Có chế tài nếu chậm giải ngân
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được đặt lên hàng đầu.
Trong Thông báo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: Khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020, trong đó xem xét kỹ lưỡng, có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và ý kiến tham gia bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020.
Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, có quy định cụ thể và chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở Bộ, ngành, địa phương mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra các Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
“Miễn nhiễm” với Covid-19
Sở dĩ xúc tiến đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công có vị trí đặc biệt quan trọng tại thời điểm hiện nay là do các khu vực khác của nền kinh tế bị phụ thuộc vào đại dịch Covid-19 và thị trường nước ngoài. Chẳng hạn khu vực dịch vụ, bao gồm du lịch và vận tải hàng không đã bị giáng một đòn nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể quý I/2020 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 27,8%; vận tải hành khách giảm 6,1%, trong đó vận tải hàng không giảm 8%; khách du lịch quốc tế giảm 18,1%.
Với công nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 5,28%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, thấp nhất giai đoạn 2016-2020 do Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.
Hiện công nghiệp đang chịu thiệt hại kép. Đầu vào thiếu nguyên liệu, đầu ra nhiều ngành bị ách tắc. Một số đối tác của doanh nghiệp dệt may, da giày ở thị trường Mỹ và EU tạm hoãn và hủy đơn hàng dẫn đến lao động có khả sẽ thiếu việc làm 30% tới 50%; xuất khẩu dệt may giảm 8,9%, da giày giảm 1,9%...
Trong lúc này chỉ có xây dựng, một lĩnh vực có thể nói “miễn nhiễm” với đại dịch Covid-19 do ít bị ảnh hưởng bởi thị trường trong và ngoài nước. Khu vực xây dựng gắn với trọng tâm là giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng. Chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay.
Trên thực tế, quý I năm nay, vốn thực hiện đầu tư công chủ yếu là các công trình hạ tầng xây dựng-giao thông tăng 16,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,7%) mặc dù mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019.
Lý do cơ bản để Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhằm nâng đỡ khu vực công nghiệp-xây dựng và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.