Việt Nam - Thái Lan mục tiêu sớm đạt kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD

Việt Nam và Thái Lan đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD thông qua tích cực triển khai Chiến lược Ba kết nối, bao gồm: kết nối chuỗi cung ứng; kết nối hạ tầng giao thông; kết nối kinh tế và văn hóa.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan với chủ đề "Một cộng một trên ba kết nối" diễn ra chiều 16/5/2025 thu hút sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước.

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và Thái Lan; nghe giới thiệu về khả năng và kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.

Theo các đại biểu, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam - Thái Lan
Theo các đại biểu, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, trải qua những thăng trầm lịch sử và nỗ lực vun đắp, xây dựng của cả hai nước, đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường năm 2015, quan hệ song phương giữa hai nước đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, trở thành một hình mẫu cho hợp tác khu vực, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là trụ cột và điểm sáng nổi bật.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các đại biểu cho rằng dư địa, tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn rất lớn để tiếp tục phát triển.

Hai nước đã đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD thông qua tích cực triển khai Chiến lược Ba kết nối bao gồm: kết nối chuỗi cung ứng (tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng); kết nối hạ tầng giao thông (đẩy mạnh hợp tác trong vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế phía Nam); kết nối kinh tế và văn hóa (thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch, giáo dục và văn hóa, tạo cầu nối hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc).

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các đại biểu đề xuất các doanh nghiệp Thái Lan với kinh nghiệm, nguồn lực và uy tín của mình, sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch … Đây là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Thái Lan có kinh nghiệm và thế mạnh.

Các đại biểu cũng đề xuất tăng cường nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, củng cố các chuỗi cung ứng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao, vì lợi ích của cả hai bên theo hướng đa dạng, minh bạch, bền vững. Cùng với đó, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng. Phía Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mong muốn học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với Thái Lan trong phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ xanh.

Việt Nam - Thái Lan
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra chứng kiến Vietjet và Boeing trao thoả thuận hợp tác với Vietjet Thái Lan về việc chuyển giao 50 tàu bay Boeing 737 tại Thái Lan, về thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính và bán lẻ, về phát triển khu công nghiệp tại Đồng Nai (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cũng tại Diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã trao các văn kiện hợp tác, trong đó tập đoàn FPT và Sunline thống nhất thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính và bán lẻ Thái Lan, tập trung vào các giải pháp ngân hàng lõi, ngân hàng số và cho vay số.

Trước đó, FPT cũng ký kết hợp tác với Buzzebees - nền tảng hàng đầu về quản trị trải nghiệm khách hàng - để cùng phát triển các giải pháp số toàn diện trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, bán lẻ, tài chính và viễn thông.

Nhân dịp này, Vietjet và Boeing trao thoả thuận hợp tác với Vietjet Thái Lan về việc chuyển giao 50 tàu bay Boeing 737 tại Thái Lan, đóng góp vào phát triển kinh tế du lịch kết nối Thái Lan và Việt Nam cũng như các nước trong khu vực; tập đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn Amata trao biên bản ghi nhớ về phát triển khu công nghiệp tại Đồng Nai.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan 2025 là sự kiện quan trọng góp phần cụ thể hoá cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đẩy mạnh trụ cột Đối tác vì phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tiến Thành