
Sáng 11/4/2025, Bộ Công Thương (Cục Điện lực) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) tổ chức cuộc họp kỹ thuật về công nghiệp điện hạt nhân.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; đại diện các đơn vị Vụ, Cục, Viện liên quan thuộc Bộ Công Thương; đại diện các Bộ, ngành chức năng; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) và các doanh nghiệp liên quan. Về phía Hàn Quốc, có ông Choi Young Sam - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Dong-chul - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO); cùng đại diện các doanh nghiệp năng lượng của Hàn Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, tháng 11/2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về chủ trương tiếp tục chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, trong đó bao gồm việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Thủ tướng Chính Phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Cả 2 Tập đoàn đều đang tích cực tìm kiếm các đối tác, giải pháp, cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.
Tháng 2/2025, trong khuôn khổ chuyến công tác Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại, Năng lượng Hàn quốc và lãnh đạo một số doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm thảo luận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng, trong đó có lĩnh vực điện hạt nhân.
“Chúng tôi rất mong rằng Hàn Quốc sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong tiến trình này”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long bày tỏ.

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển năng động với tốc độ nhanh, và Đảng, Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm tới đây, Việt Nam coi điện hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch, nguồn điện nền đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp Việt Nam đạt trung hòa carbon (Net-Zero) vào năm 2050.
Do đó, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung vào thảo luận về thực trạng, giải pháp đối với 3 cấu phần quan trọng của dự án điện hạt nhân là công nghệ, tài chính và đào tạo; qua đó cung cấp những thông tin hữu ích, thiết thực cho các cơ quan quản lý, tư vấn, chủ đầu tư dự án điện hạt nhân của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng đề nghị phía Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để gặp gỡ, chia sẻ và tìm hiểu sâu các nội dung thông tin, đặc biệt là liên quan đến năng lực của các đối tác phía Hàn Quốc trong việc đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu mà Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam đã đặt ra. Đồng thời, nghiên cứu triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiến đến tự chủ trong xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, ông Kim Dong-chul - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) cho rằng, để đạt được mục tiêu cao cả như trung hòa carbon, tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia đang tập trung đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng không phát thải carbon như năng lượng tái tạo và điện hạt nhân - trong đó, điện hạt nhân đang được nhìn nhận lại như một giải pháp thực tế và hiệu quả.
Đặc biệt, ông Kim Dong-chul cho rằng, với Việt Nam - một quốc gia có nhu cầu điện năng tăng trưởng nhanh chóng, trung bình từ 12 đến 14% mỗi năm - thì việc đảm bảo một nguồn năng lượng ổn định và sạch là điều thiết yếu.

“Tôi cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam rà soát lại các chính sách về năng lượng và lựa chọn tái khởi động kế hoạch phát triển điện hạt nhân là một quyết định đúng đắn và kịp thời”, Chủ tịch KEPCO cho biết, một lần nữa khẳng định điện hạt nhân không chỉ góp phần tăng cường an ninh năng lượng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải. Đồng thời, nếu kết hợp điện hạt nhân với các công nghệ năng lượng tiên tiến, hạ tầng năng lượng của Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn nữa.
Bày tỏ tin tưởng điện hạt nhân hội tụ đủ các yếu tố như an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường, kết hợp với công nghệ tiên tiến sẽ mang đến cho Việt Nam những giải pháp đột phá trong việc phát triển hạ tầng năng lượng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, lãnh đạo KEPCO nhấn mạnh mong muốn được tiếp nối tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và công nghệ mới, góp phần thực hiện thành công và an toàn dự án điện hạt nhân của Việt Nam, hướng tới phát triển hạ tầng năng lượng của Việt Nam bền vững hơn, hiện đại hơn.
Trong dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất cơ cấu nguồn điện hạt nhân từ 4.000 - 6.400 MW, vận hành giai đoạn 2030 - 2035 (có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi) và tăng lên khoảng 14.000MW vào năm 2050.