Vocarimex - Công ty hàng đầu trong ngành Dầu thực vật Việt Nam

Năm 2008 có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thế nhưng, bằng sự đoàn kết hiệp lực của Ban lãnh đạo và sự nỗ lực không ngừng của cán bộ công n

     Từ một công ty hoạt động bao cấp, với nhiều khó khăn khi tiếp quản 4 nhà máy sản xuất dầu thực vật ở miền Nam, tổng công suất tinh luyện chỉ đạt khoảng 18.000 tấn/năm, đến giai đoạn năm 1993 -2002, Công ty bắt đầu tập trung đầu tư cải tiến hệ thống máy ly tâm, thiết bị lò hơi, máy thổi chai PVC tại Nhà máy Dầu Tân Bình; máy thổi chai PET tại Nhà máy Dầu Tường An; lắp đặt hệ thống dây chuyền đóng chai tự động, bán tự động tại Nhà máy Dầu Tường An và Dầu Tân Bình... mua lại Nhà máy Dầu thực vật Vinh (Nghệ An)... đưa công suất tinh luyện dầu toàn Công ty từ 98.000 tấn năm 1997 lên 220.000 tấn năm 2002. Thị phần tiêu thụ trong nước của Công ty đã chiếm trên 90%. Đồng thời, Công ty góp vốn liên doanh với nước ngoài thành lập Công ty Dầu thực vật Cái Lân; Công ty Liên doanh Mỹ phẩm LG VINA.
    Để bắt kịp xu thế hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh của Công ty tại thị trường trong và ngoài nước, giai đoạn 2003- 2008, Vocarimex thành lập mới Nhà máy Dầu Phú My, công suất tinh luyện 600 tấn/ngày; đầu tư mới dây chuyền tách phân đoạn dầu cọ công suất 400 tấn/ngày cho Công ty CP Dầu thực vật Tường An; đầu tư mới Nhà máy Dầu thực vật Vocar công suất 100 tấn/ ngày. Đồng thời góp vốn liên doanh đầu tư mới Nhà máy Dầu Hiệp Phước công suất 600 tấn/ngày của Công ty Dầu Thực vật Cái Lân (Calofic); góp vốn liên doanh đầu tư mới thiết bị tinh luyện công suất 300 tấn/ngày tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè; góp vốn đầu tư Nhà máy sản xuất Bao bì của Công ty CP Bao bì Dầu thực vật (VM Pack); đầu tư cải tạo nâng cấp, mở rộng cảng Dầu thực vật Nhà Bè để tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 DWT, đầu tư thêm 2 dây chuyền chiết rót chai tại Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình và công ty mẹ, đồng thời góp vốn thành lập mới hai công ty con gồm: Công ty CP Trích ly dầu thực vật (VOE); Công ty CP Thương mại Dầu thực vật (VOT)... Chủ trương đầu tư này đã góp phần tăng năng lực sản xuất dầu tinh luyện lên 800.000 tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, Công ty còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải ngày càng được đầu tư hoàn thiện để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Với mức tiêu thụ dầu ăn trong nước của toàn Công ty Vocarimex trên 600.000 tấn/năm và khả năng xuất khẩu như hiện nay thì nguồn nguyên liệu trong nước không đủ cung cấp. Vì vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, Vocarimex đã tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu Dầu thực vật và huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng thâm canh cây mè V6 trên diện tích 2 ha và vận động nông dân trồng hàng chục ha. Công ty cũng là đầu mối bán cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá nhập khẩu cho nông dân các huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), huyện Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạnh Hóa (Long An). Kết quả, đạt được năng suất thu hoạch 1,4 tấn/ha, cao hơn so với giống mè địa phương. Điều này đã làm cho nông dân phấn khởi và tin tưởng để phát triển diện tích đại trà trong những năm tiếp theo. Vụ Đông Xuân 2007 - 2008, tại Mộc Hóa đã triển khai trồng từ 500 ha – đến 1.000 ha mè V6. Cùng với việc tập trung sản xuất, đẩy mạnh các sản phẩm dầu ăn chất lượng cao, Vocarimex còn duy trì tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GMP-HACCP tại các nhà máy mới đầu tư, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, các sản phẩm dầu ăn của hệ thống Vocarimex đều đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và “Top ten hàng Việt Nam được yêu thích nhất”. Bên cạnh đó, Vocarimex còn có các chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Chính sách bán hàng hợp lý, giữ vững thị trường xuất khẩu dầu mè truyền thống như thị trường Nhật Bản (duy trì gần 20 năm qua), tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường có sẵn như Campuchia, Mông Cổ và phát triển các thị trường mới như Trung Quốc, châu Phi. Đối với thị trường nội địa, Công ty tiếp tục đẩy mạnh chiến lược quảng bá thương hiệu, các chương trình khuyến mãi, phát triển mạng lưới phân phối, đa dạng hóa sản phẩm để duy trì và phát triển thị phần.
Với chiến lược đầu tư – sản xuất – kinh doanh linh hoạt, mềm dẻo, Vocarimex không những vượt qua được khó khăn mà còn đạt được mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 đạt 5.650 tỷ đồng; tăng 2,1 lần so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn Ngành đạt 17%/năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu năm 2008 đạt 38,3 triệu USD, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2002. Tổng doanh thu năm 2008 đạt 12.490 tỷ đồng; tăng 4,3 lần so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn Ngành đạt 31,2%/năm. Đây có thể nói là mức tăng trưởng khá cao của Công ty trong thời gian qua.
    Bên cạnh thành công trong sản xuất kinh doanh, Vocarimex cũng đã sắp xếp, bố trí lại cơ cấu tổ chức hoạt động của Công ty phù hợp với mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Hiện Vocarimex có các công ty con là Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình; các Công ty liên doanh – liên kết là Côngg ty Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope – Nhà Bè, Công ty Liên doanh Mỹ phẩm LG-VINA, Công ty CP Bao bì Dầu thực vật. Đến nay, Vocarixex có đến 4 công ty con cổ phần (Nhà nước giữ cp chi phối 51%) gồm: Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình, Công ty CP Trích ly Dầu thực vật, Công ty CP Thương mại Dầu thực vật. Ngoài ra, Vocarimex còn có 4 công ty liên kết gồm: Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Mỹ phẩm LG VINA và Công ty CP Bao bì Dầu thực vật.
    Riêng Công ty CP Dầu thực vật Tường An và Công ty CP Bao bì dầu thực vật đã tham gia thị trường chứng khoán. Ông Đỗ Ngọc Khải – Tổng giám đốc Vocarimex bày tỏ những dự định của Công ty trong 2009: “Vocarimex phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu như tổng doanh thu đạt 14.563 tỷ đồng; tăng 16,6% so với năm 2008. Sản lượng dầu thực vật đạt 658.000 tấn, tăng 17,5% so với năm 2008, xứng đáng với danh hiệu là công ty dẫn đầu trong ngành Dầu thực vật Việt Nam”.

  • Tags: