Về thăm quê Bác

Vào những ngày đầu tháng 5 lịch sử, tôi cùng bạn bè, người thân từ Đà Nẵng về thăm quê Bác. Nơi đây từ lâu trở thành điểm đến không thể thiếu trong tâm thức mỗi người dân đất Việt.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là viếng mộ Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - toạ lạc trên núi Động Tranh, thuộc dãy núi Đại Huệ, huyện Nam Đàn. Đây là một vị trí tuyệt đẹp chỉ cách quê Bác chừng 3 km nhưng có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn và thấy rõ toàn cảnh quê hương Chung Cự với bảy làng: Kim Liên, Hoàng Trù, Ngọc Đình, Tình Lý, Vân Hội, Nguyệt Qủa và Khoa Cử đều ở quanh núi Chung, đẹp như tranh. Đến đây, chúng tôi biết thêm những điều lý thú về huyền thoại huyệt đạo mộ Bà Hoàng Thị Loan: Nơi đạt được đủ tiêu chí linh địa theo thuyết phong thuỷ. Huyệt đạo này do anh trai của Bác là Nguyễn Sinh Khiêm dày công tìm kiếm và đưa hài cốt mẹ lên cát táng vào năm 1942. Năm 1984 đảng bộ và quân dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng lại ngôi mộ đẹp và khang trang như ngày nay. Ngôi mộ ở độ cao gần 100 mét so với mặt biển, hình chữ nhật: dài 2,5 m, rộng 1,4 m, cao 1,5 m được ốp bằng những phiến đá hoa cương và cẩm thạch. Phía trên ngôi mộ có giàn hoa che mát được cách điệu tượng trưng cho chiếc khung cửi dệt vải - một công cụ đã gắn bó với cả cuộc đời Bà Hoàng Thị Loan. Đây là mảnh đất tâm linh đã hội tụ hàng triệu lượt người khắp bốn phương về thành kính thắp nén hương thơm tỏ lòng chân thành ngưỡng mộ và biết ơn người Mẹ của một vĩ nhân mà sự vĩ đại đã vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của nhân loại. 


Tiếp đó chúng tôi đến làng Chùa: quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người cất tiếng khóc chào đời và được mẹ nuôi dạy trong những năm ấu thơ. Sau lũy tre xanh bình dị, ngôi nhà tranh tre 3 gian đơn sơ nhuốm màu thời gian cùng hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng và hàng cau xanh thẳng tắp. Phía sau ngôi nhà có cây mít trên 100 năm nhưng vẫn còn sai quả. Ngắm nhìn và nghe hướng dẫn viên giới thiệu những kỷ vật thân thương gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Bác một thời, nhiều người xúc động không cầm được nước mắt. Tôi bùi ngùi nhớ câu thơ Bác ứng tác khi về thăm quê sau 50 năm xa cách:

Quê hương nghĩa trọng, tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình
 



Nhà quê ngoại  Bác Hồ



Nhà quê nội Bác Hồ

Rời “ làng Chùa quê mẹ ”, chúng tôi đến “ làng Sen quê Cha”, tên chữ là Kim Liên (bông sen vàng). Làng có nhiều hồ thả sen suốt hai bên đường. Những ao sen ngào ngạt hương thơm. Ngôi nhà Bác sống thuở nhỏ dựng bằng tre, gỗ 5 gian lợp tranh. Trong nhà có những đồ dùng giống như các gia đình nông dân: phản gổ, chõng tre, võng gai, bàn thờ...Tất cả toát lên vẻ thanh tao, nho nhã, gần gũi và thân thương. Nhà được dựng năm 1901 do công sức và tiền của dân làng góp lại làm tặng Ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác khi Ông Sắc đỗ Phó Bảng đem lại vinh dự cho cả làng. Chúng tôi bồi hồi khi nghe câu hát: “ Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha/Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ…” làm vương vấn bước chân ai khi về thăm quê Bác…

Trong chuyến đi này chúng tôi còn đến tham quan tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh được xây dựng tại phường Trường Thi, thành phố Vinh. Tượng Bác Hồ cao 12 m bằng đá granít màu sáng ấm, độ bền vĩnh cữu sừng sững trên bệ và đế tượng cao 6 m đặt tại Quảng trường rộng 50.000 m2. Đây là công trình Tượng đài và Quảng trường về Bác Hồ có quy mô lớn nhất nước. Công trình đặc biệt nhất trong Quảng trường là ngọn núi Chung được đắp cao 11 m mô phỏng theo núi Chung ở làng Sen quê Bác - nơi thời niên thiếu Người thường lên đấy thả diều, kéo co... Nơi đây trồng tre, cau và các loại cây ăn quả đặc trưng được tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc gửi tặng cùng các loại cây cảnh như vạn tuế, phượng, hoa sứ, bằng lăng; các loại cây gổ quý như lim, lát hoa, sao đen. Phía dưới núi Chung có hồ nước trồng sen như ở làng Sen quê Bác. Tại Quảng trường được lắp đặt một hệ thống phun nước nghệ thuật hiện đại tự động đổi màu và phun theo điệu nhạc gồm những bài hát về Bác Hồ được lập trình sẵn...

Cùng với mộ Bà Hoàng Thị Loan, làng Chùa, làng Sen, tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh đã trở thành một quần thể du lịch hấp dẫn, độc đáo mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt người từ khắp mọi miền về hội tụ, bày tỏ lòng biết ơn và thành kính sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“ Yêu Bác lòng con trong sáng hơn ”. Một lần về thăm quê Bác đã để lại trong tôi và những người cùng đi những ấn tượng đẹp, không phai. 

>>Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn

>>THỂ LỆ CUỘC THI VIẾT VỀ GƯƠNG SÁNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG LẦN THỨ II (NĂM 2011 - 2012)
  • Tags: