TÓM TẮT:
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo vệ quyền con người trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Tòa án đóng vai trò trung tâm trong việc bảo đảm quyền con người được thực hiện và bảo vệ một cách hiệu quả, công bằng. Bài viết phân tích vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Tòa án về việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, từ đó, đưa ra một số nhận xét gợi mở về hoạt động tố tụng này.
Từ khóa: tư pháp hình sự, Tòa án, bảo vệ quyền con người, oan sai, suy đoán vô tội.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo vệ quyền con người trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Tòa án đóng vai trò trung tâm trong việc bảo đảm quyền con người được thực hiện và bảo vệ một cách hiệu quả, công bằng.
Ở Việt Nam, quyền con người đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, việc thực thi và bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử của Tòa án vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề như tình trạng oan sai, áp dụng hình phạt chưa đúng đắn và sự hạn chế trong quyền tiếp cận công lý của người dân là những ví dụ tiêu biểu.
Trong bối cảnh này, hoạt động của Tòa án trong lĩnh vực tư pháp hình sự không chỉ là việc xét xử tội phạm, mà còn là quá trình bảo vệ quyền con người, đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Việc nâng cao chất lượng xét xử, bảo vệ quyền lợi của người bị buộc tội, người bị hại và đảm bảo tính hợp pháp trong quá trình tố tụng là yêu cầu cấp thiết.
2. Khái quát chung về hoạt động bảo vệ quyền con người của Tòa án trong lĩnh vực tư pháp hình sự
Mặc dù khát vọng bảo đảm quyền con người và hệ thống pháp luật về quyền con người đã có từ lâu đời và không ngừng phát triển, song bên cạnh đó, tình trạng xâm hại quyền con người vẫn diễn ra phổ biến và dai dẳng trong xã hội. Những giá trị tốt đẹp của con người luôn bị đe dọa bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm hẹp hòi. Lịch sử xã hội đã chỉ ra rằng, khi không được bảo vệ quyền con người chỉ là những tuyên ngôn mang tính ước lệ hình thức. Nhằm bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn, xã hội cần xây dựng những cơ chế xã hội bảo vệ quyền con người hữu hiệu trước những hành vi xâm hại quyền con người.
Điều này đã được Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền khẳng định: “Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bởi một chế độ pháp quyền để cho con người không buộc phải nổi dậy chống lại sự tàn bạo và áp bức, như là phương sách cuối cùng”. Tòa án vừa là trụ cột của chế độ pháp quyền, vừa là thiết chế quan trọng có chức năng bảo vệ nguyên tắc pháp quyền nên tòa án được luật nhân quyền quốc tế, cũng như hiến pháp của đa số các nhà nước trao cho quyền tối cao trong việc bảo vệ quyền con người.
Luật Nhân quyền quốc tế ghi nhận “Mọi người đều có quyền được các Tòa án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định”. Việc Tòa án được thành lập để bảo vệ công lý là phù hợp với ý chí và nguyện vọng của người dân. Tòa án không có quyền từ chối khi người dân có nhu cầu cần được khắc phục những quyền bị xâm hại bằng hoạt động xét xử. Tinh thần đề cao vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người không chỉ thể hiện ở phương diện ghi nhận quyền được xét xử là một quyền con người cơ bản, mà còn được thể hiện trong nhiều nội dung khác của luật nhân quyền quốc tế về những quyền con người cụ thể.
3. Vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người
Tòa án có thẩm quyền trừng phạt người có hành vi phạm tội xâm hại quyền con người và bảo vệ người vô tội.
Tội phạm là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho quyền con người, cho nên nhà nước và xã hội đặc biệt đề cao hoạt động ngăn chặn, trừng trị và loại trừ hành vi phạm tội nhằm bảo vệ quyền con người. Pháp luật hình sự bao gồm các quy phạm pháp luật về tội phạm và hình phạt, là công cụ cơ bản được nhà nước sử dụng để trừng trị những hành vi phạm tội.
Hình phạt trừng trị tội phạm bằng việc tước đoạt hoặc hạn chế những quyền cơ bản và quan trọng nhất của người phạm tội, như: quyền sống (hình phạt tử hình), quyền tự do (hình phạt tù), quyền sở hữu (hình phạt tiền). Việc tước đoạt và hạn chế quyền và lợi ích đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là một trong những cách thức hữu hiệu hạn chế hành vi phạm tội xảy ra.
Hình phạt chỉ phát huy được vai trò xã hội khi được áp dụng đúng đắn và tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trong khi đó thực tiễn cho thấy không phải lúc nào hoạt động áp dụng hình phạt cũng bảo đảm được công bằng và đúng với quy định pháp luật. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế áp dụng hình phạt công bằng, khách quan và bảo đảm công lý là cần thiết để loại trừ những nguy cơ hình phạt bị áp dụng sai hoặc bị lợi dụng để xâm hại quyền của người khác.
Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền tự do và an toàn cá nhân
Quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân là một trong những quyền cơ bản của con người. Nhằm bảo đảm các cá nhân được hưởng tự do, luật nhân quyền quốc tế yêu cầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do và an toàn cá nhân. Mọi hành vi tước quyền tự do của cá nhân đều bị nghiêm cấm trừ trường hợp có lý do luật định.
Khoản 1, Điều 9 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966 quy định “Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà pháp luật đã quy định”[1].
Cùng với việc pháp luật phải nghiêm cấm những hành vi đe dọa, xâm hại đến quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân, luật nhân quyền quốc tế còn yêu cầu các quốc gia phải xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa những người có thẩm quyền lợi dụng “lý do luật định” để “bắt” hoặc “giam giữ” người trái pháp luật, xâm hại quyền tự do và an toàn của cá nhân. Theo khoản 4 Điều 9 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966, “Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước tòa án, nhằm mục đích để Tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp”[2]. Nội dung của quy định này cho thấy, những người bị tước tự do, do bị “bắt” và “giam giữ” có quyền được yêu cầu Tòa án kiểm tra và xác định tính hợp pháp của việc bắt và giam giữ nhằm bảo đảm việc họ bị “bắt” và “giam giữ” đúng quy định của pháp luật, cũng như hạn chế tình trạng họ bị hạn chế quyền tự do một cách bất hợp pháp.
Như vậy, theo luật nhân quyền quốc tế, Tòa án là thiết chế được trao quyền kiểm tra, thẩm định và ra phán quyết về tính hợp pháp của hành vi bắt và giam giữ khi người bị bắt và giam giữ yêu cầu nhằm hạn chế, ngăn chặn những hành vì lợi dụng quyền “bắt”, “giam giữ” xâm hại nghiêm trọng quyền tự do và an toàn cá nhân. Tòa án cũng được quyền quyết định bãi bỏ ngay tức khắc việc giam giữ và trả tự do cho người bị bắt và giam giữ trong trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất hợp pháp của việc bắt và giam giữ.
Bắt và giam giữ là những hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do của cá nhân do đó khi bình luận về quyền tự do và an ninh cá nhân, Ủy ban công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cho rằng: “Khoản 1 Điều 9 được áp dụng cho tất cả những người bị tước tự do, kể cả trong các trường hợp phạm tội hay các trường hợp khác như tâm thần, lang thang, nghiện ma túy, bị tước tự do vì các mục đích giáo dục, kiểm soát nhập cư...”[3] đồng thời yêu cầu các chủ thể bắt và giam giữ mang tính ngăn chặn vì các lý do an toàn công cộng cung cấp lý do phải áp dụng biện pháp đó cho Tòa án[4].
Vai trò của Tòa án trong việc giáo dục ý thức pháp luật về quyền con người
Nhận thức về quyền con người của cá nhân và xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển quyền con người.
Quyền con người là những quyền cụ thể của một cá nhân, là những giá trị thiên bẩm của thể nhân cho nên việc thụ hưởng và bảo vệ các quyền như thế nào trước tiên phụ thuộc vào sự nhận thức của chính cá nhân đó đối với các quyền của mình. Nếu cá nhân không nhận thức được quyền của mình thì các quyền của họ dễ bị tổn thương cho dù có sự hiện diện của các cơ chế bảo vệ quyền của nhà nước và xã hội. Điều này đã được Shulamith Koenig khẳng định “có hàng triệu người sinh ra và mất đi mà không hề biết rằng họ là những chủ nhân của quyền con người và do đó, không thể kêu gọi các chính phủ của họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. Đúng hơn là chúng ta muốn nói rằng lạm dụng sự không hiểu biết là một vi phạm quyền con người.”
Chính vì thế, một trong những ưu tiên hàng đầu của cuộc chiến chống lại những hành vi vi phạm quyền con người, các nguy cơ tước đoạt và hạn chế quyền con người chính là giáo dục nhận thức về quyền con người cho các cá nhân trong xã hội.
Trong tâm lý xã hội, tòa án đã được đa số các nền văn hóa thừa nhận như là biểu tượng của công bằng và công lý. Dù là ở phương Đông hay phương Tây, dù đang bị sự cai trị của một chế độ độc tài hay là một chế độ pháp quyền thì niềm hy vọng về sự công minh, công bằng và công lý của hoạt động xét xử chưa bao giờ mất đi trong tiềm thức của người dân. Điều này được thể hiện rõ qua các biểu tượng công lý được các nền văn minh tôn thờ trong lịch sử.
Hoạt động xét xử là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước có tính dân chủ rộng rãi. Trong quá trình xét xử, bị cáo, đương sự, người bào chữa, người làm chứng, người bị hại có quyền tham gia trực tiếp vào hoạt động xét xử, cho nên họ dễ dàng nắm bắt được các quy định của pháp luật về quyền con người được áp dụng để giải quyết vụ án, đồng thời họ được trực tiếp thực hành các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Chính vì thế, hoạt động xét xử là phương thức giáo dục pháp luật hiệu quả, sinh động và thiết thực đối với bị cáo, đương sự, người làm chứng và những người tham gia khác.
Hoạt động xét xử không đơn thuần là sự lựa chọn quy phạm mà việc áp dụng pháp luật phải trên cơ sở quá trình phân tích làm rõ ý nghĩa, nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật trong mối quan hệ với hành vi vi phạm pháp luật cá biệt, cho nên những người tham gia xét xử không chỉ nắm bắt được nội dung của quy phạm mà còn thấu hiểu được ý nghĩa xã hội, mục đích hướng đến của quy phạm. Những tri thức này sẽ tác động mạnh mẽ đến tình cảm, thái độ và ý thức pháp luật của người tham gia xét xử.
Bản án, quyết định của tòa án là sự khẳng định của pháp luật về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi pháp lý và các biện pháp trừng trị hành vi vi phạm pháp luật, phục hồi công lý, khôi phục các quyền đã bị xâm hại bởi hành vi vi phạm pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án không phải là những quy phạm pháp luật mô phỏng có tính trừu tượng cao, mà là những quyền và nghĩa vụ gắn với hành vi pháp lý cụ thể cho nên người tiếp xúc với bản án, quyết định sẽ dễ dàng nhận biết được hành vi như thế nào là vi phạm pháp luật, hành vi như thế nào là bị pháp luật trừng trị, mức độ trừng trị ra sao.
Như vậy, Tòa án thông qua hoạt động xét xử không chỉ đưa ra phán quyết mà còn gián tiếp cung cấp tri thức pháp luật cho những người tham gia xét xử, hướng dẫn họ cách thức thực hành pháp luật. Sự kết hợp hài hòa giữa việc đưa ra phán quyết trên cơ sở pháp luật, thông qua đó đồng thời cung cấp tri thức pháp luật và thực tiễn thi hành luật là phương thức giáo dục pháp luật về quyền con người hiệu quả, thu hút được sự tham gia tích cực của người được giáo dục. Chính vì thế, hoạt động xét xử không chỉ là hoạt động áp dụng pháp luật mà trở thành một trong những hình thức tuyên truyền và giáo dục pháp luật hữu hiệu trong đời sống xã hội. Tòa án áp dụng pháp luật nghiêm minh, xét xử đúng người, đúng tội và phù hợp với lẽ phải, công bằng xã hội sự tác động sâu sắc đến tri thức và tình cảm, niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Tri thức pháp luật nói chung, tri thức về quyền con người trong pháp luật nói riêng chính là cơ sở tiền đề đặc biệt quan trọng hình thành nên ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền con người của cá nhân và đồng thời là nền tảng xã hội củng cố và phát triển văn hóa quyền con người.
4. Chức năng, nhiệm vụ của tòa án trong bảo vệ quyền con người
Đầu tiên, cần thấy rằng bảo vệ quyền con người, quyền công dân có thể hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao trùm các nghĩa vụ của nhà nước nói chung đối với quyền con người, quyền công dân. Điều này thể hiện ở chỗ “bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước và là một đặc tính quan trọng của Nhà nước pháp quyền” và do vậy, “Nhà nước ra đời thực chất phải đảm nhiệm tốt cả hai vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Hai vai trò này thường xuyên có tác động tới nhau, thậm chí đối nghịch lại nhau, nhưng lại là bài toán hóc búa buộc Nhà nước phải giải quyết một cách hài hòa”[5]. Chính vì hiểu theo nghĩa này, Hiến pháp đã quy định rõ nhiệm vụ bảo vệ quyền con người cho các cơ quan nhà nước. Trước tiên, tuy nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được quy định tại các điều khoản khác nhau, song cả hai hệ thống cơ quan này đều có chung nhiệm vụ “bảo vệ quyền con người, quyền công dân”[6]. Bên cạnh hai cơ quan này, Chính phủ cũng lần đầu tiên được quy định có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân[7]. Có thể thấy trách nhiệm bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định rộng rãi, cho thấy sự phát triển trong nhận thức chung về vai trò và tầm quan trọng của quyền con người, cũng như vấn đề bảo vệ quyền con người trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, về ngôn ngữ, “nhiệm vụ” có thể hiểu là “công việc phải làm, gánh vác”[8] hoặc “công việc phải làm vì một mục đích và trong một thời gian nhất định”[9]. Trong khoa học lý luận nhà nước và pháp luật, khái niệm “nhiệm vụ của nhà nước” được hiểu là những công việc đặt ra đòi hỏi nhà nước phải giải quyết theo những mục tiêu đã định sẵn[10]. Tuy khái niệm trên được chỉ chung cho toàn bộ nhà nước, không riêng cơ quan nhà nước nào, nhưng nó cũng giúp chúng ta hình dung về nhiệm vụ của nhà nước, trong đó có cả những nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Ở đây, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân được hiểu là nhiệm vụ Tòa án nhân dân phải giải quyết trong suốt quá trình tồn tại, tức là có tính chiến lược và lâu dài; gắn liền với chức năng của cơ quan này.
Từ đó, có thể nhận định:
“Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân là những công việc lâu dài, xuyên suốt; được đặt ra và đòi hỏi Tòa án nhân dân phải giải quyết nhằm ngăn chặn, xử lý tất cả những sự xâm phạm quyền con người trong xã hội nói chung cũng như quá trình tố tụng nói riêng; từ đó tạo ra một môi trường pháp lý an toàn để mọi người cũng như mọi công dân có thể thụ hưởng quyền của mình.”
5. Kết luận
Hoạt động bảo vệ quyền con người của Tòa án trong lĩnh vực tư pháp hình sự ở Việt Nam hiện nay đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, thể hiện qua việc Tòa án ngày càng chú trọng đến việc bảo đảm quyền của bị cáo, bị hại và các bên liên quan trong quá trình tố tụng. Việc thực hiện các nguyên tắc như suy đoán vô tội, quyền được bào chữa và đảm bảo công lý công bằng là minh chứng cho những nỗ lực này. Những cam kết quốc tế về quyền con người Việt Nam tham gia cũng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hệ thống tư pháp hình sự vẫn tồn tại nhiều thách thức. Tình trạng oan sai, vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án vẫn diễn ra, đặt ra yêu cầu phải có những cải cách sâu rộng. Vấn đề tiếp cận công lý của những người yếu thế trong xã hội, như người nghèo, người không có điều kiện kinh tế và các đối tượng dễ bị tổn thương cũng cần được chú trọng hơn.
Do đó, để Tòa án thực sự trở thành cơ quan bảo vệ quyền con người một cách toàn diện và hiệu quả trong lĩnh vực tư pháp hình sự, cần có những biện pháp cụ thể như nâng cao năng lực chuyên môn cho thẩm phán, tăng cường minh bạch trong quá trình xét xử và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trong quá trình tố tụng. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, minh bạch và công bằng để người dân có thể tin tưởng vào hệ thống tư pháp.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
1Liên Hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966
2Liên Hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966
3, 4Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), Quyền con người - Tập hợp những bình luận/khuyến nghị chung của Ủy ban Công ước Liên hợp quốc, Nxb. Công an nhân dân
5Trương Hồng Quang, Đánh giá 5 năm thi hành nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp 2013”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2019.
6 Xem Khoản 3, Điều 102, Khoản 3, Điều 107, Hiến pháp năm 2013
7Xem Khoản 6, Điều 96, Hiến pháp năm 2013
8Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội
9Hoàng Phê (Chủ biên) (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
10Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2022, trang 74.
The role, functions and tasks of the court in protecting human rights in the criminal justice
in Vietnam
Ph.D Vo Khanh Minh
Institute of State and Law
Abstract:
In the context of increasingly developing society and deep international integration, the protection of human rights has become one of the top important tasks of state agencies. Especially in the field of criminal justice, the court plays a central role in ensuring that human rights are implemented and protected effectively and fairly. This paper analyzed the role, functions, and tasks of the court in protecting human rights in the field of criminal justice. It also gives some suggestive comments on this litigation activity.
Keywords: criminal justice, court, human rights protection, wrongful conviction, presumption of innocence.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]