“Khi tôi ra đời, bố tôi đã về thế giới bên kia và mẹ tôi mới tròn 20 tuổi. Hình ảnh của bố trong tâm trí tôi chỉ là những tấm ảnh đen trắng hoen ố, là ký ức chắp vá từ những câu chuyện qua lời kể của mẹ” – Chị bắt đầu câu chuyện với tôi. “Tuổi xuân phơi phới, nhưng bỏ qua mọi ham muốn đời thường, mẹ một mình nuôi tôi khôn lớn mà quyết không đi bước nữa. Mẹ đã cho tôi tất cả những gì mẹ có, chăm chút tôi bằng tất cả tấm lòng của tình mẫu tử, để tôi lớn lên bằng bạn, bằng bè.
Tôi biết ơn mẹ vì điều đó”. Thế rồi chị lớn lên, theo học nghề quản lý thư viện và ra trường được nhận vào làm tại Nhà máy Diesel tỉnh Bắc Thái (nay là Công ty TNHHMTV Diesel Sông Công, TP Thái Nguyên).
Con gái lớn phải lấy chồng. Ngày chị lên xe hoa cùng chàng công nhân hiền lành chất phác là bộ đội phục viên làm cùng Nhà máy, mẹ chị đã rớt nước mắt mừng cho con gái đã yên bề gia thất, mừng cho mình đã hoàn thành nhiệm vụ với người chồng quá cố. Nhưng không ai ngờ, cuộc đời chị bắt đầu sóng gió từ ngày ấy, số phận đã buộc chị phải như vậy.
“Năm 1985, tôi sinh cháu đầu lòng, một bé trai kháu khỉnh, cả nhà tôi mừng lắm. Nhưng rồi càng lớn, cháu càng có biểu hiện của một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Vợ chồng tôi đã đưa cháu chạy chữa khắp nơi, không tiếc công sức, tiền bạc, nhưng cuối cùng các bác sĩ đều lắc đầu vì bệnh của cháu có nguyên nhân tiềm ẩn từ di chứng chất độc da cam do bố cháu truyền sang. Anh đã bị nhiễm chất độc quái ác này thời kỳ trong quân ngũ. Đã bao ngày tôi ôm con khóc ròng trong tuyệt vọng. Nhưng rồi, những người thân yêu của tôi đã động viên tôi rất nhiều để tôi có thêm nghị lực, nuốt nước mắt vào trong mà sống”.
Cuộc sống của hai vợ chồng công nhân thời kỳ bao cấp đã khó khăn, thêm việc chạy chữa cho con vô cùng tốn kém nên nhà chị lúc nào cũng túng bấn. Anh là một thương binh hạng 4/4, chân teo, vai đau, lại thêm bệnh sốt rét mãn tính đeo bám hành hạ, nhất là những ngày thời tiết thay đổi. Công việc thì lúc có lúc không, đã có lúc chị xin nghỉ không lương để ở nhà buôn bán lặt vặt lấy tiền nuôi chồng, con nhỏ và mẹ già. Năm 1987, chị sinh cháu trai thứ hai. Lần này, số phận đã mỉm cười với chị khi cháu phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Thêm một miệng ăn, thêm bao nhiêu khó khăn. Chị lao vào công việc không biết mệt mỏi. Mua thóc, xay gạo đem bán, cám nuôi lợn gà. Một ngày của chị bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc lúc 12h khuya. Đã có lúc chị gầy đến nỗi chỉ còn 38kg, khô đét như cành cây mùa đông.
“Mãi sau này, khi tìm hiểu được mô hình làm bột sắn dây, bóc lạc khá phù hợp với điều kiện gia đình nhỏ, tôi vay mượn bạn bè, đồng nghiệp và vay thêm từ quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo mua sắm thiết bị dụng cụ. Đây quả là một mô hình lý tưởng với gia đình tôi, mẹ già, chồng yếu, con dại đều có thể giúp tôi những việc lặt vặt, cả nhà đều được lao động, cảm thấy mình sống có ích, cuộc sống trở nên dễ chịu hơn nhiều. Trung bình mỗi năm gia đình tôi bóc được ít nhất 4-5 tấn lạc củ, đến mùa sắn thì làm từ 3-4 tạ bột. Sau vài năm, chúng tôi đã trả hết nợ và có thêm chút vốn. Từ chỗ ở nhà tập thể, đến nay, chúng tôi đã có nhà riêng khang trang, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đảm bảo được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, gia đình hòa thuận, yên ấm”.
Bằng sự nỗ lực hết mình và sự giúp đỡ tạo điều kiện của bà con khối phố, bạn bè đồng nghiệp, gia đình chị đã trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi ở Thái Nguyên. Cậu con trai thứ hai – niềm hy vọng của vợ chồng chị liên tục là học sinh giỏi và đã thi đỗ trường Đại học Thương mại với số điểm cao (28,5 điểm). Bây giờ vợ chồng chị lại dồn hết tâm sức để trang trải việc học tập cho cậu con trai học tại Hà Nội, với mong muốn sau này con thành đạt hơn mình, cuộc sống sung sướng hơn mình và có đủ sức lo cho anh trai khi bố mẹ đã già.
“Những khi nhận được các phần thưởng của Công ty, Tổng công ty, của ngành, của Bộ, tôi rất vui nhưng cũng không khỏi chạnh lòng. Với người khác, về già được nhờ con, nhưng với vợ chồng tôi thì xác định, phải nuôi cháu lớn cho đến bao giờ mình nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn luôn sống vui vẻ, để cuộc sống thật sự có ý nghĩa với mọi thành viên trong gia đình, để số phận không thể bắt mình gục ngã”.
Trên mảnh đất hình chữ S này, những người mẹ bất hạnh như chị Kiểm không phải là ít. Ai trong chúng ta chả ít nhất một lần nhìn thấy hình ảnh những người mẹ gầy gò hàng ngày kiên nhẫn chăm sóc từng ly từng tí cho những đứa trẻ to khỏe nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ. Cuộc sống như một dòng sông vẫn chảy miệt mài không ngừng. Và chị cũng đang hòa vào dòng chảy ấy, biết mỉm cười với cái trớ trêu của số phận, để sống và hài lòng với những gì mình có.