Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy; Trung tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an; cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành; lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Kết quả sản xuất kinh doanh kỷ lục
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, khó dự báo, đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói riêng.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc Tập đoàn đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo toàn Tập đoàn trong việc dự báo tình hình, xây dựng và triển khai các phương án xử lý nhanh nhạy, bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương và các Bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục khó khăn.
Nhờ vậy, năm 2022 Tập đoàn đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng, nhiều chỉ tiêu đạt kỷ lục trong hơn 52 năm xây dựng, phát triển Tập đoàn.
Cụ thể, doanh thu cộng hợp ước đạt 62.262 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 6.023 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với thực hiện của năm 2021. Trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lãi 2.631 tỷ đồng, giảm lỗ 2.808 tỷ đồng; các đơn vị không thuộc Đề án 1468 lãi 3.392 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Nộp ngân sách ước đạt 2.052 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 500 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ.
Tiền lương bình quân của người lao động tăng gần 8% so với cùng kỳ, đạt 13.560.000 đồng/người/tháng.
Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò là một doanh nghiệp nhà nước trong việc điều tiết, đảm bảo cung ứng các sản phẩm thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất nông nghiệp; oxy, chất khử trùng,… trong phòng chống dịch Covid-19; và các sản phẩm thiết yếu khác để phục vụ cho tiêu dùng.
Theo ông Phùng Quang Hiệp, một trong những nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn đặt ra là tập trung khẩn trương, gấp rút hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên để thống nhất với các cơ quan liên quan và báo cáo phương án xử lý đối với 3 dự án thuộc Đề án 1468 bao gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2. Phương án này đã được Bộ Chính trị họp và thông qua vào ngày 22/12/2022, đã có thông báo chính thức vào ngày 29/12/2022.
“Mặc dù năm 2022 có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn Tập đoàn đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực cùng phấn đấu, cố gắng ở mức cao nhất. Hầu hết các chỉ tiêu đều tăng mạnh so với cùng kỳ và so với kế hoạch”, ông Phùng Quang Hiệp khẳng định.
Tiếp tục phát huy trong năm bản lề 2023
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phân tích thêm, kết quả năm 2022 của Tập đoàn có những thuận lợi nhất định khi nền kinh tế bước đầu phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng cũng có nhiều khó khăn khi lạm phát xảy ra khắp thế giới, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp khiến giá năng lượng tăng cao.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo kịp thời, xuyên suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành Trung ương; cùng sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị thành viên, sự đồng lòng hết mình, chung tay của gần 20.000 người lao động, Tập đoàn đã đạt được những kết quả ấn tượng, vượt kế hoạch và có một số cột mốc đáng ghi nhận.
Đặc biệt, 100% các đơn vị thuộc Tập đoàn đều sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2022. Đây là điều vô cùng đáng mừng, và cũng sau một thời gian dài Tập đoàn đạt được thành tựu đáng ghi nhận này.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, năm 2023, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức: môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, có thể đối mặt với suy thoái, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát, lãi suất, thanh khoản, tỷ giá hối đoái ngày càng hiện hữu, giá năng lượng có xu hướng tăng rõ rệt, nhu cầu của các thị trường truyền thống có dấu hiệu suy yếu.
Nhận diện được những khó khăn, thách thức này, với những bài học kinh nghiệm có được từ giai đoạn khó khăn, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị tập thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động của Tập đoàn và các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và nâng cao sự chủ động, sáng tạo; tăng cường khả năng dự báo, xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, dự trữ nguyên vật liệu linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về con người, cơ sở vật chất để tranh thủ các cơ hội dù là nhỏ nhất, để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất trong năm 2023, tạo tiền đề để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trong đó, điều cốt lõi là phải đảm bảo giữ được khối đoàn kết và nguồn lực của hơn 19.000 người lao động của Tập đoàn; đồng thời, tranh thủ được sức mạnh của các đơn vị bạn, như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Đường sắt,…
Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho biết, năm 2022, mặc dù Công ty gặp rất nhiều khó khăn tác động, nhưng nhu cầu tiêu thụ quặng và giá bán tăng, là yếu tố thuận lợi để Công ty ổn định sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Sản lượng quặng Apatit sản xuất đạt 1.518.370 tấn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.630 tỷ đồng. Doanh thu thuần của Apatit Việt Nam đạt 3.868 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.021 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra.
Bước sang năm 2023, ngay từ đầu năm Công ty đã tập trung phân công và chỉ đạo quyết liệt, để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm huy động các khai trường được cấp phép vào sản xuất, nghiên cứu cải tiến công nghệ và thuốc tuyển để duy trì được hiệu quả tuyển, triển khai đầu tư xây dựng thêm để duy trì sản xuất ổn định. Đặc biệt, Công ty xác định rõ nhiệm vụ trong tâm trong năm 2023 khi Quy hoạch khoáng sản cả nước được phê duyệt, sẽ tập trung triển khai xin cấp phép thăm dò cụm KT20-22 và 23, thăm dò nâng cấp trữ lượng quặng 3 tại các khai trường đã được cấp phép để bổ sung thêm nguồn nguyên liệu cung cấp cho các Nhà máy tuyển.
Trong khi đó, ông Văn Đình Hoan - Tổng giám đốc Công ty CP Hoá chất Việt Trì cho biết, Công ty xác định đổi mới công nghệ hiện đại là giải pháp trọng tâm để nâng cao quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh, bởi công nghệ sản xuất tiên tiến quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giảm tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường,… Và để làm chủ công nghệ đó, đội ngũ nhân lực từ người công nhân vận hành đến cán bộ kỹ thuật, bộ máy lãnh đạo cũng thường xuyên được đào tạo, rèn luyện.
Mặt khác, việc nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất bột PAC để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cũng là một hoạt động thành công của Công ty trong năm 2022.
Nhờ sự linh hoạt trong điều chỉnh mục tiêu và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, năm 2022, Hóa chất Việt Trì đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 68%, doanh thu tăng 66% so với năm 2021; thu nhập người lao động trên 15 triệu đồng/người/tháng.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng năm 2022 là một năm thành công của Tập đoàn, thể hiện ở những cón số kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng và đặc biệt là sự cải thiện trong hoạt động của hai dự án thuộc Đề án 1468.
Thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Tập đoàn là hoàn thành đề án tái cơ cấu Tập đoàn và thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc để hai dự án thuộc Đề án 1468 sớm thoát lỗ, hoạt động có hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Tập đoàn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong năm 2023:
Thứ nhất, tăng cường công tác dự báo, nắm bắt chặt chẽ diễn biến của thị trường để chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung nguồn lực, giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả các giải pháp về quản trị, mua vật tư nguyên liệu sản xuất, bán hàng, chi phí tài chính; hạn chế ảnh hưởng khi có biến động lớn về giá cả vật tư đầu tư đầu vào, lãi suất, tỷ giá; tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, sớm đưa tài sản vào khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đối với dự án muối mỏ kali Lào, cần tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, giảm thiểu tổn thất ở mức thấp nhất, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý theo hướng tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để tái cơ cấu dự án này.
Thứ tư, đối với 3 dự án thuộc Đề án 1468, cần bám sát thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là kết luận của Bộ Chính trị, từ đó chủ động giải quyết các công việc theo thẩm quyền để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cố gắng đạt mục tiêu sớm nhất. Đặc biệt, cần phải xử xử lý dứt điểm vướng mắc trong hợp đồng thầu EPC và nhanh chóng quyết toán được dự án.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các Vụ chức năng của Ủy ban để hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và trình cấp cho thẩm quyền phê duyệt. Khẩn trương xây dựng đề án chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Thực hiện triển khai ngay các nội dung đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để kiến nghị xem xét sửa đổi luật thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải gyps làm nguyên liệu sản xuất và liệu xây dựng, đầu tư bãi thải gyps tại nhà máy DAP số 2.
“Tin tưởng rằng, với bề dày lịch sử, với kinh nghiệm của Tập đoàn trong lĩnh vực hóa chất thì tập thể lãnh đạo và cán bộ, người lao động Tập đoàn sẽ tiếp tục tích cực phát huy hơn nữa vai trò, ưu điểm truyền thống của Tập đoàn và đoàn kết, nhất trí cao để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mục tiêu trong năm 2023”, ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ.
Tại Hội nghị, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và ông Nguyễn Phú Cường cũng vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Huy Thông - Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã phát động thi đua năm 2023 trong toàn Tập đoàn, kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong toàn Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách để thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của đơn vị và của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam năm 2023.
Kết luận Hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận định, năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng. Trước dự báo tình hình địa chính trị thế giới có thể diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn.
Do đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn đề nghị các Ban chuyên môn của Tập đoàn Chủ động xây dựng và triển khai phương án chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản trị sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiếp cận thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình, tăng cường năng lực phân tích dự báo thị trường để chỉ đạo, điều hành các đơn vị tranh thủ các điều kiện thuận lợi, kịp thời vận hành sản xuất kinh doanh linh hoạt, khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có; tổ chức cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo chính sách bán hàng linh hoạt.
Đồng thời, tiếp tục bám sát cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ để triển khai thực hiện kế hoạch 05 năm và chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới. Quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu và hỗ trợ các đơn vị Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 để chủ động, tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu đã được Bộ Chính trị thông qua.
Hợp tác chặt chẽ với các Tập đoàn, Tổng công ty trong Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và trong Đảng ủy Khối Trung ương. Tăng cường hoạt động giám sát của Tập đoàn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị gặp khó khăn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Đối với nhóm sản phẩm phân bón, Tổng Giám đốc Tập đoàn đề nghị các đơn vị thành viên tập trung rà soát, quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp với xu thế thị trường; đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm có tính đặc thù, chuyên biệt;...; nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, phối hợp tốt trong tất cả các khâu (nghiên cứu phát triển, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp...) đặc biệt công tác thị trường.
Các đơn vị sản xuất DAP, urê và các đơn vị sản xuất NPK tăng cường phối hợp mua bán sản phẩm, dịch vụ của nhau, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và hiệu quả chung của Tập đoàn; Quản lý tốt máy móc thiết bị, sửa chữa bảo dưỡng, định mức tiêu hao... nhằm ổn định sản xuất, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Riêng với Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2, cần tập trung công tác quản trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động duy trì sản xuất liên tục để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu. Tiếp tục tập trung xử lý các vướng mắc để hoàn thành xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, làm cơ sở quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán dự án hoàn thành.
Đối với sản phẩm apatit, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các sở ban ngành liên quan để tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng các khai trường, bãi thải, hồ thải. Tập trung triển khai thực hiện xây dựng bãi thải số 3 của nhà máy tuyển Tằng Loỏng, đảm bảo đưa vào hoạt động ngay trong Quý I/2023.
Đối với các nhóm sản phẩm cao su, điện hóa, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp, Tổng Giám đốc Phùng Quang Hiệp cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình có những quyết sách hợp lý tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ, bám sát thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới, thị trường xuất khẩu, phát huy hết năng lực máy móc thiết bị đã và đang đầu tư, quan tâm phát triển sản phẩm mới để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể và không thấp hơn kế hoạch Tập đoàn giao.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: