Đa dạng giải pháp hướng tới tăng trưởng xanh
Ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Với kế hoạch này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp. Để thực hiện Kế hoạch, các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh.
Chia sẻ tại Toạ đàm Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Đạt - Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, thời gian qua, Vinachem đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Tập đoàn ưu tiên phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất. Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn đã lồng ghép các nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các quy định.
Nhờ đó, các hoạt động kể trên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, về công tác truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhằm cụ thể hóa và triển khai kịp thời các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường theo Quyết định số 108/QĐ-HCVN ngày 16 tháng 05 năm 2022 thay thế Quy chế Bảo vệ môi trường theo Quyết định số 177/QĐ-HCVN ngày 14 tháng 06 năm 2019, đồng thời tổ chức phổ biến, tuyên truyền cập nhật các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Bên cạnh đó, tổ chức Hội nghị môi trường vào tháng 9 năm 2022 và tháng 8 năm 2023 toàn Tập đoàn để tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; tập trung vào các quy định mới, việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường.
Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường trồng cây xanh đảm bảo diện tích cây xanh tại các nhà máy sản xuất phải lớn hơn 15% diện tích mặt bằng nhà máy. Các đơn vị thành viên tích cực triển khai thực hiện và đạt được kết quả tốt.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, giám sát tại các cơ sở phát thải tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai các hoạt động nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững như: tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới; tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6, Tháng hành động vì môi trường; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch. Các đơn vị thành viên tổ chức các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và đạt được kết quả tốt.
“Nhằm triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon, hiện nay, các đơn vị thành viên có phát sinh lượng khí nhà kính lớn (Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân Đạm & Hóa chất Hà Bắc) đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 (dạng rắn, lỏng) phục vụ cho các ngành công nghiệp khác” - ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ.
Đối với hoạt động chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Tập đoàn đã triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời). Hiện nay đã triển khai dự án điện mặt trời tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang triển khai thực hiện dự án điện áp mái, các đơn vị thành viên vẫn đang tiếp tục khảo sát đánh giá khả năng đầu tư điện mặt trời trên mái, sẽ triển khai đầu tư khi khả thi và hiệu quả. Ngoài ra, một số đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (nhiên liệu xanh) từ phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp.
Về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên, Tập đoàn đã trao đổi, làm việc với các tổ chức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chế biến quặng apatit loại II có hàm lượng thấp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên; hàng năm triển khai xây dựng chỉ tiêu, tiêu hao, quản lý giám sát hiệu chỉnh cho năm kế tiếp để phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế, nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu, tài nguyên, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện định mức tiêu hao tại các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn.
Riêng về thực hiện giải pháp hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên báo cáo kết quả sử dụng năng lượng hàng năm và xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho năm tiếp theo quy định.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Dù đã đạt được một số thành quả, song ông Nguyễn Văn Đạt cũng cho biết thêm, hiện tại tại một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, với khó khăn về xử lý chất thải: khó khăn trong việc triển khai các mô hình tuần hoàn xử lý chất thải, như chưa có hướng xử lý hiệu quả chất thải thạch cao PG phát sinh từ các nhà máy sản xuất DAP; lượng tiêu thụ thạch cao PG còn nhỏ so với lượng phát thải; tổng lượng lưu trữ thạch cao PG tại các nhà máy hiện rất lớn và còn tăng cao. Đặc biệt bãi thải thạch cao PG của Công ty CP DAP số 2-Vinachem đã gần hết khả năng lưu trữ và có nguy cơ phải dừng máy.
Về khó khăn đối với vốn đầu tư, ngoài thực hiện các nhiệm vụ phát triển và xây dựng Tập đoàn trở thành Tập đoàn công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa, Tập đoàn còn phải triển khai đồng thời nhiệm vụ phối hợp thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 liên quan đến Tập đoàn với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Khi đó, Tập đoàn cần đầu tư thêm nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu; các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên sẽ gặp khó khăn về vốn khi chuyển đổi năng lượng phù hợp, chuyển dịch đầu tư công nghệ mới (tiềm ẩn gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển của Tập đoạn trong trung hạn và dài hạn).
Với những khó khăn đó, đại diện Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đề xuất, về xử lý chất thải, cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường; xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%, giảm thuế VAT đối với thạch cao PG sản xuất trong nước xuống 5%.
Bên cạnh đó, sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn xử lý thạch cao PG theo lộ trình được nêu tại các Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt để doanh nghiệp không phải ngừng sản xuất.
Đối với vốn đầu tư, cần bổ sung cơ chế, chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; khuyến khích đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển đổi năng lượng phù hợp với mục tiêu cam kết.