Thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn công tác. Báo cáo của tỉnh đã nêu khá đầy đủ, toàn diện tình hình thực tế của tỉnh thời gian qua; nhận diện được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất tương đối cụ thể, toàn diện.
Theo đó, dù trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc kịp thời của các sở, ban, ngành và nhất là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 của Vĩnh Phúc nhìn chung vẫn duy trì ổn định.
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường (641 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường (505 doanh nghiệp); sức mua thị trường nội địa tăng cao (tăng 30,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 1,75% (cả nước giảm 11,8%); khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 15,2% kế hoạch vốn đã giao (cao hơn bình quân chung cả nước là 10,35%); thu ngân sách đạt khá (33,9% dự toán); tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đầu tư FDI tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, với độ mở của nền kinh tế cao (gấp 2 lần cả nước) nên Vĩnh Phúc đã chịu ảnh hưởng mạnh khi nhu cầu thị trường thế giới bị suy giảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý I/2023 giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,32%), đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trong cả nước; trong đó khu vực có thế mạnh của tỉnh là công nghiệp giảm tới 8% (xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 50/63 cả nước); lạm phát ở mức khá cao (5,06%); huy động vốn giảm 4,49% và dư nợ tín dụng tăng thấp (2,77%) so với cuối năm 2022.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này có cả khách quan và chủ quan.
Trong đó, về khách quan, tác động tình hình kinh tế - chính trị thế giới phục hồi chậm và có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp hơn dự báo. Tổng cầu suy giảm; cạnh tranh với các nước xuất khẩu (sau mở cửa), nhất là việc Trung Quốc mở cửa trở lại khiến hàng hóa của nước ta phải cạnh tranh quyết liệt hơn ở các thị trường trọng điểm.
Về chủ quan, Bộ trưởng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận việc chậm công bố quy hoạch (các quy hoạch ngành Quốc gia và địa phương) dẫn đến khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch. Tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định và thị trường bất động sản trầm lắng.
Mặt khác, công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển nhưng vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và chưa đảm bảo phát triển bền vững do các ngành công nghiệp hỗ trợ và hệ thống cung cấp dịch vụ còn hạn chế. Tâm lý e ngại trong thực thi nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm tăng trưởng, phát triển; việc làm, thu nhập của người lao động hạn chế làm sức mua thấp…
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, từng bước phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền vận động sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2023, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tập trung rà soát rà soát, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ thực chất, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từng dự án đầu tư trên địa bàn (gồm cả dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp), nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư và gia tăng năng lực sản xuất mới.
Hai là, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch Tỉnh, trên cơ sở tích hợp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng đề ra trong Nghị quyết 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch Vùng, các Quy hoạch ngành quốc gia và các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương, để tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn trong tương lai.
Cùng với việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư (hoặc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội) trong thời gian tới.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giám sát và điều hành của chính quyền các cấp, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở tất cả các thủ tục, hướng đến phát triển chính quyền số nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp và người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh.
Tập trung chấn chỉnh thái độ làm việc, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tham mưu chính sách, xử lý công việc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280 ngày 19/4/2023; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành ở mỗi cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường hậu kiểm.
Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò sức mạnh quần chúng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giải quyết việc khó, việc lớn ở địa phương.
Bốn là, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực và dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan (như vật liệu, cơ khí, chế tạo, thương mại, dịch vụ) và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dẫn dắt đầu tư…
Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động tốt nhất các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn nhằm sớm huy động các nguồn lực vào ngân sách địa phương.
Năm là, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong thực hiện các thủ tục hành chính (có liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước). Chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và triển khai các dự án đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiếp cận, khai thác các thị trường (cả trong nước và nước ngoài) để phát huy hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP…) thông qua việc: (i) Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi; (ii) Chỉ đạo tổ chức sản xuất theo Đề án xuất khẩu chính ngạch; (iii) Hỗ trợ thông tin thị trường… để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng XK.
Sáu là, tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, logicstics; hạ tầng thương mại, dịch vụ (cả truyền thống và hiện đại) gắn với đô thị hóa và hoạt động du lịch. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là quan tâm phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử nhằm khai thác có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực mới cho sản xuất và đầu tư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng, nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, tăng tỷ trọng giá trị nội địa và nâng cao tính độc lập, tự chủ trong sản xuất công nghiệp địa phương.
Phát huy thế mạnh của trung tâm công nghiệp quốc gia để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp; trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực, các công đoạn của các ngành công nghiệp nền tảng có giá trị gia tăng cao, có khả năng hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ, có kỹ năng và kỷ luật, phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, tận dụng được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả, kết hợp với đẩy mạnh các biện pháp truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã trao đổi và phản hồi lại. Đối với các kiến nghị ngoài thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ nhằm hỗ trợ địa phương tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.