1. Mô hình CNH rút ngắn của Nhật Bản và Liên Xô (cũ)
Nhật Bản bắt đầu CNH vào thời Minh Trị (năm 1868) và hoàn thành CNH vào trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, thời gian khoảng hơn 6 thập kỷ. Liên Xô (cũ) tiến hành CNH từ năm 1926, kết thúc vào năm 1937, thời gian hơn chục năm. Tuy có khác nhau về thời điểm bắt đầu, trình tự tiến hành và mục tiêu thực hiện, nhưng hai nước này đều có điểm chung là rất đề cao vai trò của nhà nước trong CNH.
Vào cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản cử sinh viên ra nước ngoài học tập và sao chép công nghệ tiên tiến của Phương Tây, cử các đoàn của Chính phủ ra nước ngoài và tạo điều kiện cho các văn phòng đại diện của các công ty thương mại tư nhân theo dõi các phát minh, sáng chế có thể đưa về nước sử dụng. Khuyến khích việc tiếp xúc với những người có bằng sáng chế và có bản quyền thích hợp, thu nhận họ vào việc xây dựng các xí nghiệp mới ở Nhật hoặc giảng dạy cho các thế hệ kỹ thuật viên, kỹ sư và các nhà khoa học Nhật Bản tương lai. Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc kích thích nhịp độ phát triển xây dựng đường xe lửa cùng với những công trình phúc lợi công cộng. Nhà nước coi trọng việc củng cố lưu thông tiền tệ, tạo thể chế ngân hàng phù hợp, hiện đại hoá hệ thống thuế, ngân sách, đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội; Khuyến khích đầu tư của tư nhân bằng các chính sách và biện pháp như cấp giấy phép kinh doanh, ưu đãi về tài chính, tín dụng và tạo lập khung pháp lý để các doanh nghiệp được tự do hoạt động, phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.
Để thúc đẩy CNH, Nhà nước Nhật Bản áp dụng chính sách mở cửa ra thị trường thế giới và cạnh tranh với các nước phát triển về các mặt hàng mà Nhật Bản có ưu thế. Trong giai đoạn đầu CNH, Nhà nước hướng các doanh nghiệp vào phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, kể cả các ngành truyền thống, quy mô nhỏ; Khuyến khích dân chúng tiết kiệm để tăng nguồn vốn trong nước mở rộng đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm.
ở Liên Xô, Nhà nước đóng vai trò là người trực tiếp tổ chức và quản lý CNH. Công cụ chủ yếu để thực hiện vai trò này là kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân tập trung, thống nhất cao độ. Kế hoạch của Nhà nước vạch ra từng bước đi của CNH. Trong thời gian CNH ở Liên Xô, có ba bước đi cụ thể: bước thứ nhất - chuẩn bị, hay còn gọi là bước lấy đà, tiến hành trong hai năm 1926-1927; bước thứ hai - triển khai CNH, đây là bước có ý nghĩa quyết định, được thực hiện trong suốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1928-1932; Và bước thứ ba - hoàn thiện trang bị kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, được thực hiện trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1933-1937.
Ngay từ khi triển khai thực hiện bước thứ nhất, Nhà nước đã tập trung nguồn lực vào phát triển các ngành công nghiệp theo phương châm công nghiệp năng lượng đi trước, ưu tiên công nghiệp nặng, cơ khí là then chốt, gắn phát triển công nghiệp với nông nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp. Chủ trương này được quán triệt trong tất cả các bước đi của CNH.
Nguồn vốn cho CNH chủ yếu được huy động từ tiết kiệm, tiết chế tiêu dùng thông qua kế hoạch hoá sản xuất và tiêu dùng trên quy mô toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Do tập trung được hầu hết mọi nguồn lực của đất nước vào nền kinh tế quốc doanh (do nhà nước tổ chức) và kinh tế tập thể, nên các bước đi của CNH được tiến hành có nhiều thuận lợi. Nhờ những nỗ lực của Nhà nước và hưởng ứng tích cực của nhân dân, Liên Xô đã hoàn thành CNH và trở thành nước đứng đầu châu Âu về sản xuất công nghiệp vào năm 1937.
Thực tế ở Nhật Bản và Liên Xô cho thấy, Nhà nước có vai trò là một công cụ hữu hiệu để CNH. Nếu ở các nước đi đầu, CNH dựa vào các phát minh gắn liền với những tiến triển của cách mạng công nghiệp, chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện, vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt, thì ở Nhật Bản và Liên Xô, tính tổ chức trên quy mô toàn xã hội được đề cao. ở đây, Nhà nước trở thành cơ quan điều hoà, phối hợp các lực lượg CNH. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách và tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận kỹ thuật tiên tiến ở các nước đi trước để lựa chọn việc đầu tư. Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chú trọng phát triển nguồn nhân lực để tạo ra năng lực nội sinh cho việc tiến hành CNH. Nhờ biết phát huy vai trò của Nhà nước mà tính tự phát được giảm thiểu, thời gian hoàn thành CNH ở hai nước này được rút ngắn hơn so với các nước đi đầu.
2. Mô hình CNH rút ngắn của các nền kinh tế công nghiệp mới và một số nước ASEAN
Các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Các nền kinh tế này bắt đầu CNH vào cuối những năm 50 thế kỷ XX, hoàn thành vào cuối những năm 80. Các nước ASEAN được quan tâm ở đây bao gồm Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Philippin. Họ tiến hành CNH muộn hơn so với NIEs khoảng 1 thập kỷ. Khác Nhật Bản và Liên Xô, NIEs và ASEAN tiến hành CNH trong một bối cảnh mới. Đó là sự phát triển của cách mạng khoa học - kỹ thuật và xu hướng khu vực hoá, toàn cầu hoá thương mại đang diễn ra. Các lý thuyết kinh tế và quản lý kinh tế mới được xây dựng thay thế cho các lý thuyết cổ điển trước đây. Trong đó, nổi lên lý thuyết về vai trò nhà nước trong kinh tế thị trường.
Trong bối cảnh đó, NIEs và các nước ASEAN đã biết phát huy lợi thế “người đi sau” để đẩy nhanh tiến trình CNH của mình. Mô hình CNH mà họ áp dụng là phát huy sức mạnh của thị trường với sự dẫn dắt của Nhà nước. Trong mô hình này, thị trường có vai trò kích thích các doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, công nghệ mới và lựa chọn ngành kinh doanh có nhiều lợi thế; Nhà nước có vai trò điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy mức độ và phạm vi can thiệp của Nhà nước vào CNH ở các nước có khác nhau, nhưng trong mỗi nhóm nước đều có những điểm chung.
Chẳng hạn, ở NIEs, các nhà nước đều đưa ra một chiến lược CNH rất mềm dẻo và năng động. Bước đi của CNH đều được thực hiện từ nhỏ đến lớn, từ thị trường trong nước ra thị trường thế giới, từ công nghệ sử dụng nhiều lao động sang công nghệ có hàm lượng vốn và khoa học cao. Trong việc trang bị kỹ thuật, công nghệ mới, các nước đều ban hành chính sách nhằm phát huy tối đa nội lực và thu hút mạnh mẽ, có hiệu quả các nguồn ngoại lực. Thu hút công nghệ và nguồn vốn nước ngoài được các nước đặc biệt coi trọng. Có chính sách đãi ngộ đối với các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ. Kết hợp đầu tư của Nhà nước với đầu tư của tư nhân cho nghiên cứu - triển khai. Tăng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia. ¦u tiên phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lương nguồn nhân lực. Đây là những đột phá cho việc đẩy nhanh tiến trình HĐH nền kinh tế.
Tại các nước ASEAN, nhà nước can thiệp trực tiếp và gián tiếp vào CNH. Hệ thống điều tiết của Nhà nước được thiết lập bao gồm các luật lệ, chính sách kinh tế và bộ máy điều hành. Hệ thống này có nhiệm vụ định hướng, quy hoạch, kiểm soát và hỗ trợ CNH theo các mục tiêu của Nhà nước. Điểm nổi bật tại các nước này là Nhà nước rất chú trọng thu hút kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước đi trước và mở rộng thị trường kể cả thị trường vốn quốc tế. Các chính sách Nhà nước đưa ra nhằm tạo môi trường vốn hấp dẫn, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhà nước đầu tư và ưu tiên tín dụng cho các doanh nghiệp để phát triển kết cấu hạ tầng. Can thiệp vào thị trường lao động cho các doanh nghiệp để phát triển kết cấu hạ tầng. Can thiệp vào thị trường lao động, đảm bảo công bằng xã hội và công bằng dân tộc trong quá trình CNH nền kinh tế.
Tuy ở nước này hay nước khác, sự can thiệp của nhà nước vào CNH có khi không được như ý muốn, thậm chí gặp phải thất bại, nhưng rõ ràng, vai trò của nhà nước trong việc rút ngắn thời gian CNH là rất quan trọng. Nếu CNH của Liên Xô trước đây đặc biệt đề cao vai trò nhà nước, thì ở NIEs và các nước ASEAN lại kết hợp nhà nước với thị trường. Nếu CNH của Nhật Bản, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích tiếp thu kỹ thuật, công nghệ của nước đi trước, tôn trọng và nuôi dưỡng sáng kiến cá nhân, thì ở NIEs và ASEAN còn tìm giải pháp đẩy nhanh tốc độ CNH bằng cách tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và mở rộng luồng vốn tài chính từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Thực tế đã chứng tỏ tốc độ tiến hành CNH nhanh hay chậm của một quốc gia phụ thuộc rất lớn (nếu không nói là có tính quyết định) vào việc thực hiện vai trò của nhà nước ở chính quốc gia đó.
3. Một số bài học rút ra
CNH rút ngắn là một khả năng tiềm ẩn và là một lợi thế riêng có của các nước đi sau. Bởi lẽ các nước này tiến hành CNH trong khi trên thế giới đã có những nước hoàn thành CNH và đang tiến mạnh vào nền kinh tế hiện đại. ở đó, những nội dung của CNH đã được triển khai ổn định, thậm chí còn bị lạc hậu đối với họ. Do tác động của cách mạng khoa học - kỹ thuật và kinh tế thị trường, các nước này sẵn sàng chuyển giao công nghệ hiện có của mình cho nước đi sâu để bước vào thế hệ công nghệ mới. Vì thế, nước đi sau có rất nhiều phương án lựa chọn trong phát triển, công nghệ mà không nhất thiết phải dựa vào phát minh, không phải trả giá cho những bước quanh co chậm chạp của cách mạng công nghiệp như các nước đi đầu đã từng trải qua. Bài học rút ra từ đây là muốn đẩy nhanh tốc độ CNH, phải biết phát huy lợi thế của nước phát triển muộn về công nghiệp.
Để biến khả năng rút ngắn thành hiện thực, các nước có nhiều thành công trong CNH đã rất coi trọng vai trò của nhà nước. Đây không phải là một giải pháp ngẫu nhiên, nhất thời, mà là một hoạt động mang tính quy luật. Nó bắt nguồn từ chỗ các nước đi sau đều rất khan hiếm về nguồn lực, nhất là về vốn và lao động kỹ thuật. Mặc dù thị trường là cơ chế phân bổ nguồn lực của nền kinh tế có hiệu quả, nhưng do tính tự phát nên nó rất có thể gây ra tình trạng lãng phí, mất cân đối trong sử dụng các nguồn lực đó. Các chủ doanh nghiệp do phải cạnh tranh trên thị trường, tất phải tìm đến kỹ thuật, công nghệ mới, tức là phải HĐH hệ thống sản xuất, kinh doanh của mình. Nhưng nó vẫn không thể vượt qua giới hạn của một doanh nghiệp trong một ngành hay một lĩnh vực kinh tế.
Chỉ có nhà nước mới có khả năng điều hoà, phối hợp có hiệu quả các nguồn lực trên quy mô toàn bộ nền kinh tế quốc dân tập trung cho CNH. Thực tế đã cho thấy, nếu không phát huy được vai trò của nhà nước thì tiến trình CNH nền kinh tế ở một nước không thể đẩy nhanh lên được. Việc thực hiện vai trò của nhà nước trong CNH nền kinh tế quốc dân chính là sự thể hiện chức năng kinh tế và mở rộng ra là chức năng xã hội vốn có của bất kỳ nhà nước nào. Nếu không thực hiện chức năng này, thì nhà nước không thể có điều kiện tồn tại. Thực tế ở các nước có nhiều thành công trong rút ngắn thời gian CNH còn cho thấy vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chức năng ngày một tăng cường. Đây là biểu hiện của sự tiến bộ xã hội. Và chỉ như vậy, tốc độ CNH mới được đẩy nhanh hơn.
- Trong việc thực hiện vai trò của mình, tại các nước có nhiều thành công về CNH, nhà nước tập trung vào 3 phương diện: (1) định hướng CNH cho toàn bộ nền kinh tế; (2) dẫn dắt các doanh nghiệp hoạt động theo mục tiêu nhà nước đã lựa chọn thông qua hệ thống các công cụ kinh tế vĩ mô của nhà nước; và (3) đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, một số ngành quan trọng và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp.
ở đây, việc định hướng của nhà nước có ý nghĩa cung cấp tầm nhìn dài hạn, xác định bước đi và cách thức tiến hành CNH trong toàn bộ nền kinh tế. Qua đó, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng tự phát, cục bộ trong trang bị kỹ thuật, công nghệ ở doanh nghiệp, tập trung nguồn lực cho mục tiêu nhà nước đã lựa chọn. Điểm nổi bật trong định hướng của nhà nước ở các nước này là việc lựa chọn nội dung và cách thức tiến hành CNH. Nếu ở các nước đi đầu, CNH được bắt đầu từ việc trạng bị kỹ thuật của các doanh nghiệp, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu kinh tế như một tất yếu, thì ở các nước đi sau lại giành ưu tiên cho cơ cấu kinh tế, lấy định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cơ sở cho việc lựa chọn trang bị kỹ thuật, công nghệ và chuẩn bị nhân lực. Nhờ cách thức đó, tiến trình CNH được chủ động hơn, tốc độ nhanh hơn. ở đây, có những ngành, lĩnh vực được tiến thẳng vào công nghệ hiện đại mà không nhất thiết phải trải qua các giai đoạn phát triển trung gian.
Các công cụ kinh tế vĩ mô, về hình thức vẫn bao gồm luật pháp, chính sách và biện pháp kinh tế, nhưng trong nội dung lại được điều chỉnh theo hướng ưu tiên CNH. Chẳng hạn, Hàn Quốc và Đài Loan ban hành chính sách phát triển khu khoa học - công nghiệp, Singapore xây dựng công viên khoa học - công nghệ, Inđônêxia, Philippin… xây dựng các khu chế xuất, v.v… Các chính sách khuyến khích tiết kiệm và đầu tư trong nước, thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài, đặc biệt là phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các nước coi trọng.
Đầu tư của nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng, ngành kinh tế trọng điểm và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp, chính là nhằm kích thích đầu tư của doanh nghiệp và của nhân dân, thu hút đông đảo mọi lực lượng xã hội vào CNH. Thực tế cho thấy, nhà nước không thể làm thay thị trường, nhưng nếu xem nhẹ vai trò của nhà nước thì không thể rút ngắn được thời gian CNH.
- Thành công của các nước CNH muộn chính là thành công của sự kết hợp CNH với HĐH trong toàn bộ nền kinh tế, kết hợp vai trò của nhà nước với cơ chế thịt rường. Kinh nghiệm các nước nói lên rằng, ở đâu có nhà nước mạnh, biết coi trọng thị trường, có quyết tâm cao trong thực hiện chiến lược CNH, có giới lãnh đạo nhiệt tình và giàu năng lực sáng tạo, có uy tín, biết tập trung xung quanh mình nhân tài, trí tuệ của đất nước, thì ở tốc độ CNH nhanh hơn và có hiệu quả hơn.
Thế nhưng, tại sao Liên Xô trước đây mặc dù Nhà nước không thật coi trọng cơ chế tự điều tiết của thị trường, nhưng vẫn có tốc độ CNH nhanh như vậy? Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nhấn mạnh vai trò của nhà nước Xô Viết. Đó là nhà nước của giai cấp công nhân và những người lao động, được tổ chức thành một sức mạnh, lợi ích của nhà nước và của xã hội hội cơ bản là nhất trí, chứ không phải nhà nước của thiểu số giai cấp bóc lột chống lại đa số người lao động như ở các nước tư bản.
Nước ta tiến hành CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân trong điều kiện mới. Thế giới đã chuyển sang giai đoạn cách mạng khoa học - công nghệ, xu hướng khu vực hoá và toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra sôi động. Trong điều kiện đó, cơ cấu của nền kinh tế được chuyển dịch theo hướng gia tăng mạnh mẽ các ngành kinh tế dựa nhiều và tri thức. Đây là một cơ hội lớn nếu biết đón bắt kịp thời. Nước ta đã có một số tiền đề quan trọng cho việc đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH. Nhà nước của ta lại là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, có khả năng tập hợp đông đảo lực lượng xã hội cho CNH, HĐH. Vấn đề là phải xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh, thật sự đại biểu cho tinh hoa, trí tuệ của dân tộc, biết đón bắt thời cơ, phát huy lợi thế của đất nước mới có thể rút ngắn đáng kể thời gian trở thành nền kinh tế hiện đại.
Vai trò của Nhà nước trong các mô hình công nghiệp hóa rút ngắn - Bài học đối với Việt Nam
TCCT
Công nghiệp hoá (CNH) rút ngắn là con đường phát triển của nước đi sau. Đó là các nước tiến hành CNH muộn hơn so với các nước đi đầu như Anh, Pháp, Mỹ và Đức... Do biết khai thác lợi thế của mình, một