Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng chúc mừng Vương quốc Anh đã hoàn thành phiên đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP lần thứ 5 ở cấp Trưởng đoàn với sự tham dự của 11 nước thành viên CPTPP tại Phú Quốc, Kiên Giang vào đầu tháng 3 vừa qua. Tại phiên đàm phán này, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng thống nhất được phương án kết thúc đàm phán song phương. Đây là cột mốc hết sức ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm nay.
Thông qua sự kiện này, Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ Vương quốc Anh gia nhập hiệp định CPTPP và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Ông Mark Garnier, Đặc phái viên thương mại bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Vương quốc Anh trong suốt tiến trình đàm phán tham gia Hiệp định CPTPP và hy vọng Việt Nam tiếp tục giúp Vương quốc Anh kêu gọi các nước thành viên còn lại sớm hoàn tất tiến trình này.
Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương, thực thi hiệu quả Hiệp định UKVFTA, đồng thời thống nhất kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết và đánh giá 2 năm thực thi UKVFTA vào giữa năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh xu thế chuyển dịch xanh trong thương mại hai nước và kêu gọi phía Anh tăng cường hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ xanh cho Việt Nam, thông qua đó thúc đẩy thương mại các sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường, tận dụng hiệu quả hiệp định UKVFTA.
Đối với các kế hoạch tổ chức các chương trình chung kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi chi tiết về các kế hoạch được đặt ra cho năm 2023, bao gồm một chuỗi các sự kiện được phối hợp tổ chức giữa cơ quan của hai nước trong đó có Khóa họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh (JETCO 13) vào tháng 9/2023. Bộ trưởng hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ của hai bên, các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao sẽ thành công mỹ mãn, đánh dấu một mốc mới cho sự phát triển rực rỡ của mối quan hệ giữa hai nước.
Trao đổi về lĩnh vực năng lượng, ông Mark Garnier đánh giá cao việc Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên của ASEAN tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) với Vương quốc Anh, EU và các quốc gia trong nhóm G7 và cam kết sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng muốn triển khai thành công thì JETP cần có nội hàm rõ ràng hơn, lộ trình cụ thể hơn, và cần có cơ chế để hiện thực hoá các ý tưởng, cam kết bằng hành động, dự án cụ thể. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Vương quốc Anh xây dựng những gói tài trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả, trong đó hai bên cần tập trung vào 03 nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất, hỗ trợ tư vấn chính sách để Việt Nam có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp cho tương lai.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành năng lượng mới, công nghiệp mới. Trước mắt, hai bên có thể bắt đầu với việc lập Nhóm kỹ thuật để xây dựng nội dung, chương trình hợp tác đào tạo cụ thể, từ đó có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để triển khai các ý tưởng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới mà Vương quốc Anh có thể chuyển giao.
Thứ ba, hỗ trợ hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới, làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất các thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm cả các thiết bị điện gió như cánh quạt, tuabin, động cơ điện...; sản xuất nhiên liệu mới sạch hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng như hydrogen, amoniac xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lưới điện thông minh… Việt Nam cần những hỗ trợ thực chất để đảm bảo có thể tự chủ về các nguồn năng lượng mới, đưa giá thành năng lượng tái tạo về mức hợp lý, phù hợp với người dân, chứ không chỉ cần hỗ trợ vay vốn, mua thiết bị, mua công nghệ.
Ông Mark Garnier hoan nghênh các đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đồng thời khẳng định Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, chuyên môn, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Ông Mark Garnier đồng thời đề nghị trong thời gian tới hai nước cần xúc tiến việc triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển lĩnh vực này, thông qua đó phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Kết thúc cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngay sau cuộc họp, hai bên cần nhanh chóng xây dựng chương trình hợp tác cụ thể để trong thời gian sớm nhất triển khai hiệu quả các thỏa thuận đặt ra. Bộ trưởng cũng chúc Ngài Mark Garnier sẽ đạt được nhiều thành công trên cương vị Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Brunei
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 6,83 tỷ USD trong năm 2022, tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam giảm 9,2% xuống còn 771 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 20 tháng 12 năm 2022, Vương quốc Anh hiện có 507 dự án đầu tư FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đạt gần 4 tỷ 195 triệu USD, đứng thứ 15 trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Vương quốc Anh có tổng cộng 53 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,33 triệu USD.
Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 3 về xuất khẩu gỗ và đồ nội thất, đứng thứ 5 về xuất khẩu thủy, hải sản, cũng như các mặt hàng xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại di động và dệt may. Dư địa tăng trưởng thương mại giữa hai nước còn rất nhiều, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may mà UKVFTA đã đóng góp đáng kể với các cam kết về thuế quan, hạn ngạch thuế quan cũng như việc dỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường.