Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từ năm 2015 đến nay, chỉ có năm 2021, chỉ số chi phí thời gian và chỉ số chi phí không chính thức của Vĩnh Phúc xếp thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước; các năm còn lại đều nằm ngoài top 10, top 20, thậm chí có năm nằm top cuối bảng, như năm 2016 và 2018, chỉ số chi phí thời gian lần lượt xếp thứ 52 và 55; năm 2018 và 2020, chỉ số không chính thức xếp thứ 33 và 43.
Đặc biệt, năm 2022, PCI của Vĩnh Phúc nằm trong top 10 nhưng cả 2 chỉ số này đều giảm điểm, giảm thứ hạng và không đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, năm 2022, chỉ số chi phí thời gian của Vĩnh Phúc đạt 7.46 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành, giảm 1 điểm, giảm 25 bậc so với năm 2021; chỉ số không chính thức đạt 7.12 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành, giảm 0,93 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2021.
Nhìn thẳng vào nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng này, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng còn tình trạng thiếu trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa tốt, phát sinh tiêu cực... Vai trò của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong triển khai các giải pháp, phân công, kiểm tra, đôn đốc và xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; việc theo dõi kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ chưa thật sự có hiệu quả…
Để khắc phục những bất cập trên, cải thiện môi trường đầu tư, đưa cả chỉ số chi phí thời gian và chi phí không chính thức nằm trong top 15 năm 2023, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc - cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi 2 chỉ số này đã ban hành Văn bản số 913 đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chỉ thị số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đồng bộ thực hiện chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với thực hiện cải cách hành chính; minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của Nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cũng đề nghị Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thanh tra tỉnh, các Ban quản lý dự án tỉnh, Công an tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ tiêu đánh giá liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; định kỳ báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ nâng cao chỉ số chi phí thời gian và chỉ số chi phí chính thức năm 2023.