Bên lề chuyến thăm của Hoàng gia Đan Mạch tới Việt Nam trong hai ngày 1-2/11/2022, với chủ đề “Cùng kiến tạo một tương lai xanh hơn”, hai bên sẽ tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng bền vững Đan Mạch - Việt Nam cùng với 2 hội thảo chuyên đề về năng lượng gió và năng lượng hiệu quả.
Diễn đàn sẽ có sự hiện diện của Thái tử kế vị Frederik, cùng Công nương Mary của Đan Mạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 36 doanh nghiệp Đan Mạch (trong đó có 22 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gió, 14 doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng hiệu quả). Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành của Đan Mạch, với nhiều sáng kiến nhất trong lĩnh vực năng lượng.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm đến thị trường Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt 554,17 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch 384,65 triệu USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, trong năm nay, Đan Mạch đã nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng đầu tư mới đạt 1,32 tỷ USD.
Mới đây nhất, đoàn công tác của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) do ông Robert Helms - Thành viên, kiêm Giám đốc điện gió ngoài khơi tại Quỹ thị trường mới (thuộc CIP) đã đề xuất với ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN hợp tác phát triển một số dự án điện gió ngoài khơi (quy mô lớn) và phát triển lưới điện truyền tải.
CIP là công ty quản lý quỹ chuyên đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Hiện nay, CIP đang quản lý 8 quỹ, với tổng số vốn là 19 tỷ USD và đang phát triển hơn 38 GW các dự án điện gió ngoài khơi tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Tại Việt Nam, CIP đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận. CIP cũng đang tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo mới như các giải pháp chuyển điện thành X (Power-to-X) bao gồm hydrogen xanh, amoniac xanh, lưu trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyền tải điện ở Việt Nam./.