Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã đưa ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Về tình hình nguồn cung, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá số lượng nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp vào sáng ngày 11/3/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng là việc tạo điều kiện để “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung. Do vậy, cần giải quyết vấn đề vốn để thị trường bất động sản có được giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Chí Minh các dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài. Ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất các địa phương giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư.
Đối với thủ tục vay vốn, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đang chiếm quá nhiều thời gian vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, nhà ở xã hội là dự án chắc chắn có hiệu quả và có quy định rõ ràng chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án. Vậy nên có thể bỏ qua quá trình thẩm định này.
Đề cập đến các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội, đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng cho rằng mức lãi suất chưa đủ hấp dẫn. Hiện mức lãi suất cho vay bình thường từ 8-9%. Trong khi đó, lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7 -8,2%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường. Đây cũng là một trong những lí do doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn.
Về phía ngân hàng, đại diện các ngân hàng thương mại cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, BIDV rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Với riêng gói 120.000 tỷ đồng, ngay khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến toàn chi nhánh. Tuy nhiên, đến nay mới tiến cập 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng.
Trước đó, tại cuộc họp của Tổ công tác, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn. Nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai hoặc đang sử dụng vốn tự có.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị; quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội không còn phù hợp cũng là những vướng mắc trong quá trình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Hiện nay, mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng với 68 dự án. Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố, có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.