Nông dân sẽ được hưởng lợi như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam cho biết, ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% tán thành bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Ngày 17/6/2024, Quốc hội đã nghe tờ trình về sửa đổi Luật thuế GTGT do Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ trình bày. Theo nội dung tờ trình Chính phủ đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 5%. Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, của nông dân trong cả nước.
Hiện đang có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng sửa đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết. Ý kiến thứ hai là sửa đổi thuế GTGT sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt thòi.
TS Nguyễn Trí Ngọc phân tích, thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT là thuế gián thu do người tiêu dùng cuối cùng chịu.
Nếu phân bón được xếp vào danh mục hàng hoá chịu 5% thuế GTGT, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào theo công thức sau: Số thuế VAT cần nộp = Số thuế VAT đầu ra - Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ.
Với việc được hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.
“Như vậy, trong ngắn hạn thì giá bón phân bón có thể sẽ tăng lên và người nông dân sẽ chịu thiệt một chút do phải bỏ thêm tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón” – TS Nguyễn Trí Ngọc khẳng định. Đồng thời phân tích, những cơ sở thực tế người nông dân được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT 5% đối với phân bón:
Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi.
Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.
Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP-Vinachem, cho biết: “Nếu được áp thuế GTGT 5%, chúng tôi sẽ không còn phải cộng thêm chi phí sản xuất vào giá thành sản phẩm, từ đó giúp giảm giá phân bón trên thị trường. Chúng tôi cam kết không tăng giá, và thậm chí sẽ xem xét giảm giá ít nhất 2,5% để hỗ trợ nông dân".
Như vậy, xét cho đến cùng, không chỉ người nông dân được lợi, mà cả doanh nghiệp và nhà nước cũng được lợi nhờ việc áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón.
Vì một nền công nghiệp sản xuất phân bón mạnh
Dưới góc nhìn của đại biểu quốc hội (ĐBQH), ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, với một quốc gia như Việt Nam, ngành nông nghiệp vẫn đang và sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế. Dù tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tương lai có thể thấp đi, nhưng chúng ta sẽ vươn lên làm nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản lượng và chất lượng. Để được như vậy, hai yếu tố giống và phân bón đóng vai trong đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho nền công nghiệp sản xuất phân bón tốt thì sẽ không phải là quốc gia nông nghiệp - đây cũng là bài học chúng ta nhận ra từ lâu.
Đại biểu nhấn mạnh, nếu chúng ta đối xử với các doanh nghiệp phân bón “nội” không chỉ bằng sắc thuế này mà còn mở rộng ra ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đất đai, đầu tư…, chúng ta sẽ có nền công nghiệp sản xuất phân bón mạnh. Đây là cơ hội rất lớn để bảo đảm đầu vào cho ngành nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng phân tích, khi giá cả phân bón giảm nhờ chính sách thuế GTGT hợp lý (5%), người nông dân dễ dàng lựa chọn những loại phân bón chất lượng cao được các doanh nghiệp lớn, uy tín trong nước trực tiếp sản xuất, khiến việc canh tác càng ngày thuận lợi, hiệu quả.
Ngược lại, khi phân bón chất lượng có giá cao, người nông dân có xu hướng tìm đến phân bón có giá rẻ hơn để giảm chi phí sản xuất. Hệ lụy nghiêm trọng có thể từ đây mà ra. Bởi phân bón giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp do được sản xuất từ nguyên liệu giá rẻ, không đúng hàm lượng, được phối trộn thủ công..., đó là chưa nói đến nạn phân bón giả vốn tràn lan trong giai đoạn vừa qua. Những loại phân bón này không những hại cây trồng, có thể gây chết cây hoặc năng suất kém mà còn làm đất đai bạc màu, nguồn nước ô nhiễm. Lâu ngày, đất đai ruộng vườn có thể thành “đất chết” không thể canh tác. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khi có cơ sở để bù đắp về thuế minh bạch hơn, công khai hơn, rõ ràng hơn thì chúng ta hoàn toàn yên tâm cho một nền nông nghiệp phát triển.