Trong báo cáo “Sự phát triển vượt bậc: Công nghiệp công nghệ sinh học toàn cầu” được đưa ra trong tháng 11 vừa qua, Tổ chức Ernst & Young của Mỹ đã dự báo về một sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp công nghệ sinh học trên thị trường thế giới. Báo cáo đề cập chi tiết về một số nhà lãnh đạo công nghiệp công nghệ sinh học nổi tiếng thế giới và ngành công nghiệp công nghệ sinh học ở hơn 25 nước.

Các công trình nghiên cứu được nêu trong báo cáo cho thấy, trong khi Mỹ và châu Âu tập trung vào các sản phẩm dùng trong chẩn đoán và thuốc chữa bệnh cho người, Canađa và khu vực châu á-Thái Bình Dương lại theo đuổi những lợi ích của công nghệ sinh học cơ bản. Sự tăng trưởng mạnh nhất của ngành công nghiệp công nghệ sinh học thế giới kể từ năm 2001 đến nay đã được thúc đẩy một phần, nhờ tài trợ vốn mạo hiểm trong nước và nước ngoài.

Nhờ có tài trợ tốt hai năm vừa qua, các hãng công nghệ sinh học trên thế giới có dự trữ tiền mặt lớn, giúp vượt qua sự biến động của thị trường. Vị thế tiền mặt mạnh của ngành công nghiệp này tạo cho các hãng công nghệ sinh học vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán thiết lập quan hệ đối tác về công nghệ và các cuộc đàm phán về các thoả thuận cấp giấy phép với nhau và với các hãng dược lớn có quan tâm để thay thế các dược phẩm thành công mà chưa được cấp bằng sáng chế và bù đắp cho các sản phẩm đang bị suy giảm.

Các hãng công nghệ sinh học cũng đang tìm các phương thức khác để đạt khối lượng sản phẩm lớn và để không bị phụ thuộc, bằng cách tăng số lượng các hãng liên minh xuyên biên giới, sáp nhập, mua lại các hãng và các công ty chuyên sản xuất sản phẩm dựa trên kết quả của các công trình nghiên cứu và phát triển. Từ năm 2001 đến nay đã có hơn 480 hoạt động hợp tác giữa các hãng công nghệ sinh học và các hãng dược phẩm và có gần 550 quan hệ đối tác giữa các hãng công nghệ sinh học từ. Xu thế này dẫn đến việc tăng cường sự ngang bằng tỷ giá giữa các ngành công nghiệp công nghệ sinh học và dược phẩm, ví dụ như hãng Angen đã mua hãng Immunex với giá 16 tỷ USD.

Ngành công nghiệp công nghệ sinh học trên thế giới có tới 4.324 hãng (662 hãng nhà nước, 3.662 hãng tư nhân) ở 25 nước. Năm 2002, các hãng nhà nước có thu nhập 35 tỷ USD, chi 16 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển và sử dụng hơn 188.000 nhân công. Năm 2003, các con số này chắn chắn sẽ cao hơn nhiều. 73% thu nhập này thuộc về các hãng ở Mỹ; các khu vực công nghệ sinh học đang nổi lên ở châu Âu, Canađa và châu á-Thái Bình Dương hiện đang có sự tăng trưởng mạnh về số lượng các hãng vì các công nghệ hấp dẫn ngày càng có xu thế mở đường từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu để trở thành các hãng do tư nhân tài trợ.

Báo cáo cho thấy, công nghệ sinh học là một lĩnh vực đang nổi trội ở châu á-Thái Bình Dương. Khu vực này có hơn 55 hãng công nghệ sinh học. Các nước Ôxtrâylia, Trung Quốc, ấn Độ và Xinhgapo phát triển mạnh ngành này.

Theo ước tính, đến năm 2005, thị trường công nghệ sinh học châu Âu có thể tăng gấp đôi giá trị hiện nay, đạt tới 100 tỷ USD. Sự tăng trưởng này sẽ nhờ vào các hãng và các nhà đầu tư có kinh nghiệm tìm tòi các công nghệ có triển vọng, nhân tài và thị trường mới ở ngoài biên giới nước họ.

Cũng theo ước tính, thu nhập của ngành công nghiệp công nghệ sinh học thế giới sẽ tăng từ 25 tỷ USD năm 2000 lên 44,3 tỷ USD năm 2005 và 88 tỷ USD năm 2010. Thu nhập của ngành công nghiệp công nghệ sinh học của Mỹ tăng từ 16,05 tỷ USD năm 2000 lên 28,2 tỷ USD năm 2005 và 49,9 tỷ USD năm 2010. Riêng thuốc chữa bệnh cho người của Mỹ tăng từ 11,7 tỷ USD năm 2000 lên 20,6 tỷ USD năm 2005 và 36,3 tỷ USD năm 2010. Ngành công nghệ sinh học nông nghiệp tăng 18% và ngành biệt dược của Mỹ tăng 16%. Các ngành khác thuộc ngành công nghiệp công nghệ sinh học của Mỹ tăng ít nhất là 8%.

 

  • Tags: