Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Công Thương đã phỏng vấn TS. Đào Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (ĐCK), Bộ Công Thương để làm rõ thực trạng, nguyên nhân và định hướng sắp tới của Bộ.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nhìn lại 10 năm triển khai Quyết định 53: Những kết quả và hạn chế
PV: Thưa ông, chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học được triển khai theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg đã đi được chặng đường hơn 10 năm. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được?
TS. Đào Duy Anh: Việc ban hành Quyết định 53 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, sử dụng nhiên liệu sinh học đạt được nhiều mục tiêu từ bảo vệ môi trường đến hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sản xuất và hình thành nhiều ngành công nghiệp liên quan đến nhiên liệu sinh học. Thực tế, có thể thấy rằng, sau hơn 10 năm triển khai Quyết định 53, nước ta đã hình thành được năng lực sản xuất nguyên liệu (sắn) vượt yêu cầu cho sản xuất cồn ethanol (E100), chúng ta đã xây dựng được 06 nhà máy sản xuất E100 với công suất khoảng 500 ngàn m3, nếu vận hành hết công suất này sẽ đáp ứng khoảng 30 đến 40% nhu cầu pha chế xăng E10 trong nước (ước tính khoảng 1,2-1,5 triệu m3 theo tổng mức tiêu thụ năm 2024 là khoảng 15 triệu khối xăng). Các nhà quản lý từ trung ương đến địa phương đều hiểu được ý nghĩa bảo vệ môi trường trong việc sử dụng nhiên liệu xăng sinh học cho phương tiện giao thông nói riêng và cho toàn bộ nền kinh tế nói chung nên có sự đồng thuận cao trong việc tiếp tục đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước và một số nhà cung cấp nước ngoài cũng ủng hộ việc sử dụng xăng sinh học và có đủ kho lưu trữ, hệ thống phối trộn cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước về xăng sinh học ở mức E5 và sẵn sàng thực hiện phối trộn, tiêu thụ xăng sinh học ở mức cao hơn như xăng E10.
Mặt khác, sau hơn 10 năm, chúng ta đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích trong sản xuất, phối trộn, lưu trữ, phân phối và sử dụng nhiên liệu sinh học từ quốc tế. Việc sử dụng xăng E5RON92 từ năm 2014 đến nay ở trong nước chưa ghi nhận trường hợp cháy, nổ, tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động và tuổi thọ của phương tiện.
Tuy nhiên, thực tế chưa thực hiện được đầy đủ lộ trình phối trộn và sử dụng nhiên liệu xăng sinh học E5, E10 như Quyết định 53 đã đề ra, tình hình tiêu thụ E5RON92 ngày càng giảm trong những năm gần đây. Kết quả khảo sát thực tế và qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tiêu thụ xăng sinh học E5RON92 có tỷ lệ cao (>50% so với xăng khoáng) ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, mức thu nhập thấp và sử dụng phương tiện giao thông cũ, các chủng loại xe “đời” thấp còn phổ biến. Trong khi đó, ở những nơi có mức thu nhập cao hơn, đặc biệt là các thành phố lớn nơi sử dụng nhiều xe “đời” mới, hiện đại, tỷ lệ tiêu thụ xăng sinh học E5RON92 thấp, có nơi chỉ còn khoảng 15% so với mức tiêu thụ xăng khoáng.

PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến tiêu thụ xăng sinh học E5 sụt giảm trong thời gian qua?
TS. Đào Duy Anh: Qua báo cáo gửi về từ các địa phương, doanh nghiệp đầu mối sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng như khảo sát, đánh giá thực tế tại một số địa phương, doanh nghiệp, xăng sinh học E5RON92 chưa được “ưa chuộng” nằm ở một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, loại xăng nền RON92 từng được lựa chọn trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm là phù hợp với điều kiện công nghệ và phương tiện tại thời điểm đó. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn phương tiện sản xuất mới đều được khuyến nghị sử dụng nhiên liệu có chỉ số Octan cao hơn (≥95), dẫn đến nhu cầu với E5RON92 giảm dần.
Thứ hai, các chính sách hỗ trợ dành cho xăng sinh học - dù đã có nhiều nỗ lực – vẫn còn thiếu tính đột phá về mặt thuế, phí, cơ chế vận hành… nên chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích mạnh mẽ các bên tham gia chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Thứ ba, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về chất lượng xăng sinh học, dù thực tế sử dụng trong nước và quốc tế đã cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả.
Thứ tư, công tác chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương vẫn cần được tăng cường hơn nữa về tính liên tục và đồng bộ để đảm bảo hiệu quả triển khai chính sách.
Thứ năm, hoạt động truyền thông chưa thực sự lan tỏa và tiếp cận được đầy đủ các nhóm đối tượng, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng. Thông tin về lợi ích môi trường, hiệu quả kinh tế – kỹ thuật của xăng sinh học cần được truyền tải một cách dễ hiểu, trực quan và thường xuyên hơn.
Tôi cho rằng, với tiềm năng lớn về nguyên liệu sinh khối trong nước và cam kết phát triển bền vững, xăng sinh học vẫn là một giải pháp đáng được quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ cả phía chính sách, doanh nghiệp và truyền thông, để sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng một cách hiệu quả và bền vững.
Việt Nam có thể triển khai xăng E10 từ năm 2026?
PV: Với thực tế như vậy, điều gì khiến ông tin rằng Việt Nam đã sẵn sàng triển khai xăng E10 toàn quốc từ 2026?
TS. Đào Duy Anh: Theo báo cáo của các Tập đoàn, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh cồn (E100) trong nước, kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và quốc tế về việc sử dụng nhiên liệu sinh học, hiện nay, chúng ta đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để triển khai sử dụng xăng sinh học E10, dự kiến từ đầu năm 2026, cụ thể:
- Về kinh nghiệm quốc tế: Hiện nay, nhiên liệu sinh học được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới và đều được luật hóa là quy định bắt buộc và xu hướng sử dụng ngày càng tăng. Các quốc gia như Mỹ, Canada, các nước Tây Âu… đều có kế hoạch sản xuất nhiên liệu thay thế ở quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng một cách ổn định.
Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ xăng pha cồn từ những năm 70 của thế kỷ trước, hiện nay, việc sử dụng cồn để pha vào xăng với tỷ lệ lên đến 20%, thậm chí có thể lên đến 85% đang từng bước được áp dụng trong ngành vận tải.
Tại Mỹ, xăng pha cồn cũng được sử dụng từ những năm 1970, hiện nay, xăng tiêu thụ trên toàn nước Mỹ đều có chứa đến 10% cồn, các tỷ lệ pha cồn 15, 20, 30% được khuyến khích sử dụng, một số phương tiện cải hoán động cơ có thể sử dụng E85.
Ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ xăng sinh học hoặc xăng pha cồn đã được sử dụng trong nhiều năm qua và hiện nay tỷ lệ cồn pha vào xăng bắt buộc tối thiểu là 10%.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Philippines là hai nước tiên phong trong sử dụng xăng pha cồn với tỷ lệ thông dụng là 10-15%, hiện cả hai nước đều có kế hoạch nâng cao hơn nữa tỷ lệ cồn pha vào xăng khoáng (mức 20% hoặc cao hơn).

- Về nguồn cung E100: Sản xuất nhiên liệu E100 trong nước (nếu cả 06 nhà máy hoạt động 100% công suất) đạt khoảng 500 ngàn m3/năm, đáp ứng khoảng 40% nhiên liệu E100 cho pha chế xăng E10, đồng thời, nguồn cung E100 trên thị trường thế giới dồi dào, sẵn sàng bù đắp lượng thiếu hụt của sản xuất trong nước giai đoạn đầu thông qua nhập khẩu trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc từ các đầu mối phân phối trong khu vực. Khi nhu cầu E100 tăng ổn định, các nhà máy đã xây dựng chưa hoạt động hiện nay (04/06) sẽ khởi động lại để đưa vào sản xuất, từng bước chủ động nguồn cung E100.
- Về năng lực sản xuất, tàng trữ, phối trộn xăng sinh học E10: Hiện nay, các nhà máy lọc dầu, các doanh nghiệp kinh doanh như nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, Nghi Sơn, Petrolimex, PVOIL và Sài Gòn Pertro cũng như một số đầu mối xăng dầu trong nước có đủ khả năng sản xuất, nhập khẩu, phối trộn, và kinh doanh xăng sinh học E10 theo phương pháp phối trộn tại bể (In tank) và phối trộn trong đường ống (In line). Hiện cả nước có khoảng 214 kho xăng dầu, trong đó có 08 kho có dung tích lớn hơn 100.000m3 (04 kho hỗn hợp ngoại quan, nội địa); 90 kho có dung tích từ 5.000 đến 100.000m3 (05 kho hỗn hợp ngoại quan, nội địa); 116 kho có dung tích nhỏ hơn 5.000 m3, như vậy, khả năng lưu chứa xăng nền, E100 và xăng sinh học là khả thi.
- Về tính tương thích, an toàn của xăng sinh học E10 đối với động cơ đốt trong của các phương tiện giao thông đường bộ: Thực tế qua hơn 10 năm sử dụng xăng sinh học E5RON92, tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hiệu suất hoạt động và ảnh hưởng tiêu cực tới tuổi thọ của động cơ. Việc thử nghiệm kỹ lưỡng các vật liệu, hệ thống nhiên liệu xe với xăng pha ethanol bởi các ngành công nghiệp, chính phủ, trường đại học và phòng thí nghiệm độc lập đã xác định khả năng tương thích của động cơ với xăng sinh học. EPA Hoa Kỳ đã chấp thuận E15 cho tất cả các xe sản xuất từ sau năm 2001, sử dụng E85 tại Hoa Kỳ hay E100 tại Brazil được áp dụng cho các loại xe linh hoạt có chế riêng một số chi tiết cho động cơ.
Đặc biệt là sự đồng thuận của các Hiệp hội xăng dầu, Hiệp hội nhiên liệu sinh học, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu lớn trong việc sớm đưa xăng sinh học sử dụng trên toàn quốc.
PV: Với lộ trình dự kiến như vậy, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo gì đối với các đơn vị liên quan để đảm bảo sớm ban hành và thực hiện thành công lộ trình phối trộn và phân phối xăng sinh học mới?
TS. Đào Duy Anh: Để sớm ban hành và triển khai thực hiện lộ trình phối trộn và sử dụng nhiên liệu sinh học mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:
- ĐCK chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu, các Hiệp hội ngành nghề liên quan sớm có văn bản xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng lộ trình phối trộn, sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế nội dung Quyết định 53/2012/QĐ-TTg. Nhanh chóng xây dựng lộ trình mới ngay khi có chủ trương từ Thủ tướng Chính phủ;
- Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước làm việc với các đơn vị liên quan để đảm bảo nguồn cung xăng nền cũng như E100, phối hợp cùng các đơn vị liên quan và các Hiệp hội rà soát, xem xét kiến nghị cập nhật các quy định về kỹ thuật đối với các chủng loại xăng dầu;
- Các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối kinh doanh phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng cho sản xuất, phối trộn, vận chuyển và phân phối xăng sinh học E10 trên toàn quốc, theo kế hoạch dự kiến từ 01/01/2026;
- Các đơn vị truyền thông tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học cũng như cơ sở khoa học và thực tiễn đã khẳng định các tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động và tuổi thọ của động cơ là không có cơ sở.
7 nhóm giải pháp để hiện thực hóa lộ trình xăng E10
PV: Theo ông, đâu là những giải pháp trọng tâm để đảm bảo lộ trình mới đạt hiệu quả?
TS. Đào Duy Anh: Để triển khai có hiệu quả lộ trình phối trộn và sử dụng xăng sinh học E10 như kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo, đưa ra một số giải pháp sau:
- Một là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý: Ban hành Quyết định thay thế Quyết định 53, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp sản xuất, phối trộn, phân phối và cả người tiêu dùng xăng sinh học. Rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xăng nền để phối trộn với nhiên liệu sinh học và phương tiện sử dụng để bảo đảm tính tương thích và an toàn.
- Hai là phát triển hạ tầng sản xuất, phối trộn và phân phối: Rà soát, tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy sản xuất ethanol theo hướng hiện đại, ổn định nguồn cung ethanol nhiên liệu đạt chuẩn E100; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở phối trộn tại các kho đầu mối xăng dầu ở các vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam).
- Ba là đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững: Khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu cây năng lượng (sắn, mía, ngô…) gắn với các nhà máy sản xuất ethanol; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất ethanol thế hệ 2 (từ phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ, bã mía…) để giảm áp lực cạnh tranh lương thực.

- Bốn là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức: Triển khai các chương trình truyền thông đồng bộ, dài hạn để thay đổi nhận thức, tăng niềm tin của người dân về lợi ích của xăng sinh học (môi trường, kinh tế, chất lượng…); phối hợp với các hiệp hội, nhà sản xuất ô tô - xe máy để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng đúng cách, tránh các hiểu lầm không có cơ sở khoa học về tác động tiêu cực của xăng E10 đối với động cơ, vốn đã được nhiều nghiên cứu và thực tiễn sử dụng bác bỏ.
- Năm là đẩy mạnh vai trò của cơ quan quản lý và địa phương: Phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát triển khai lộ trình; yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và cam kết tiêu thụ nhiên liệu sinh học, đưa vào chỉ tiêu đánh giá thực hiện nhiệm vụ hằng năm.
- Sáu là khuyến khích khu vực tư nhân, thu hút đầu tư: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia chuỗi giá trị nhiên liệu sinh học; xây dựng cơ chế đấu thầu, đặt hàng công khai, minh bạch đối với các công trình hạ tầng và cung ứng ethanol.
- Bảy là triển khai đồng loạt phối trộn xăng sinh học E10: Trên đối tượng xăng nền phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của thế hệ động cơ hiện tại và trong những năm tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!