“Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”
Những điểm đến của Cao Bằng…
Nhắc đến Cao Bằng là nói đến nhiều địa danh ghi dấu cho một thời kỳ lịch sử oai hùng: Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Đông Khê, Lam Sơn… đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho thi, ca, nhạc, hoạ. Những chiến sĩ năm xưa, thế hệ trẻ hôm nay coi Cao Bằng là cội nguồn cách mạng. Đến với Cao Bằng là hành hương về cội nguồn, thăm lại những khu di tích lịch sử của đất nước, tìm hiểu về một quá trình lịch sử anh dũng, hào hùng của dân tộc.
Suối Lê nin
Non xa xa nước xa xa
Nào phải thêng thang mới gọi là
Đây suối Lê - nin kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà
Pác Bó – Cao Bằng, nơi đầu tiên được Bác chọn về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài. Bác Hồ sống, làm việc và vạch ra con đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại đây. Suối Lê-nin, núi Các Mác với non xanh nước biếc ẩn hiện trong sương mờ khiến lòng người bâng khuâng, lưu luyến... Vẫn còn đó cột mốc 108 và cây si già như chứng tích lịch sử chứng kiến giây phút đầu tiên Bác trở về Tổ quốc sau 30 năm xa cách. Ở lưng chừng núi, hang Cốc Bó quanh năm lạnh lẽo và ẩm ướt đã từng là nơi ở của Người. Xa xa, bên bờ suối là chiếc “bàn đá chông chênh” nơi Bác ngồi “dịch sử Đảng”... Những kỷ vật đơn sơ, giản dị mà Bác đã từng dùng, từ chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đến đôi dép cao su giản dị... hiện đang được trưng bày ở Nhà trưng bày khu di tích Pác Bó, cùng với thời gian và huyền thoại về Hồ Chủ tịch, tất cả đều trở nên thiêng liêng, nhắc nhở chúng ta nhớ về những trang sử vĩ đại của dân tộc.
Non nước Cao Bằng như một bức tranh thủy mặc khổng lồ của người họa sĩ thiên nhiên khoáng đạt với núi với sông, với hồ với thác. Thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, hồ Khuổi Lái... những hang động còn nguyên vẻ hoang sơ như Ngườm Ngao, Ngườm Sập… được đánh giá là đẹp vào bậc nhất ở Đông Nam Á.
Bản Giốc đây rồi! Bản Giốc ơi!
Một góc giang sơn, một góc trời
Những dòng máu Việt bao đời chảy
Giữ mảnh đất này, Bản Giốc ơi!
Bản Giốc là một thác nước nằm trên biên giới Việt – Trung, cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Vào mùa khô, nước chảy thành ba tầng, lững lờ đổ xuống dòng sông Quây Sơn.
Thác Bản Giốc
Từ rất xa, dù bị che khuất bởi những ngọn núi cao, nhưng tôi đã nghe thấy tiếng ầm ầm của dòng thác. Không khí lan toả hơi nước mát lạnh. Từ độ cao trên 30 mét, những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước, trông như ba dải lụa trắng. Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn.
Vào mùa khô, nước chia thành ba tầng, chảy lững lờ. Mùa mưa, ngọn thác chỉ có một dòng duy nhất, đổ ầm ầm xuống sông Quây Sơn. Ngày đêm, dòng nước cuồn cuộn đập vào những tảng đá phẳng, tung bọt trắng xoá. Vào ngày có nắng, nếu may mắn, bạn sẽ được nhìn thấy hơi nước tạo thành cầu vồng lung linh, huyền ảo.
Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt, lác đác điểm những chùm hoa phong lan, những đàn trâu, bò ung dung gặm cỏ làm cho cảnh sắc càng thêm sinh động. Xa xa là những gò đất nở đầy hoa cúc dại tím ngắt, những cánh đồng lúa vàng rực đang chờ thu hoạch. Thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh đặc sắc. Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú ở xung quanh, thác Bản Giốc không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn thủy điện lớn trong tương lai. Không chỉ là một danh lam, thác Bản Giốc còn là một tặng vật mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng, cho đất nước ta. Khó có thể kể hết tâm lực và cả máu xương mà người lính biên phòng và nhân dân miền non nước Cao Bằng đã đổ ra để bảo vệ và gìn giữ tặng vật này. Và những câu chuyện ấy, có khi rất nhiều năm sau nữa thế hệ con cháu mới bình thản ngồi nghe kể lại...
Động Ngườm Ngao là một động lớn nằm trong lòng một quả núi gần Thác Bản Giốc thuộc dãy núi đá vôi thuộc bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh. Động Ngườm Ngao dài khoảng hơn 2 km được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam.
Động này tạo thành do sự phong hoá lâu đời của núi đá vôi. Bước vào cửa động ta như bước vào một thế giới kỳ ảo. Từ trên vòm đá cao rủ xuống những dải thạch nhũ kỳ diệu đủ bảy sắc lấp lánh. Thiên nhiên đã miệt mài từ bao đời để tạo ra những "tượng" đá quyến rũ sức tưởng tượng của con người, có tượng đá mang dáng dấp con người, có tượng giống cây rừng, giống súc vật như trong truyện thần thoại, nhưng lại có những hốc đá trông như "trướng rủ màn che", lại có cả những khối nhũ trông như một nàng tiên, đang nghiêng mình chải tóc, như ông tiên hiền từ, như búp sen khổng lồ... nhũ đá như mọc từ dưới đất lên, thả từ trên xuống, nhũ đứng, nhũ nằm ngang, nhũ to, nhũ nhỏ chồng chất lên nhau, đan xen, chen chúc nhiều tầng, nhiều lớp, song không đơn điệu khiến người xem không biết chán. Với chiều dài 2.144m, Động Ngườm Ngao tương đối lớn, gồm ba cửa chính và cảnh đẹp như chốn non tiên trải khắp chiều sâu động. Vòm động khép lại rồi lại mở ra, tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ.
… Và cảm nhận
Cao Bằng, xứ sở của những con nước, của các suối nguồn trong vắt và những cô gái áo chàm. Không chỉ nổi tiếng gạo trắng, nước trong, đây còn là một vùng văn hoá đa dạng, phong phú bởi sự giao thoa văn hoá của nhiều dân tộc anh em. Các dân tộc tiêu biểu ở Cao Bằng bao gồm Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Mông và dân tộc Hoa. Trong đó, dân tộc Tày chiếm ưu thế (khoảng 42%), dân tộc Nùng (35%), còn lại là các dân tộc khác như Dao (9,8%), H’mông (6,3%), Kinh (5,5%)… Mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình.
Con người Cao Bằng thật thà, mến khách với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Tất cả thiên nhiên, con người và văn hóa các dân tộc Cao Bằng đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một Cao Bằng hùng vĩ, hiểm trở nhưng thơ mộng, mượt mà làm ngất ngây lòng người. Thiên nhiên ưu đãi cho Cao Bằng nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, có 142 mỏ và điểm quặng, với 22 loại khoáng sản như: quặng sắt, quặng mangan, quặng thiếc, vàng... có trữ lượng khá lớn và chất lượng tốt. Một số cơ sở công nghiệp đã được xây dựng và hoạt động có hiệu quả như: Công ty Khoáng sản và luyện kim; Công ty sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty Điện lực Cao Bằng, Công ty Xi măng và đang hình thành khu công nghiệp, thương mại mới. Sau hơn 15 năm đổi mới, kinh tế xã hội của tỉnh phát triển khá, tăng trưởng kinh tế luôn đạt 9-10%/ năm. Sản phẩm gang đúc của Cao Bằng đã giành được Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm "Hàng Công nghiệp Việt Nam" năm 2000. Sản phẩm Chè đắng Cao Bằng giành được nhiều Huy chương Vàng tại các Hội chợ triển lãm, đặc biệt là đã được trao giải thưởng "Sao Vàng đất Việt" năm 2004. Cơ sở hạ tầng đang được Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng. Các tuyến quốc lộ cũng như tỉnh lộ được nâng cấp, nhựa hóa. Các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển mạnh, điện thoại đang vươn tới các xã vùng sâu, vùng xa. Ðiện lưới quốc gia đã đến tất cả các huyện, thị trong tỉnh và đang từng bước phát triển đến tất cả các xã.
Nhân dân Cao Bằng đang khai thác và phát huy tiềm năng về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu với một số cây đặc sản: Hạt dẻ Trùng Khánh, lê vàng, hồi Thạch An, cam Án Lại, quýt Hà Trì, thuốc lá sấy vàng Nam Tuấn, chè đắng, trúc sào Nguyên Bình... Một số nông, lâm sản chiếm được vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế. Các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung như mía, thuốc lá, trúc sào, chè đắng đang từng bước hình thành và phát triển. Cao Bằng còn là vùng đất của một nền ẩm thực phong phú. Những món ăn của vùng đất này mang hương vị đậm đà của núi rừng, của tình người nồng ấm. Chỉ cần thưởng thức bánh cuốn nóng chan nước canh xương và phở chua bạn sẽ cảm nhận được điều đó.
Bánh cuốn và phở Cao Bằng mang một vị riêng đặc sắc không thể lẫn vào đâu được. Bánh cuốn ở đây vừa dai, vừa thơm vì được làm bằng thứ gạo Cao Bằng ngọt dẻo, và còn lôi cuốn bởi phương thức pha trộn trong vị ngọt đậm của nước canh xương thoang thoảng mùi vị ớt măng ngâm quả mác mật, thảo quả.
Phở chua thì có vẻ cầu kỳ hơn một chút với nhiều gia vị trộn lẫn trong bánh phở và miến, khoai, thịt ba chỉ, dạ dày lợn thái nhỏ từng sợi chao mỡ vàng rộm, rưới nước dấm ớt và lạc.
Một nét độc đáo khác của ẩm thực Cao Bằng là các món ăn chế biến từ thịt lợn như thịt lợn ướp bột gạo chua của Bảo Lâm, Bảo Lạc, thịt nướng, chả cuốn mác mật Quảng Uyên rồi vịt quay, lợn sữa quay nhồi lá mác mật vàng rộm. Người Cao Bằng đã khéo léo kết hợp nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng tạo được nhiều món ngon đặc sắc như ong đất xào măng, lẩu cá chua, xôi trám đen thơm ngậy, rêu đá Tầu Quầy xào, cốm hạt dẻ, bánh khảo, khẩu sli,…
Khách lên Cao Bằng hôm nay đã không thể quên mua vài hộp chè đắng về biếu người thân. Người dân Cao Bằng hôm nay đã có thể tự hào về những hộp chè màu đỏ tím đặc trưng của cây chè đắng Cao Bằng. Chè đắng đã và đang đi dần vào từng cửa hàng, ngõ chợ, đi vào tiềm thức của từng gia đình, từng người dân trong và ngoài nước. Với những ai đã từng thưởng thức ly chè đắng có lẽ sẽ không bao giờ quên được một hương vị đắng đậm ngọt độc đáo của loại chè đặc sản của quê hương Cao Bằng.
Cao Bằng là mảnh đất thiêng, đã được Bác và Đảng chọn làm nơi khởi nguồn của cách mạng và Cao Bằng đã không tiếc mồ hôi công sức và cả máu xương của mình, tất cả đều hồn hậu dành cho cách mạng. Bây giờ cách mạng thành công, Cao Bằng đi lên cùng cả nước, nhưng những gì là vốn quý của Cao Bằng thì không thể để mất. Du khách đến với Cao Bằng không phải vì hệ thống khách sạn sang trọng và những sơn hào hải vị, mà trước hết du khách đến với Cao Bằng để lần lại dấu chân các thế hệ cha anh đã nếm mật nằm gai, tất cả hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Tinh thần ấy đang phát huy trong mỗi người dân Cao Bằng, nhất là những người làm du lịch.