Quốc hội với vai trò thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài báo Quốc hội với vai trò thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Viện Nhà nước và Pháp luật) thực hiện.

TÓM TẮT:

Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Bài viết tập trung vào làm rõ các vấn đề về bảo đảm tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Từ khóa: thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Quốc hội.

1. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải đảm bảo tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Thượng tôn pháp luật là một giá trị có tính phổ biến, là đại diện cho tính công bằng và đảm bảo công lý, xuất phát từ bản chất của pháp luật là đại lượng chung thể hiện ý chí của xã hội[1]. Trong hệ thống pháp luật, Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, là cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác, do đó, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ngày nay đã trở thành một trong những nội dung căn bản của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được ghi nhận tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”.

Trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nội dung của yêu cầu về thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được cụ thể như sau:

Thứ nhất, các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, Quốc hội thực hiện vai trò tổ chức thi hành và đưa Hiến pháp và pháp luật vào đời sống xã hội.

Thứ ba, trong phạm vi quyền lực được trao, Quốc hội thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước đảm bảo việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

1.1. Các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật

Đặc trưng và là thuộc tính cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân[2]. Theo đó, bất kỳ nhà nước pháp quyền nào cũng đảm bảo tính chính đáng của quyền lực nhà nước thông qua phương thức bầu cử phổ thông, bình đẳng và trực tiếp, trong đó có Quốc hội (Nghị viện) là cơ quan đại diện cao nhất cho quyền lực nhân dân. Hiến pháp là văn bản quy định các vấn đề về cách thức thành lập nên Quốc hội như chế độ bầu cử, vị trí và chức năng của Quốc hội.

Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước[3] và việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bằng việc quy định về thể thức tạo lập nên cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, việc đảm bảo dân chủ như là một giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền được thực hiện trong suốt lịch sử hình thành và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Về tổ chức, Quốc hội bao gồm đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng không chỉ của nhân dân tại địa phương đã bầu ra mình mà đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội với chức năng nhiệm vụ mang tính chất tổ chức, điều hành, đảm bảo cho hoạt động bình thường của Quốc hội như công bố, chủ trì bầu cử đại biểu Quốc hội, tổ chức, chuẩn bị, triệu tập, chủ trì cuộc họp…) và những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc thực hiện các chức năng của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội có trách nhiệm chính là chủ tọa phiên họp Quốc hội và các phiên họp khác, lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội…

Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội và có chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị, trình dự án luật và chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các nhiệm vụ cụ thể của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội được quy định cụ thể trong chương V Hiến pháp năm 2013. Quốc hội có nội dung hoạt động bao gồm lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát, đối ngoại và dân nguyện.

1.2. Quốc hội thực hiện vai trò tổ chức thi hành và đưa Hiến pháp và pháp luật vào đời sống xã hội

Đây là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan nhà nước, tuy nhiên, Quốc hội, với vị trí là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho quyền lực nhân dân, có phạm vi quyền lực trong toàn bộ lãnh thổ, việc thực hiện vai trò này mang tính quyết định đối với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Lập pháp là hoạt động quan trọng nhất trong việc đảm bảo vai trò tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật vào đời sống xã hội. Với chức năng này, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được đặt ra trong từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước. Các luật được ban hành góp phần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong từng lĩnh vực cụ thể như bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Ngoài ra, Quốc hội cũng chủ động xây dựng một số luật[4] như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Cho đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được số lượng luật và pháp lệnh gấp 10 lần tổng số luật của 41 năm trước[5]. Nhiều hoạt động cụ thể đáp ứng được yêu cầu cấp thiết và đột xuất của xã hội như bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV một số nội dung về cơ chế, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, quyết định một số giải pháp để tháo gõ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở cho hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

1.3. Quốc hội thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước đảm bảo việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

Giám sát là việc chủ thể theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.[6]

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 không quy định Quốc hội giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước mà quy định phạm vi giám sát được giới hạn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất, những cơ quan do Quốc hội thành lập, phê chuẩn và chịu sự giám sát của Quốc hội như Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia. Phạm vi giám sát đó phù hợp với tính chất tối cao của chức năng giám sát của Quốc hội và cũng phù hợp với thực tiễn, bởi trong suốt quá trình lịch sử, hầu như phạm vi hoạt động giám sát của Quốc hội chưa bao giờ được thực hiện đối với các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống.[7]

Hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt hiệu quả với việc kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập và kiến nghị nhằm có các chính sách phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong quá trình thi hành pháp luật với các nội dung bao quát. Hoạt động giám sát chuyên đề cũng được đổi mới nhằm tăng cường hiệu quả giám sát.

1.4. Các vấn đề đặt ra đối với việc bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Bên cạnh các mặt tích cực trên, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội liên quan đến bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật còn có một số vấn đề cần đặt ra.

Thứ nhất, hoạt động lập pháp chưa được hiện đại hóa, chưa chủ động và chưa đảm bảo được tính phù hợp. Cụ thể, một số dự án, dự thảo có chính sách chưa rõ ràng, chưa được đánh giá tác động đầy đủ, một số luật còn mang tính nguyên tắc nên cần có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn…

Thứ hai, một số hình thức giám sát chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ để thực hiện, chưa có quy định rõ ràng để xử lý trách nhiệm người chịu giám sát, chủ yếu dừng ở việc kiến nghị. Một số hoạt động giám sát còn dựa trên báo cáo, tài liệu do cơ quan được giám sát cung cấp mà chưa sử dụng thêm các nguồn thông tin đáng tin cậy khác.

1.5. Giải pháp bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Thứ nhất, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Với vai trò là một trong những hoạt động chính của Quốc hội trong đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, hoạt động lập pháp cần phải được đảm bảo hiệu quả bởi kết quả của hoạt động này có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động trên phạm vi toàn lãnh thổ. Tính chuyên nghiệp của hoạt động lập pháp trước hết là sự chuyên nghiệp trong từng cơ quan của Quốc hội và cả đại biểu Quốc hội. Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội cần được xác định ở sự tập trung về thời gian và nhiệm vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp chung của Quốc hội thể hiện ở thực hiện đầy đủ quy trình lập pháp, thu hút sự tham gia của các tổ chức và các bộ phận tham mưu có trình độ chuyên môn sâu.

Thứ hai, hoàn thiện và thực thi đúng quy trình giám sát. Hoạt động giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội chỉ đạt hiệu quả khi xác định rõ phạm vi lĩnh vực giám sát của từng chủ thể giám sát, tránh chồng chéo, đổi mới hình thức và cách thức giám sát để tăng cường hiệu quả giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật.

2. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Quyền con người được hiểu là “những quyền cơ bản, không thể tước bỏ mà một người vốn được thừa hưởng đơn giản vì họ là con người”[8] hay “những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”[9].

Quyền con người, quyền công dân là những vấn đề luôn được tôn trọng và bảo đảm ở Việt Nam thông qua việc ghi nhận trong các văn bản pháp lý cao nhất và được đảm bảo thực thi bởi hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quốc hội, với vị trí đặc biệt trong bộ máy nhà nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động lập hiến, lập pháp và hoạt động giám sát thực hiện Hiến pháp và pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

2.1. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động lập pháp

Trong các bản Hiến pháp mà Quốc hội nước ta đã ban hành đều thể hiện tư tưởng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận và quy định cụ thể tại chương II Hiến pháp năm 2013, theo đó “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 được ghi nhận một cách rõ ràng và mở rộng trên mọi lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế đến xã hội, văn hóa. Việc hiến định các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 đã bám sát các quy định của luật nhân quyền quốc tế và tiếp thu những tiến bộ gần đây trong hiến pháp của một số quốc gia[10].

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó, có 7/8 công ước cơ bản.

2.2. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội

Giám sát là một hoạt động cơ bản của Quốc hội. Mục đích của hoạt động giám sát là đảm bảo việc thi hành pháp luật thống nhất và hiệu quả ở các đối tượng bị giám sát, từ đó phát hiện các vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tương ứng, khắc phục các bất cập đó, đồng thời, xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể bị giám sát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm pháp luật. Hoạt động giám sát của Quốc hội có phạm vi bao trùm, liên quan đến mọi lĩnh vực pháp luật, trong đó có pháp luật về quyền con người, quyền công dân.

Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát thông qua giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước bao gồm hoạt động theo dõi tính hợp pháp đối với các văn bản do các cơ quan nhà nước chịu sự giám sát trực tiếp của QH ban hành, cũng như tính hợp pháp trong hoạt động thực tiễn của các cơ quan nhà nước. Quyền con người, quyền công dân dễ bị xâm phạm bởi các hoạt động thực thi công vụ, ban hành văn bản áp dụng pháp luật… của cơ quan nhà nước, do đó, việc giám sát của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và bảo vệ các quyền này.

Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát thông qua kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bằng hình thức này, Quốc hội xem xét tính phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành so với các quy định về quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập. Quốc hội có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các đạo luật hiện hành, đặc biệt là các đạo luật liên quan đến quyền con người, nhằm kịp thời khắc phục những điểm chưa hoàn thiện về mặt pháp lý[11].

Quốc hội cũng thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động chất vấn. Quyền chất vấn được trao cho đại biểu Quốc hội đối với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tòa án nhân dân tối cao và Tổng kiểm toán nhà nước[12]. Thông qua hoạt động này, nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có các giải trình về việc bồi thường oan sai theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã được làm rõ[13].

Ngoài ra, hoạt động giám sát của Quốc hội còn được thực hiện thông qua các đoàn cán bộ đi giám sát ở các địa phương, từ đó phát hiện các vi phạm pháp luật về quyền con người và quyền công dân.

2.3. Các vấn đề đặt ra đối với việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Thứ nhất, về phạm vi, quyền con người trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia chưa được nội luật hóa đầy đủ.

Cho đến nay, quyền con người và quyền công dân đã được quy định tại chương II Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, một số quyền được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) mà Việt Nam đã gia nhập chưa được ghi nhận. Ngoài ra, các quyền như tự do đi lại, cư trú; quyền tự do lập hội, biểu tình; quyền có nơi ở hợp pháp… đều được thừa nhận là quyền con người và tất cả mọi người không phân biệt đều được hưởng nhưng các quyền này mới chỉ được Hiến pháp năm 2013 quy định thuộc phạm vi của quyền công dân[14].

Thứ hai, thực trạng xâm phạm quyền được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân của từng cá nhân trong xã hội phụ thuộc vào thái độ, cơ chế bảo vệ và bảo đảm của Nhà nước và các chủ thể khác, do đó, rất dễ bị xâm phạm trên cả phương diện hành chính, hình sự, dân sự.

2.4. Giải pháp đảm bảo tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có sự mở rộng phạm vi được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm của quyền con người, thực hiện nghĩa vụ nội luật hóa của Việt Nam đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, Quốc hội, trong phạm vi hoạt động giám sát của mình, tăng cường hiệu quả giám sát các cơ quan nhà nước liên quan đến tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền giám sát đối với các cơ quan và cá nhân do Quốc hội thành lập, bầu hoặc phê chuẩn như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

3. Kết luận

Bảo đảm tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân là các yêu cầu đặt ra trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, do đó, việc đảm bảo các yếu này trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội là một yêu cầu tất yếu, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện trong thời gian tới.

 TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Phạm Hồng Thái và Phạm Hồng Sơn (2023), Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, Số 05, tr. 48 -52.

[2] Hà Thị Mai Hiên, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của quyền lập pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN giai đoạn 2011 - 2020”, Đề tài cấp Bộ, Viện Nhà nước và Pháp luật, 2011.

[3] Điều 6 Hiến pháp năm 2013.

[4] Đảng Đoàn Quốc hội, Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tr.35.

[5] Đảng Đoàn Quốc hội, Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tr.35.

[6] Phan Khuyên (2021), “Hoạt động giám sát của Quốc hội - Thực trạng và kiến nghị”, Tạp chí Công Thương, số 9.

[7] Tô Văn Hòa (2015), “Một số điểm mới về vị trí, chức năng của Quốc hội trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Truy cập tại https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/ctv/news/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemId=17

[8] [1] Human rights. Retrieved from: http://en.wikipedia.org/wiki/Human_rights.

[9] United Nations (2006). Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation. Truy cập tại: https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Publications/FAQen.pdf

[10] Ngô Đức Mạnh (2016), “Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị số 3.

[11] Nguyễn Lan Nguyên (2022), “Vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật về quyền con người tại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 11.

[12] Hiến pháp năm 2013.

[13] Nguyễn Lan Nguyên (2022), “Vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật về quyền con người tại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 11.

[14] Phí Thị Thanh Tuyền (2023), “Bảo đảm quyền con người trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số 374.

The National Assembly and its role in upholding the Constitution and assurance of human rights, civil rights during the process of building a rule-of-law state in Vietnam

Ph.D Nguyen Thi Thu Thuy

Institute of State and Law

Abstract:

The current process of building a rule-of-law state in Vietnam poses many tasks for the organization and operation of the National Assembly. This paper clarified issues of ensuring the spirit of upholding the Constitution and the law, and ensuring human rights and civil rights in the organization and operation of the National Assembly.

Keywords: uphold the Constitution and the law, assurance of human rights, civil rights, the National Assembly.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 9 năm 2024]

Tạp chí Công Thương