Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Dự thảo cũng nêu rõ: Không sử dụng ODA và vay ưu đãi nước ngoài để nộp các loại thuế cho NSNN; không sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài để nhập vật tư thiết bị thay thế cho các chương trình dự án; không sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài để trả lãi khoản vay hoặc lãi nhập gốc.
Nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Theo dự thảo, mức vốn tạm ứng hợp đồng, việc thu hồi tạm ứng, tỷ lệ giữ lại chờ bảo hành thực hiện theo quy định tại hợp đồng giữa chủ dự án và nhà thầu phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng (chủ dự án được quyền thỏa thuận với nhà thầu bảo lãnh tạm ứng đối với hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng không quá 1 tỷ đồng). Chủ dự án có trách nhiệm quản lý và thu hồi vốn đã tạm ứng cho nhà thầu; trường hợp không thu hồi được thì chủ dự án có trách nhiệm tự bố trí nguồn hoàn trả nhà tài trợ.
Cơ quan kiểm soát chi chấp nhận hồ sơ Chứng chỉ thanh toán tạm thời ký giữa chủ dự án và nhà thầu theo quy định hợp đồng thay thế cho Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán và Bảng xác định giá trị khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng đề nghị thanh toán.
Đối với mỗi lần đề nghị xác nhận số tiền bảo hành công trình để chuyển nhà thầu, chủ dự án lập biểu theo dõi tiến độ chuyển tiền bảo hành và lũy kế số tiền đã chuyển, gửi cơ quan kiểm soát chi để đối chiếu và xác nhận số tiền bảo hành theo quy định hợp đồng để chủ dự án chuyển trả nhà thầu.
Đối với việc phân bổ chi phí các hoạt động chung cho các dự án thành phần hoặc tiểu dự án, thực hiện theo Thông tư 72/2017/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng đối với các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN.