Vì sao các dự án lưới điện truyền tải chậm tiến độ?

Trong những năm gần đây, tình hình cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tháng mùa khô thường xảy ra thiếu điện. Nguyên nhân dẫn tới tình

PV: Xin ông khái quát quy mô và thực trạng hệ thống lưới điện truyền tải ở nước ta do NPT quản lý đến thời điểm hiện nay? 

Ông Trần Quốc Lẫm: Hiện nay, NPT đang quản lý vận hành lưới điện truyền tải với cấp điện áp từ 220 kV đến 500 kV, trong đó có 14 trạm biến áp 500 kV, với tổng công suất 9.300 MVA; 58 trạm biến áp 220 kV, với tổng công suất 19.500 MVA; 3.758 km đường dây 500 kV và 9.844 km đường dây 220 kV. 

Về cơ bản đến năm 2010, lưới điện của NPT đã đáp ứng yêu cầu truyền tải điện năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tốc độ tăng trưởng cao của phụ tải, lưới điện truyền tải đã bị quá tải ở nhiều khu vực như các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu vốn đầu tư, khó khăn giải phóng mặt bằng, nên tốc độ đầu tư lưới điện truyền tải trong các năm tiếp theo phải tập trung nguồn lực và sức lực để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải cũng như tiến độ đưa các dự án nguồn điện vào vận hành. 

PV: Được biết, một số dự án lưới điện bị chậm tiến độ, có công trình bị chậm từ 6 tháng đến hàng năm (ví dụ điển hình là đường dây 500 kV Thường Tín - Quảng Ninh, đường dây và trạm khu vực Hà Nội), vậy đâu là nguyên nhân chính, thưa ông? 

Ông Trần Quốc Lẫm: Có ba nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ một số công trình bị chậm, cụ thể là: 

Thứ nhất, do nguồn vốn thiếu, chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu còn chậm, dẫn đến một số nhà thầu xây lắp đã hạn chế về tài chính càng thêm khó khăn. Mặt khác, điều kiện vay vốn hiện nay của các ngân hàng rất cao nên cả chủ đầu tư và nhà thầu đều ở vào tình trạng thiếu vốn để triển khai xây dựng; bên cạnh đó, NPT là đơn vị mới thành lập, chưa chuyển chủ thể vay trong hiệp định tín dụng, quá trình thực hiện phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Tình hình thiếu vốn sẽ tiếp tục căng thẳng và kéo dài trong những năm tới. 

Thứ hai, thủ tục thoả thuận tuyến với các Sở ban ngành của địa phương còn phải qua nhiều bước, theo trình tự phải mất rất nhiều thời gian, do vậy làm chậm tiến độ của dự án; thường xuyên có thay đổi tuyến so với tuyến đã được thoả thuận ban đầu; nhiều nơi quy hoạch còn chưa được phê duyệt, hoặc thường xuyên bị thay đổi nên trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo của dự án, thường phải điều chỉnh tuyến để phù hợp với quy hoạch mới của địa phương dẫn đến làm chậm tiến độ của dự án, điển hình là các đường dây 220 kV Vân Trì - Sóc Sơn; Hà Đông - Thành Công; Thanh Hoá - Vinh; đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hoà..., trong đó, các công trình cấp điện cho thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất chậm so với kế hoạch, thường xuyên phải thay đổi tuyến và giải pháp kỹ thuật theo yêu cầu của Thành phố. 

Thứ ba, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo NĐ 69/CP của Chính Phủ yêu cầu phải có trình tự thời gian thực hiện dài, công tác quản lý đất của địa phương còn nhiều bất cập, dẫn tới khó xác định nguồn gốc đất. Hơn nữa, đơn giá và chính sách đền bù hỗ trợ của địa phương thấp hơn nhiều so với thực tế, dẫn tới rất khó thoả thuận với dân khi lập phương án... 

PV: Theo ông, để đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án lưới điện đồng bộ với nguồn điện, NPT sẽ có giải pháp chủ yếu gì? 

Ông Trần Quốc Lẫm: NPT sẽ nhanh chóng thông qua kế hoạch dài hạn cho đến năm 2015 và tính toán cân đối nhu cầu đầu tư xây dựng cho các năm 2010-2015, từ đó sớm có đầy đủ các thông tin để thực hiện các công tác củng cố nhân lực triển khai kế hoạch; tổng kết rút kinh nghiệm về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từng trường hợp cụ thể, từ đó phối hợp xây dựng qui trình thực hiện bồi thường GPMB phù hợp với pháp luật và phù hợp với các công trình truyền tải điện; phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài ngành, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các Công ty Điện lực để nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện các dự án liên quan để điều hành tốt dự án lưới điện của NPT; chỉ đạo và tham gia cùng với Ban QLDA trong việc bám sát với các địa phương, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng công trình; rà soát, hoàn chỉnh nhanh quy hoạch lưới điện truyền tải, quy hoạch đấu nối các trung tâm nhiệt điện để kịp thời tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư, qua đó tổng hợp kiến nghị các chế tài đối với các Ban QLDA, các tư vấn cũng như các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng và lực lượng phục vụ dự án; các Ban QLDA phải phối hợp với các cơ quan tư vấn và đơn vị liên quan chuẩn xác lại nội dung và tiến độ thực hiện, kiểm tra kỹ hồ sơ, thủ tục pháp lý cũng như tính đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, giữa các công trình ĐZ và TBA trước khi trình Tổng công ty. 

PV: Một số nhà máy thuỷ điện tại khu vực miền Trung có kêu ca rằng, sản xuất điện ra nhưng EVN không có lưới điện truyền tải để nhận điện, gây khó khăn cho các nhà máy, ông giải thích như thế nào về hiện tượng này? 

Ông Trần Quốc Lẫm: Theo qui định, NPT chỉ đảm nhận đầu tư và vận hành lưới điện cấp điện áp từ 220 kV đến 500 kV, còn toàn bộ lưới điện có cấp điện áp 110 kV trở xuống thuộc trách nhiệm của các Tổng công ty Điện lực. Việc đấu nối giữa các nhà máy và lưới điện phải tiến hành thông qua thoả thuận đấu nối theo qui định. 

Đối với các dự án lưới điện truyền tải do NPT đầu tư đồng bộ với nguồn điện, Tổng công ty đã luôn luôn quan tâm sát sao, chỉ đạo Ban QLDA và các nhà thầu để đảm bảo đồng bộ tiến độ với các nguồn điện. Cụ thể, NPT đã hoàn thành lưới điện 220 kV đồng bộ để tiếp nhận điện từ các nhà máy thuỷ điện khu vực miền Trung, như: Thuỷ điện Sông Ba Hạ; Buônkướp; BuônTuasrah; Bản Vẽ; Pleikrông; Sesan 4; Sêrêpok 4... 

PV: Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng nhà nước và địa phương đã quá dễ dãi trong việc phê duyệt, cấp phép cho các nhà đầu tư phát triển thuỷ điện, có trường hợp không nằm trong quy hoạch và cũng không thông báo để ngành Điện phối hợp nên dẫn tới tình trạng trên, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

Ông Trần Quốc Lẫm: NPT chỉ thực hiện đầu tư lưới truyền tải điện theo danh mục thuộc “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 110/2007/ QĐ-TTg ngày 18/7/2007 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Đối với các công trình này, công tác phối hợp đầu tư giữa lưới điện và nguồn điện tương đối tốt và đồng bộ như đã đề cập ở trên. 

PV: Nếu cần phải kiến nghị thì ông sẽ kiến nghị gì với Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương để giúp NPT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao? 

Ông Trần Quốc Lẫm: Mặc dù có những kết quả ban đầu đáng được ghi nhận trong thời gian vừa qua, nhưng năm 2010 và các năm tiếp theo, NPT sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng. Nguồn vốn đầu tư tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng, khả năng đáp ứng về truyền tải điện của lưới điện truyền tải còn thấp so với nguồn điện, nên yều cầu về vận hành và sửa chữa lớn tiếp tục căng thẳng. Vì vậy, NPT kiến nghị các cơ quan Nhà nước, Bộ ngành và địa phương như sau: 

Đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận cho chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C vay vốn ODA từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia để tạo điều kiện cho NPT chủ động, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư; chỉ đạo các Sở Công Thương thường xuyên thông tin về quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn, các dự án lớn để NPT bố trí kế hoạch đầu tư đồng bộ; hỗ trợ NPT về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với các công trình điện trên địa bàn hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, sớm phê duyệt qui hoạch lưới điện đồng bộ với các trung tâm điện lực khu vực Duyên Hải, Long Phú, Kiên Lương, Hậu Giang…, chuẩn xác lại tiến độ các nguồn điện để xác định tiến độ lưới điện cho phù hợp và có kế hoạch thu xếp vốn triển khai. 

NPT đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định về cơ chế chính sách đền bù của địa phương, tạo điều kiện cho ngành Điện nói chung và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện tốt các dự án truyền tải. Mặt khác, trong các quy hoạch của địa phương, cần bố trí đủ quỹ đất cho ngành Điện để đảm bảo thực hiện các dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong các tổng sơ đồ cũng như quy hoạch điện của các địa phương. 

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho NPT và có cơ chế ràng buộc các chủ đầu tư nguồn điện thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. 

PV: Xin cảm ơn ông!

  • Tags: