chứng kiến một khung cảnh đối lập hoàn toàn với bầu không khí lạnh lẽo ảm đạm do thời tiết mưa phùn gây ra ở bên ngoài.
Trên dây chuyền tự động là hàng nghìn chai nước xả Comfort màu tím. Những ai tinh ý sẽ phát hiện ra 1 chi tiết quan trọng: chai mới có hình dạng mập và lùn hơn loại thường thấy, được dán nhãn là loại mới có thể sử dụng cho 38 lần xả thay vì 33 lần như loại cũ. Thông điệp mà nhà sản xuất muốn truyền tải là: người tiêu dùng hãy chung tay cứu lấy một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên trái đất – nước.
Đây có thể là chiêu trò marketing của một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đối với Unilever, loại nước xả mới đậm đặc hơn được coi là một sáng kiến quan trọng. Đó cũng là một trong vô số các thay đổi mà tập đoàn này - với hơn 300 nhà máy trên khắp thế giới và sở hữu hơn 400 nhãn hiệu phục vụ khoảng 2,5 tỷ người tiêu dùng (tương đương 1/3 dân số thế giới) – đang thực hiện.
Trung tâm của những thay đổi là thông điệp mà Unilever vẫn đang miệt mài truyền đạt đến các nhà đầu tư, khách hàng và cả những công ty khác: các tập đoàn lớn cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức kinh doanh nếu không muốn dần dần “chìm xuống"
Ở thời điểm hiện tại, “linh hồn” của triết lý này chính là Paul Polman – người đàn ông 62 tuổi có dáng người dong dỏng và giọng nói nhẹ nhàng đã đảm nhiệm vị trí CEO từ năm 2009 đến nay.
Ngồi tại trụ sở Unilever ở London, ông quan tâm đến những con số mà thường được trình bày tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiều hơn là tại 1 công ty tầm cỡ có doanh thu đạt 58 tỷ USD. Đó là hiện nay vẫn có hơn 160 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, là 8 triệu người phải chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm hay 1 tỷ người giàu nhất hành tinh đang tiêu thụ 75% tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới.
“Chúng ta đang lãng phí 30 – 40% lượng thực phẩm trong khi hàng triệu người phải lên giường đi ngủ với cái bụng đói. Tại sao chúng ta không làm gì đó để giải quyết tình trạng này?”, ông nói.
Đối với Polman, những rủi ro về môi trường và nạn nghèo đói là những vấn đề cơ bản mà mọi hoạt động kinh doanh đều phải giải quyết, từ việc lưu trữ dữ liệu đến sản xuất nước giặt hay trồng chè. Ông tin rằng sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng bắt đầu kỳ thị những công ty không làm được điều đó, và những doanh nghiệp chú trọng bình đẳng giới và bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ ngày càng có lãi. Quan trọng hơn, Unilever có thể là hình mẫu để các công ty khác biết được đâu là con đường tốt nhất.
“Không phải chúng tôi đang làm từ thiện, chúng tôi đang làm kinh doanh”, Paulman quả quyết. Đặt bền vững là yếu tố cốt lõi trong quy tắc quản trị của mình, Paulman đã giúp củng cố danh tiếng của Unilever.
Tháng 11/2010, Unilever chính thức thông báo Kế hoạch sống bền vững Sustainable Living Plan (USLP) đặt ra các cam kết và mục tiêu về phát triển bền vững đến năm 2020. Theo Polman, USLP không chỉ là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của Unilever mà còn là “một mô hình kinh doanh mới” trong đó các mục tiêu về tăng trưởng lợi nhuận sẽ đi liền với các mục tiêu về môi trường.
Kế hoạch này xác định 3 nhiệm vụ chính: cải thiện sức khỏe, giảm thiểu các tác động lên môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân bằng cách giúp họ có kế sinh nhai bền vững. Unilver hướng đến giải quyết các thách thức cả về kinh tế xã hội và môi trường, với tất cả các sản phẩm và thương hiệu của hãng đều tham gia.
Kế hoạch bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị của hãng, từ nguồn cung cấp nguyên vật liệu thô đến cách người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và cả quá trình vứt bỏ sản phẩm. Với hàng ngàn sản phẩm được sử dụng khoảng 2 tỷ lần mỗi ngày tại hơn 280 quốc gia, USLP mang đến rất nhiều sự thay đổi.
Điểm đặc biệt là Unilever không đưa ra những lời hứa mơ hồ mà các mục tiêu được quy ra các con số cụ thể. Đến năm 2020 sẽ giúp hơn 1 tỷ người hành động để cải thiện sức khỏe; cắt giảm một nửa lượng nước, khí thải nhà kính, rác thải liên quan đến quá trình sản xuất; 100% nguyên liệu nông nghiệp thô (như giấy, chè, dầu cọ) có nguồn gốc bền vững và kết nối hơn 1 triệu hộ nông dân nhỏ và nhà phân phối nhỏ vào chuỗi cung ứng, tạo kế sinh nhai cho họ.
Báo cáo phát triển bền vững của Unilever năm 2016 cho thấy 51% các nguyên liệu nông nghiệp mà hãng sử dụng là có nguồn gốc bền vững hay khoảng 920.000 phụ nữ trên toàn thế giới đã tham gia vào các sáng kiến giúp nâng cao kỹ năng, sự an toàn và những cơ hội mà họ có thể tiếp cận.
Không chỉ là chạm đến 1 tỷ người thông qua những sản phẩm bền vững như xà phòng, kem đánh răng và nước uống an toàn mà Unilever còn giúp họ duy trì những thói quen lành mạnh có lợi cho sức khỏe như đánh răng 2 lần mỗi ngày.
Xà phòng Lifebuoy – sản phẩm được bán ở 55 quốc gia đang phát triển và mới nổi – là 1 ví dụ điển hình khi luôn cố gắng giáo dục khách hàng về những lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh. Thói quen này có thể giúp giảm 25% số ca mắc bệnh tiêu chảy và phòng chống các bệnh về hô hấp – 2 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Khoảng một nửa các nguyên vật liệu thô mà Unilever sử dụng là các sản phẩm nông nghiệp. Là một trong những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, Unilever cũng là bên tiêu thụ nhiều nhất một số loại nông sản như chè, cà chua, hành khô, tỏi khô.
Tính đến năm 2015 đã có hơn 38.000 hộ nông dân nhỏ cung cấp nguyên liệu cho những túi trà Lipton nhãn vàng được cấp chứng nhận của Rainforest Alliance – 1 tổ chức phi chính phủ làm việc nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế phát triển bền vững bằng cách chuyển đổi tập quán sử dụng đất, tập quán kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng.
Đối với hầu hết khách hàng của Unilever, có lẽ hiện trạng thế giới là điều họ nghĩ đến sau cùng khi đẩy chiếc xe chở hàng dọc theo các kệ chất đầy dầu gội và xà phòng Dove, trà Lipton, nước xả Comfort và rất nhiều các sản phẩm khác của Unilever trong siêu thị. Thật khó để tưởng tượng rằng một ngày nào đó thảm họa môi trường sẽ khiến những mặt hàng này biến mất khỏi kệ. Nhưng với Unilever, đây là điều thực sự nghiêm túc ngay từ khi nó mới ra đời.
Lịch sử của Unilever khởi đầu từ những năm 1880, tại ngôi làng nằm gần Liverpool có tên gọi Port Sunlight – đặt tên theo bánh xà phòng được đóng gói có nhãn hiệu đầu tiên của thế giới vốn được tạo ra trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng dịch bệnh tràn lan khiến nhiều trẻ em thiệt mạng trong bối cảnh nước Anh chìm trong nghèo đói.
Gần 130 năm sau, Unilever vẫn đi theo triết lý thế giới này cần phải được sửa chữa, dù không phải lúc nào triết lý này cũng nhận được sự ủng hộ từ các cổ đông luôn muốn đồng tiền sinh sôi nảy nở hơn là theo đuổi những thứ có vẻ viển vông.
Ngay sau khi trở thành CEO năm 2009, Polman đã tuyên bố ông chỉ muốn các nhà đầu tư cùng chia sẻ quan điểm cứu lấy trái đất cũng là mục tiêu quan trọng không kém so với việc tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận. Theo quy định mới từ thời Polman, Unilever không cập nhất lợi nhuận đều đặn hàng quý nữa bởi như vậy sẽ khuyến khích lối suy nghĩ ngắn hạn. Ông muốn nhà đầu tư cùng chia sẻ tầm nhìn dài hạn.
Thông báo này ngay lập tức khiến cổ phiếu Unilever rớt 8%. Nhưng Polman vẫn thẳng thắn chia sẻ: “Unilever đã tồn tại được hơn 100 năm, và chúng tôi muốn tồn tại thêm vài trăm năm nữa. Vì thế nếu bạn ủng hộ mô hình tạo ra giá trị dài hạn mà chúng tôi đang theo đuổi, hãy đến đây và rót tiền đầu tư cùng chúng tôi. Còn nếu bạn hoài nghi, tôi tôn trọng quyết định của bạn nhưng đừng đổ tiền vào Unilever”.
Cho đến thời điểm hiện tại, sự thực là Polman đã ngồi ở ghế CEO được gần 1 thập kỷ cho thấy ông đã bù đắp lợi ích cho những ai ở lại. Dưới “triều đại Polman”, 70% cổ đông đã nắm giữ cổ phiếu Unilever hơn 7 năm, và 60% trong số top 10 cổ đông lớn nhất đã gắn bó với Unilever ít nhất 5 năm.
Còn một chặng đường dài phía trước để Polman đạt được mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu, nhưng Unilever cũng đã đạt được con số ấn tượng 33%. Giá trị vốn hóa của Unilever tăng từ 47 lên 128 tỷ euro, cổ phiếu tăng trưởng 172% và mức lợi suất mà cổ đông thu về (bao gồm cả cổ tức) đã tăng 274% so với khi Polman bắt đầu cai quản Unilever.
Và có lẽ đây là điều khiến vị CEO này hài lòng nhất: các thương hiệu sống bền vững của Unilever đã tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các thương hiệu còn lại, đóng góp tới 60% tổng doanh thu năm 2016.