Vitas tổ chức chuỗi sự kiện hoạt động tại tỉnh Nam Định với chủ đề Xanh hóa ngành Dệt May

Hiệp hội Dệt May Việt Nam vừa tổ chức chuỗi sự kiện hoạt động tại tỉnh Nam Định với chủ đề Xanh hóa ngành Dệt May, nhằm mục đích tuyên truyền, vận động và khuyến khích các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.

Ngày 18/3/2021, tại tỉnh Nam Định, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) trực tiếp chủ trì đoàn công tác của Hiệp hội, thực hiện Lễ dâng hương Tổ nghề tại Nhà truyền thống, hướng tới kỷ niệm Ngày Truyền thống Ngành Dệt May Việt Nam 25/3 tới. Đồng thời trong ngày đoàn cũng tới thăm quan mô hình sản xuất của một số đợn vị DN hội viên là Công ty Cổ phần May Sông Hồng, và Công ty Cổ phần Nam Tiến.

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang ghi lưu bút sau Lễ dâng hương

Khu nhà Truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) có diện tích khoảng 900m2, tòa nhà chính 2 tầng dành cho khu trưng bày nội thất, phần ngoại thất được thiết kế kết hợp sân vườn, cây xanh, thảm cỏ, và trưng bày ngoài trời, các dịch vụ phụ trợ khác. Tính đến thời điểm hiện tại Nhà truyền thống ngành (DMVN) đang lưu giữ khoảng gần 100 hiện vật khối, 62 hiện vật giấy, 70 hiện vật vải, gần 2.000 phim ảnh đã tái hiện lại lịch sử hào hùng của ngành Dệt may Việt Nam hơn 100 năm qua.

Ngành Dệt May hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cay xanh

Tại đây, ông Vũ Đức giang cùng đoàn công tác đã thực hiện Lễ dâng hương và tiến hành trồng cây xanh, chính thức phát động phong trào toàn ngành Dệt May Việt Nam thực hiện nghiêm túc hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát động tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” nhằm bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết, trong giai đoạn mới từ 2020-2030, Ngành DMVN không chỉ kế thừa giá trị văn hóa cốt lõi của Ngành trong hơn một thế kỷ qua, mà còn cần xây dựng, nâng cấp văn hóa đó lên tầm cao mới. Những giá trị mới mà Ngành cần tiếp tục xây dựng, đó là sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ hơn nữa,  đổi mới sáng tạo hàng ngày, đáp ứng yêu cầu và vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0 phát triển và thay đổi từng ngày, từng giờ như hiện nay.

Khuôn viên xanh tại Công ty Cổ phần Nam Tiến đảm bảo đủ nguồn rau sạch phục vụ bếp ăn tập thể cho CN- LĐ toàn công ty.

Cũng trong ngày, đoàn công tác của Vitas đã đến dự  và tặng hoa chúc mừng Công Ty Cổ phần May Sông Hồng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu Sản xuất May Xuất khẩu (Sông Hồng 10) tại xã Nghĩa phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Được biết quy mô dự án có tổng kinh phí đầu tư 600 tỷ đồng/ diện tích 75.000 m2, sau 8 tháng khởi công xây dựng, Dự án sẽ đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm cho khoảng 3.000 lao động, đạt mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng, đẩy doanh thu của toàn bộ May Sông Hông tăng thêm 5.500 tỷ đồng.

Ông Vũ Đức Giang (Bên phải) đánh giá cao chiến lược đầu tư đúng đắn của May Sông Hồng và khuyến nghị các DN cần học hỏi kinh nghiệm phát triển từ đơn vị điển hình này

Đánh giá việc quyết định đầu tư mở rộng sản xuất  của May Sông Hồng tại thời điểm hiện tại, ông Vũ Đức Giang cho biết: Trong hai tháng đầu năm 2021, ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ 2020. Mục tiêu năm nay ngành dệt may VN xk 39-40 tỷ USD.

Nam Định là cái nôi của ngành dệt may VN. Nền tảng của ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển. Dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thì cái ăn, cái mặc và nhu cầu tiêu dùng về hàng may mặc không thể thiếu được. Điều này là nền tảng cho ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam nói chung và May Sông Hồng nói riêng phát triển.

Ông Giang cũng nhấn mạnh, các DN trong ngành cần tham khảo bài học kinh nghiệm phát triển của May Sông Hồng trong việc hoạch định tầm nhìn chiến lược trong vệc xác định phát triển sản phẩm thế mạnh là chăn ga gối đệm ở cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó May Sông Hồng  là đơn vị đi đầu trong đổi mới công nghệ, tự động hoá và gắn với thích ứng môi trường Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam. Ở đó họ tạo ra môi trường phát triển bền vững biết gắn lợi ích hài hòa giữa các cổ đông và lợi ích của người lao động được đảm bảo để DN luôn được phát triển ổn định và bền vững.

Chia sẻ thông tin về tình hình phát triển của May Sông Hồng, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty may Sông Hồng cũng cho biết,  nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, đáp ứng khoảng 55% tổng lượng điện tiêu thụ trong sản xuất. Toàn bộ buồng làm mát, sấy khô sẽ được hợp làm một; xử lý nước thải tái sử dụng. Trong 2 năm tới, DN sẽ hoàn thiện toàn bộ mô hình số hóa quản trị, các hoạt động sản xuất và kinh doanh của đơn vị. Hiện May Sông Hồng đang tạo việc làm cho hơn 11 nghìn công nhân, đóng góp ngân sách khoảng 130 tỷ đồng trong năm 2020.

Tại Công ty Cổ phần Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, Hiệp hội Dệt May cũng đã tới thăm và khảo sát tình hình sản xuất các sản phẩm dệt may của Công ty trong những tháng đầu năm 2021.

Sản phẩm dệt may xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nam Tiến

Tuy là một DN vừa và nhỏ, với khoảng 1.500 công nhân chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu là quần kaki, jacket và sơmi, nhưng lãnh đạo nhà máy là những những người năng động, nắm bắt tốt xu thế phát triển của thị trường. Riêng ở thị trường nội địa, Công ty đã tập chung phát triển chuỗi các sản phẩm may mặc cho trẻ em cung cấp cho khoảng 50 đại lý, siêu thị lớn trên toàn quốc và đang được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao

Ông Phạm Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay chiến lược phát triển của công ty đưa ra là ngày càng nâng cao giá trị gia tăng 1 sản phẩm bằng cách bán cả dịch vụ như thiết kế, logistics. Hiện Công ty đang phối hợp mở văn phòng tại Mỹ để thuận lợi cho việc bán hàng, logistics được thông suốt.

Qua khảo sát thực tế tình hình sản xuất của một số DN, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo, định hướng phát triển cho ngành DMVN cần hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới, giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển.

Đoàn Công tác của Hiệp hội Dệt may Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại
Khu Nhà truyền thống Ngành

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cũng cho rằng, ngành Dệt May cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các DN may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị toàn cầu.

Để làm được điều đó, Vitas mong muốn Chính phủ cùng với Bộ Công Thương và bộ ngành liên quan  cần sớm quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Các địa phương liền kề, phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh. Nhà nước và DN cùng đầu tư mạnh mẽ hơn cho việc phát triển khoa học công nghệ

 

Thu Hoài