Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary tăng trưởng khá cao: Năm 2006, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 57 triệu USD, năm 2007 đã tăng trên 90 triệu USD, năm 2008, có thể đạt 100 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Hungary những mặt hàng như dệt may, da giầy, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, điện, điện tử… và nhập khẩu từ Hungary chủ yếu là dược liệu và một số hàng công nghiệp. Đồng thời, Việt Nam và Hungary có thể cùng liên doanh sản xuất để xuất khẩu qua Hungary sang thị trường thứ 3, nhất là thị trường EU và các thị trường mà Hungary đã có chỗ đứng.
Cho đến nay, Việt Nam và Hungari đã ký nhiều hiệp định như, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác chống tội phạm có tổ chức, Tuyên bố chung về phát triển quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam và Hungary, Hiệp định hợp tác kinh tế, Hiệp định hợp tác nông nghiệp, Hiệp định hợp tác phát triển, Hiệp định hợp tác khoa học - công nghệ, Thoả thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế - Giao thông Hungary, cũng như các kế hoạch hợp tác giữa các ngành giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hoá, phát thanh, hải quan…
Tháng 3/2008, Công ty AHEAD Indochina của Hungary đã chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội. AHEAD Indochina được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu của Hungary, là cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế và văn hóa giữa hai nước. Trong thời gian tới, AHEAD-Indochina sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông Csaba Bundik, đại diện Công ty Ahead-Indochina cho biết, Ahead- Indochina có thế mạnh trong chuyển giao công nghệ và sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đối tác thích hợp, cung cấp các giải pháp tài chính, hỗ trợ dịch vụ tư vấn pháp lý và hạ tầng, hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định trong các dự án kinh tế tại Việt Nam, phân tích và nghiên cứu thị trường, tư vấn, quản lí rủi ro, hỗ trợ các chuyến công tác sang Hungary và giúp đỡ các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về thị trường và các đối tác Việt Nam, với mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự đầu tư từ phía Hungary.
Cùng với việc thành lập và đi vào hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary, Văn phòng đại diện AHEAD Indochina tại Hà nội, sự ra đời của Hội đồng Doanh nghiệp Hungary - Việt Nam tại Budapest (tháng 4/2008) cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư, tìm hiểu, thông tin, tìm hiểu các đường lối chính sách của chính phủ đối tác, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp..., góp phần tích cực vào sự tăng trưởng vượt bậc của các oạt động thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Hungary.
Về đầu tư: Tháng 11/2001, tại Khóa họp lần thứ 20 của Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại-khoa học kỹ thuật, hai bên đã trao đổi về những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hungary cam kết cho Việt Nam vay 200 triệu USD với lãi suất thấp trong khuôn khổ OECD để thực hiện các dự án phát triển năng lượng điện, trang thiết bị giao thông và các dự án khác. Tháng 5/2002, các ngành hữu quan của hai nước đã thỏa thuận về các nguyên tắc sử dụng 30 triệu USD trong số 200 triệu USD vốn vay của Hungariy để xây dựng nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Quảng Ngãi.
Từ năm 2003, Hungary coi Việt Nam là một trong số các đối tác chiến lược thuộc diện chính sách viện trợ phát triển (ODA) của mình. Năm 2004, chương trình ODA đã bắt đầu được triển khai với dự án nuôi cá nước ngọt. Năm 2005, Hungary đã tài trợ 600.000 USD không hoàn lại cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hungary Gyurcsany Ferenc tháng 7/2005, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển nhằm xác định những nguyên tắc chung cho việc cung cấp và tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của Hungary cho Việt Nam.
Năm 2006, Hungary đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam với tổng giá trị là 110.000 USD trong Dự án “Phát triển nghề may xuất khẩu sản phẩm từ da cá sấu”. Năm 2007, cam kết ODA của Hungary cho Việt Nam tương đương mức năm 2006. Năm 2008, cam kết ODA của Hungary cho Việt Nam khoảng 50 triệu USD, bao gồm cả tín dụng ưu đãi.
Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Consultative Group Meeting - CGM for Vietnam) được tổ chức tháng 12 năm 2007 tại Hà Nội, với chủ đề “Xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam”, Hungary đã công bố hỗ trợ tín dụng cho Việt Nam là 35,34 triệu euro trong thống kê các nước thuộc EU và 49,5 triệu USD trong thống kê của Ngân hàng Thế giới. Như vậy, Hungary đứng ở vị trí trung bình trong các nước EU và đứng đầu trong các nước thành viên mới của EU viện trợ cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực công - nông nghiệp: Hai nước đã đẩy mạnh hợp tác về chăn nuôi tiểu gia súc, cung cấp giống bò, lợn, cây trồng, nuôi cá nước ngọt, sản xuất phân vi sinh… Ngoài ra, Hungary có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy nhiệt điện nhỏ, thiết bị đường sắt, đầu máy diezel, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, chế biến và bảo quản thực phẩm.
Hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ giữa Việt Nam - Hungary đã có từ lâu và được thực hiện có hiệu quả như, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các cán bộ Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và phục hồi dữ liệu thông tin máy tính; đào tạo kiến thức thu thập thông tin thương mại cho phía Việt Nam; mời các đoàn công tác của Việt Nam sang thăm và học tập tại Hungary… Hiện nay, Hungary rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam, đồng thời, mong muốn xây dựng trung tâm xử lí nước thải bằng công nghệ sinh học tại Việt Nam và hợp tác với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Công nghệ xử lý nước thải theo biện pháp sinh học là một trong những thế mạnh của Hungary và nếu được áp dụng, sẽ giúp Việt Nam giảm từ 20-30% chi phí so với các công nghệ xử lý khác. Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường và Nước của Hungary Lajos Olah cũng cho biết, Hungary dự kiến sẽ cung cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá 100 triệu euro cho các dự án liên quan đến môi trường, bao gồm đào tạo nhân lực, y tế và xử lý nước thải sinh hoạt.