Vì sao việc áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón nhận được sự đồng thuận lớn?

Đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, khi áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào, chi phí đầu tư giảm, dẫn đến giá thành sản xuất sẽ giảm.

Bởi khi mặt hàng này được áp thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó có nhiều dư địa để giảm giá thành sản phẩm; thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Doanh nghiệp chịu thiệt vì chính sách thuế GTGT

Đại diện Công ty CP Phân bón Miền Nam cho biết, kể từ năm 2015, Luật Thuế GTGT đã sửa đổi, chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế. Việc này đã gây bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

phân bón
Việc áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón sản xuất trong nước, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó có nhiều dư địa để giảm giá thành sản phẩm

Theo đó, thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị công nghệ, máy móc thiết bị mới.

Thứ hai, đối với khoản thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản xuất, làm cho giá thành sản phẩm tăng buộc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tăng giá bán sản phẩm, tiêu thụ giảm dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh.

Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, thì giá vốn bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào, làm cho tỷ trọng giá vốn của doanh nghiệp từ 4% đến 5%.

Một số ý kiến cho rằng việc tăng thuế suất GTGT lên 5% đối với phân bón sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và góp phần gây lạm phát. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, mối lo ngại này không có cơ sở, vì thuế GTGT là thuế gián thu, các doanh nghiệp chỉ thu hộ cho ngân sách nhà nước từ người tiêu dùng cuối cùng, nên không có lý do gì lại làm tăng giá bán.

Cụ thể hơn, theo cơ chế cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đưa giá phân bón về một mặt bằng giá chung mà cấu thành từ giá bán chưa có thuế GTGT (là phần của doanh nghiệp), cộng với thuế GTGT theo quy định (là phần của ngân sách nhà nước). Thêm nữa, phân bón là mặt hàng bình ổn giá, nên chịu sự quản lý, điều tiết giá của nhà nước.

Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, thì giá vốn bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào, làm cho tỷ trọng giá vốn tăng từ 4% đến 5%. Còn khi phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT, giá vốn được bóc tách phần thuế GTGT đầu vào thì tỷ trọng giá vốn sẽ giảm từ 4% đến 5%.

Để giảm thiểu tiêu cực nếu thuế suất GTGT được điều chỉnh tăng, doanh nghiệp xác định sẽ giảm giá bán do thuế GTGT đầu vào chủ yếu là trên 5-10% (trừ nguyên liệu đầu vào là phân bón) lớn hơn thuế GTGT đầu ra 5%. Khi giá bán phân bón giảm sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp tăng, sản lượng sản xuất tăng giúp giảm chi phí sản xuất.

Phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT đầu ra, trong khi doanh nghiệp sản xuất phân bón vẫn phải chịu thuế GTGT đầu vào từ 5%-10% cho các yếu tố sản xuất.

Thời gian qua, khoản thuế này đã làm sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước. Nguyên nhân do toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư.

Việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm.

Ngoài ra, phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT dẫn đến giá phân bón nhập khẩu được hưởng lợi (trong khi giá phân bón trong nước phải gánh khoản chi phí thuế GTGT không được khấu trừ) phân bón nhập khẩu tràn lan trên thị trường và cạnh tranh gay gắt với phân bón trong nước.

Với những phân tích trên, đại diện Công ty CP Phân bón Miền Nam nêu quan điểm: “Ý kiến của doanh nghiệp là đề nghị điều chỉnh chính sách thuế đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả của Luật Quản lý thuế”.

Áp thuế GTGT mang lại lợi ích bao trùm

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ nguyên quy định áp dụng thuế suất GTGT 5% đối với phân bón. Đây được đánh giá là đề xuất kịp thời, nhận được sự đồng thuận cao của cả doanh nghiệp sản xuất phân bón, nhà nước và người tiêu dùng vì sẽ mang lại hiệu quả lớn và bao trùm.

Theo đó, đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, khi áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào, chi phí đầu tư giảm, dẫn đến giá thành sản xuất sẽ giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất giúp tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp do đó tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Ngành phân bón trong nước tự chủ được sản xuất giúp đảm bảo an ninh lương thực.

phân bón 2
Nếu chính sách thuế GTGT 5% được áp dụng sẽ giảm chi phí mua phân bón cho nông dân, từ đó họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản

Đối với người sử dụng phân bón, khi sử dụng phân bón sản xuất trong nước, nếu chính sách thuế GTGT 5% được áp dụng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, phân bón trong nước có thể giảm giá bán, giúp giảm chi phí mua phân bón cho nông dân, điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.

Khi phân bón trong nước tự chủ được sản xuất và chính sách bình ổn giá của nhà nước sẽ giúp cho người sản xuất nông nghiệp yên tâm canh tác không lo sợ giá phân bón tăng bất thường khi phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, khó khăn là khi sử dụng phân bón nhập khẩu sẽ phải tăng chi phí do phân bón nhập khẩu sẽ tăng giá khi áp dụng chính sách thuế GTGT 5%.

Đối với người tiêu dùng cuối cùng, sẽ được sử dụng những sản phẩm nông sản chất lượng với giá cả phù hợp.

 

Nguyệt Anh