Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), năm 2023, tình hình thế giới mặc dù có một số tín hiệu tích cực, nhưng về tổng thể kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn, có tính bất định cao, diễn biến phức tạp, nhanh chóng cùng nhiều yếu tố mới, bất ngờ, xuất hiện các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn. Cùng với đó là xu thế gia tăng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ, công tác phòng vệ thương mại năm 2023 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Thứ nhất, về công tác tham mưu, xây dựng chính sách về phòng vệ thương mại: Nhằm củng cố hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại cho các Bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan, Cục Phòng vệ thương mại triển khai xây dựng Báo cáo Lãnh đạo Bộ về tổng kết 5 năm thực thi Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có đề xuất chi tiết các nhóm nội dung cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng trong thời gian tới. Cùng với đó, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, triển khai xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ hai, về công tác đàm phán, xử lý vấn đề kinh tế thị trường: Trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cuối tháng 10/2023 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của ta, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo chính thức khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Phòng vệ thương mại đã báo cáo Bộ trưởng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1335/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2023 phê duyệt Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tác động lâu dài đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ ba, công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại đáng kể, nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, trong năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang triển khai điều tra, rà soát 12 vụ việc với các mặt hàng đa dạng: bột ngọt, sợi, đường mía, thép, nhôm, màng BOPP; và 02 vụ việc mới khởi xướng điều tra đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió. Theo thống kê, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước.
Thứ tư, do năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 16 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại mới đối với pin mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm thép, hóa chất… bên cạnh nhiều vụ việc đang tiếp tục được điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen như: sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, quy trình điều tra ngày càng khắt khe,... nhưng công tác kháng kiện năm 2023 cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực. Nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng của ta như: Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia... Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu/so với các nước cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ năm, về công tác cảnh báo sớm, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ: Hiện nay, Bộ Công Thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trước bối cảnh đó, công tác phòng vệ thương mại còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ việc nước ngoài điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng rất nhanh, phạm vi điều tra mở rộng, phức tạp trong khi nguồn lực về phòng vệ thương mại còn rất hạn chế.
Phòng vệ thương mại là lĩnh vực chuyên môn sâu về luật thương mại quốc tế, tài chính, trong khi cơ hội để đào tạo, nâng cao kiến thức cho các cán bộ chưa nhiều.
Nhận thức về phòng vệ thương mại của nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực nhưng còn hạn chế, dẫn tới khó khăn trong quá trình ứng phó và sử dụng các biện pháp này.
Lạm phát và các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả nhiều mặt hàng trong nước. Vì vậy, các vụ việc phòng vệ thương mại đã và đang điều tra cũng cần phải được xem xét cẩn trọng đến các vấn đề về lợi ích kinh tế xã hội.
Ngoài ra, ông Trịnh Anh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan bên ngoài đôi khi còn chưa kịp thời và hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại còn nhiều điểm chưa quy định rõ, chưa theo kịp diễn biến nhanh của thực tiễn cũng là những vướng mắc còn tồn tại.
Để thực hiện chủ trương chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước và người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế, theo ông Trịnh Anh Tuấn, công tác phòng vệ thương mại cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm và định hướng lớn:
Thứ nhất, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, kể cả hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương.
Thứ hai, tập trung triển khai kịp thời, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 1335 “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”, góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ.
Thứ ba, chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ;
Thứ sáu, tăng cường công tác chuyển đổi số thông qua việc xây dựng và vận hành các nền tảng cho việc thực hiện hiệu quả công việc của Cục như cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử, quy trình xử lý vụ việc.
Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.