Vị thế và chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam

Việt Nam nằm ở rìa Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới. Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam còn có nguồn tài nguyên phong phú và có tiềm năng lớn cho các ngành kinh tế phát triển.

Ba phần tư đất nước Việt Nam là biển, cứ khoảng 1km2 đất liền thì có gần 3 km2 vùng biển đặc quyền kinh tế, gấp khoảng 1,6 lần trung bình của thế giới; cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km chiều dài đường bờ biển, gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới; dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, 48 vụng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển; cùng với hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ phân bố tập trung thành các cụm, tuyến đảo ở ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là nét đặc trưng cơ bản của lãnh thổ Việt Nam, tạo nên tính đa dạng về cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên biển – ven biển, tạo tiền đề cho phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, biển luôn là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Biển đã thực sự gắn bó với người dân Việt Nam từ ngàn đời. Các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%. Kinh tế biển luôn được Việt Nam xác định là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Biển Việt Nam
Kinh tế biển luôn được Việt Nam xác định là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Biển Việt Nam là một bộ phận của Biển Đông, có diện tích rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền của Việt Nam (chiếm khoảng 29% diện tích Biển Đông), bao gồm: các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa (có 2 khu vực kéo dài tới 350 hải lý) và hai quân đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Vị thế chiến lược của biển đối với Việt Nam

Là một quốc gia biển lớn ven bờ Biển Đông, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.260 km (không tính bờ các đảo). Biển Việt Nam và Biển Đông có vị trí địa chính trị và địa kinh tế trọng yếu trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các cường quốc biển đang nỗ lực triển khai các sáng kiến mới như “Vành đai, con đường” của Trung Quốc và “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở” của Mỹ.

Khoảng 10 tuyến hàng hải khu vực và quốc tế đi qua Biển Đông, trong đó có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (cách Côn Đảo của nước ta khoảng 38 km), khiến cho khu vực biển này trở thành nơi tàu thuyền hoạt động nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... có nền kinh tế hầu như phụ thuộc sống còn vào con đường Biển Đông. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc... được vận chuyển bằng con đường này. Đặc biệt, nền kinh tế Singapore hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Biển Đông.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua khu vực Biển Đông được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi nhiều nền kinh tế trong khu vực bước vào chu kỳ tăng trưởng mới hậu đại dịch COVID-19. Trong khi đó, bờ biển Việt Nam có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển. Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Báo cáo "Kinh tế biển xanh – hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có ngư trường đánh bắt truyền thống rộng lớn trong khu vực, với hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trịnh kinh tế cao, ngoài ra còn có trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Hơn thế nữa, các vùng biển và hải đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật sống trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác. Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới.

Theo Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trữ lượng nguồn lợi hải sản bình quân hàng năm ước tính vào khoảng 4,364 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa. Nguồn lợi thủy sản ven bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Ngư trường khai thác thủy sản được phân làm 5 vùng chính bao gồm: Vịnh Bắc bộ chiếm 17,3% nguồn lợi thủy sản, vùng duyên hải miền Trung chiếm 20,0%, vùng Đông Nam bộ chiếm 25,6%, vùng Tây Nam bộ 13,4% và vùng giữa Biển Đông là 23,7%.

Có thể thấy Việt Nam là quốc gia có có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Diện tích có thể khai thác là 500.000 ha vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp để phát triển nuôi biển. Đến nay, khoảng 57.000 ha đã được sử dụng cho nuôi biển, 443.000 ha còn lại vẫn ở dạng tiềm năng, đặc biệt là các khu biển vùng bờ và vùng lộng.

Ngoài ra, trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và đá bán quý, và khoáng sản lỏng. Tiềm năng dầu khí phân bố trong các bể trầm tích…

Các vùng biển và hải đảo Việt Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Dọc bờ biển, có hơn 120 bãi tắm có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế…

Về mặt hành chính, cả nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển với 12 huyện đạo và 53 xã đảo, trong đó có 10 huyện đảo ven bờ và 2 huyện đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, có nhiều huyện đạo có vị trí pháp lý quan trọng do có các điểm trong hệ thống 11 điểm mốc xác định “Đường cơ sở” để tính chiều rộng lãnh hải của nước ta. Đặc biệt, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược.

Với vị trí địa lý như trên, có thể nói rằng đời sống kinh tế, văn hóa của người dân gắn liền với biển. Biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc. Vì vậy, phát triển bền vững kinh tế biển trở thành nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình phát triển đất nước.

Nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua, Đảng ta đã có hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cả hai Nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW đã nhấn mạnh đến “nâng cao đời sống dân cư vùng biển, đảo và ven biển và những người lao động trên biển; tạo điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân trên đảo và lao động trên biển”. Chủ trương này tiếp tục được đề cập trong Nghị quyết số 36-NQ/TW với quan điểm Việt Nam luôn coi biển là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không tách rời của Tổ quốc, là di sản thiên nhiên của dân tộc, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng nhấn mạnh quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Vì vậy, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển đã được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, và cũng là nội hàm của bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước theo cách tiếp cận hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc té, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

Kinh tế biển đảo có thể hiểu là một lĩnh vực riêng trong kinh tế biển (ocean economy), bao gồm các hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tiềm năng, thế mạnh của các đảo, cụm đảo, quần đảo và toàn bộ hệ thống đảo một cách hiệu quả, phù hợp với các chức năng dịch vụ, tính đặc thù và thế mạnh phát triển của từng loại hình đảo. Hay nói cách khác, kinh tế đảo (và kinh tế vùng ven biển) là các lĩnh vực kinh tế dựa vào biển (ocean-based economy). Ngoài ra, còn các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển (ocean-related economy), như các ngành dịch vụ cho các hoạt động/ngành kinh tế biển, gồm: chế biến dầu khí, thuỷ sản, cứu hộ - cứu nạn, đóng và sửa chữa tàu biển….

Chiến lược phát triển bền vững, đa ngành kinh tế biển nước ta

Các ngành kinh tế biển chính được xác định theo thứ tự ưu tiên trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là: ngành dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch và các khu kinh tế ven biển. Đến năm 2012, tại Điều 43 của Luật Biển Việt Nam đã quy định những ngành kinh tế biển được Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển bao gồm: (1) Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; (2) Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; (3) Du lịch biển và kinh tế đảo; (4) Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; (5) Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; và (6) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

Đến năm 2018, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chủ trương tập trung phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đối với lĩnh vực Du lịch và dịch vụ biển, chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển... Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đối với lĩnh vực Kinh tế hàng hải, trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

Đối với lĩnh vực Khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Đối với ngành nuôi trồng và khai thác hải sản, chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Hiện đại hoá công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp ven biển, phải dựa trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Đối với lĩnh vực Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…

Thời gian qua, kinh tế nước ta nói chung và kinh tế biển nói riêng đã phải đối mặt với những thách thức, rào cản từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các rủi ro kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra cùng với những diễn biến phức tạp, khó lường trên Biển Đông gần đây. Bối cảnh nói trên đã tác động trực tiếp, không nhỏ đến một số ngành, lĩnh vực và hoạt động kinh tế biến nước ta. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nỗ lực điều hành của Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, kinh tế biển và ven biển nước ta đã cơ bản vượt qua các thách thức, khó khăn và đạt được những bước phát triển đáng khích lệ, có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế quốc dân và tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Các thành tựu chung của kinh tế biển trong hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm: Một là, kinh tế ven biển và thuần biển đóng góp quan trọng vào tổng GDP và tăng trưởng kinh tế cả nước, thu nhập bình quân của người dân ven biển và trên các đảo tăng cao; Hai là, các ngành kinh tế “thuần biển” đã có bước phát triển tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo; Ba là, các tỉnh, thành phố ven biển phát triển vượt bậc, hình thành “chuỗi đô thị ven biển” và khởi đầu cho một “chuỗi đô thị đảo” trong tương lai gần, thu hút mạnh đầu tư và phát triển du lịch biển, đảo; Bốn là, tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình ở Biển Đông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; Năm là, nỗ lực chủ động ứng phó với thiên tai từ biển thông qua áp dụng các giải pháp thích ứng, nhấn mạnh đến các vùng dễ bị tổn thương nhất – vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thực tế, giai đoạn 2011-2020, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Năm 2020, GRDP của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.040,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,1% GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng địa phương dải ven biển đạt 6,4% bình quân năm trong thời kỳ 2011-2020. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp nhỏ ven biển ngày càng trở nên quan trọng và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2020 đạt 84,4 triệu đồng, so với mức bình quân cả nước đạt 82,7 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GDP bình quân đầu người trong nhóm tốp đầu cả nước như Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu cả nước (263 triệu đồng), Quảng Ninh đứng thứ hai (164 triệu đồng), Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ tư (148 triệu đồng), Hải Phòng đứng thứ sáu (134,6 triệu đồng). Hiện cả nước đã hình thành 19 khu kinh tế và 241 khu công nghiệp ven biển; xây dựng một số cảng với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn như Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng).

Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển và trên các đảo đã được chú trọng đầu tư, tạo ra sự chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế, làm cơ sở vững chắc cho việc tiến ra biển, đồng thời trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo Việt Nam…

Minh Trang