Việt Nam và Ả-rập Xê-út ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại

Việc ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mà còn góp phần kiện toàn khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp các nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 30/10/2024, bên lề Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII-8), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam và Ả-rập Xê-út, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ả-rập Xê-út Faisal F. Alibrahim ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại.

Việt Nam và Ả-rập Xê-út ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên (bên phải) cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ả-rập Xê-út Faisal F. Alibrahim (bên trái) ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại

Bản Ghi nhớ có nội dung thiết lập cơ chế và khuôn khổ hợp tác dài hạn giữa hai Bên trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, thương mại điện tử, kinh tế số.

Ả-rập Xê-út là nền kinh tế hàng đầu tại Trung Đông. Trong quan hệ với Việt Nam, Ả-rập Xê-út thuộc tốp đối tác thương mại hàng đầu ở khu vực này. Quan hệ giữa Việt Nam và hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

Trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại Việt Nam - Ả-rập Xê-út tăng trưởng liên tiếp, bình quân mỗi năm đạt khoảng 2,2 tỷ USD/năm.

Việt Nam và Ả-rập Xê-út ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Bản Ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ả-rập Xê-út

Việc ký kết thành công Bản Ghi nhớ không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mà còn góp phần kiện toàn khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp các nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Trong thời gian tới, trên cơ sở lợi thế của Ả-rập Xê-út về công nghệ và tài chính khi kết hợp với thế mạnh của Việt Nam về môi trường đầu tư và năng lực sản xuất, việc ký kết thành công các văn kiện hợp tác sẽ tạo nền tảng quan trọng, góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước, nhất là về thương mại công nghiệp và năng lượng.

Huyền My