Giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng đáng kể
Nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng mạnh trong bối cảnh tăng trưởng nguồn cung đất công nghiệp không theo kịp, giá cho thuê đất công nghiệp trung bình tại Việt Nam trong năm 2023 đã tăng thêm 15% so với năm 2022, đạt trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê.
Đáng chú ý, mức tăng giá thuê đất trung bình tại khu vực phía Bắc lên tới 27%, đạt trung bình 127 USD/m2/chu kỳ thuê nhờ làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử. Riêng tại Bắc Ninh và Hải Phòng, giá thuê lần lượt tăng 40% và 30% so với năm 2023.
Tại phía Nam, giá thuê đất công nghiệp ở các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu lần lượt có mức tăng 12%, 20%, và 30%.
Theo dữ liệu mới đây của hãng chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức giá cho thuê đất công nghiệp tại khu vực phía Bắc và phía Nam trong quý 1/2024 lần lượt tăng 7,8% và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, lần lượt đạt 133 USD/m2/chu kỳ thuê và 189 USD/m2/chu kỳ thuê.
Nhiều tổ chức tài chính nhận định, giá cho thuê đất khu công nghiệp bình quân ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn hấp dẫn, khi thấp hơn từ 20% - 40% so với các quốc gia khác trong khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc +1” và tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất nhằm giảm thiểu các rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Hiện các doanh nghiệp lớn như Apple, Luxshare, Wistron, Samsung… liên tục đầu tư và cam kết mở rộng sản xuất hơn nữa tại Việt Nam, bất chấp dòng vốn đầu tư trên toàn cầu đang có xu hướng chậm lại.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số cao nhất của 5 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.
Miền Bắc sẽ là tâm điểm của thị trường
Chứng khoán Vietcombank dự báo giá cho thuê đất khu công nghiệp ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn 2024 - 2025.
Động lực chủ yếu đến từ việc nguồn cung đất khu công nghiệp mới tiếp tục trong tình trạng khan hiếm trong giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, tiền thuê đất/sử dụng đất và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đang có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, các chi phí phát triển dự án như đầu tư xây dựng hạ tầng đặc biệt là vật liệu xây dựng tăng cao sẽ gây áp lực lên giá cho thuê.
Đáng chú ý, Chứng khoán Vietcombank đánh giá, khu vực miền Bắc sẽ có mức tăng giá cho thuê tốt hơn so với khu vực phía Nam nhờ vào nhu cầu thuê đất khi khi xu hướng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2024.
Đồng thời, các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn sẽ là những đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng trên, có cơ hội nắm bắt ngay nhu cầu thuê của các khách hàng. Dự kiến nguồn cung đất khu công nghiệp mới sẽ chỉ thực sự tăng trưởng mạnh trở lại từ nửa cuối năm 2025, theo Chứng khoán Vietcombank.
Đà tăng giá đất khu công nghiệp của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại khi dần tiệm cận giá cho thuê của các quốc gia khác trong khu vực. Trong dài hạn, lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp ở Việt Nam kỳ vọng sẽ đến từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối giữa các vùng, trình độ lực lượng lao động được nâng cao giúp Việt Nam có thể tham gia vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Ngoài ra, các khu công nghiệp đang dần phát triển theo định hướng trở thành khu công nghiệp sinh thái để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư.
Theo Chứng khoán Vietcombank, Việt Nam đang sở hữu loạt lợi thế đáng kể trong việc thu hút FDI thời gian tới. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh thấp, đặc biệt là giá điện phục vụ sản xuất thấp hơn khoảng 40% - 50% so với các quốc gia trong khu vực, giúp thu hút các doanh nghiệp công nghiệp nặng.
Chi phí lao động tại Việt Nam vẫn còn khá cạnh tranh trong khi chất lượng lao động đang dần được cải thiện, giúp thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, lắp ráp điện tử…
Môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam được giữ ổn định. Trong đó, ổn định tỷ giá luôn là một trong các mục tiêu hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước, do đó tỷ giá USD/VND luôn ít biến động hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực giúp cho các doanh nghiệp FDI ít chịu thiệt hại hơn.