Vi phạm trong kinh doanh LPG diễn ra rất “nóng”
Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 13 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) diễn ra vào chiều 24/4/2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, thời gian qua tình trạng sang chiết, nạp LPG trái phép diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và gia tăng chiều hướng mất an toàn.
Theo Thứ trưởng, vi phạm trong kinh doanh LPG đang diễn ra rất “nóng”, trong đó có việc một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai vỏ bình của các doanh nghiệp có uy tín. Nguy hiểm hơn, có nhiều chai LPG không những bị chiếm dụng mà còn bị “cắt tai mài vỏ” không được kiểm định đã được tiêu thụ ngoài thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định vi phạm trong kinh doanh LPG đang diễn ra rất “nóng” ở mọi địa phương“Tình trạng chiếm dụng vỏ bình đã tăng lên con số rất đáng báo động. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đặc biệt gây nguy hiểm đến tính mạng cho người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Chia sẻ một số nguyên nhân dẫn đến những bất ổn của thị trường khí hóa lỏng hiện nay, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, các chế tài, các quy định quản lý nhà nước về kinh doanh LPG còn nhiều vướng mắc, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
Đơn cử vấn đề trả lại bình gas cho chủ sở hữu ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm, các địa phương còn hiểu khác nhau, dẫn đến xử lý khác nhau.
Theo đó, có vụ xử lý hình sự, có vụ lại xử phạt hành chính, có vụ bán đấu giá, hoặc có vụ trả lại cho chủ sở hữu. Chính việc xử lý vi phạm khác nhau nên phần nào đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas hiện nay…
Gắn trách nhiệm cho người kinh doanh, quản lý
Kết luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 13 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, các Chi cục Quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng trong công tác rà soát, xây dựng thể chế, công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với hành động kinh doanh LPG...
Phải gắn trách nhiệm với người kinh doanh, quản lý để xử lý triệt để các hoạt động vi phạm trong kinh doanh LPGBên cạnh đó, Thứ trưởng cũng biểu dương lực lượng quản lý thị trường đã tích cực triển khai công tác truyền thông, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, tổ chức cho các thương nhân ký cam kết không kinh doanh LPG giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sang chiết LPG trái phép...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng hiện nay, lực lượng quản lý thị trường cùng các sở, ban, ngành cần chủ động hơn trong công tác theo dõi diễn biến thị trường LPG, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và đặc biệt là công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề nổi cộm, phức tạp trong kinh doanh LPG trên thị trường.
Đồng thời, để tăng hiệu quả trong kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh LPG, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc đề xuất, các cơ quan chức năng có liên quan cần kiên quyết và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng nhỏ, lẻ không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ và không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
“Phải gắn trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với chính quyền cấp xã, phường; gắn trách nhiệm với từng đơn vị kinh doanh, đồng thời cần xem xét tăng mức xử phạt, thậm chí là thu hồi giấy phép vĩnh viễn các cơ sở nhiều lần vi phạm, qua đó làm lành mạnh thị trường”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiến nghị.