Xây dựng, phát triển thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II

Ngày 18/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 408/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.

Đây là cơ sở quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Tp. Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh, trung tâm du lịch, văn hoá- lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.

Phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại

Nhiệm vụ qui hoạch thành phố Điện Biên Phủ cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện biên lần thứ XIV xác định “tập trung huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại; phấn đấu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II.

Để hoàn thành nhiệm vụ Đại hội tỉnh đề ra, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của tỉnh Điện Biên, Sở Xây dựng Điện Biên tiếp tục tập trung bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Xây dựng và tỉnh, đặc biệt là Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 18/4/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.

Theo phê duyệt, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 30.657,79 ha với 12 đơn vị hành chính - bao gồm 07 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 05 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang).

Quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cần đặt quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên Phủ trong tổng thể không gian quy hoạch tỉnh Điện Biên, quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc, quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Trung, Việt Lào, các quy hoạch ngành quốc gia; bám sát các định hướng phát triển của Đảng, của Chính phủ.

Quan điểm phát triển thành phố Điện Biên Phủ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn và cụ thể hóa các định hướng phát triển chính của Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên - Pá Khoang. Dáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư; đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; phát triển bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở để triển khai các đề án, chương trình phát triển đô thị, nâng loại đô thị.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, quy hoạch thành phố Điện Biên Phủ khi được phê duyệt là cơ sở để xây dựng, phát triển thành phố theo hướng xanh, bền vững; phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội - văn hóa – môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Điện Biên Phủ
Thành phố Điện Biên Phủ mang dáng dấp của một đô thị hiện đại

Mô hình và hướng phát triển đô thị phải có tính kế thừa

Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - văn hóa của tỉnh Ðiện Biên, song với nền tảng quy hoạch chung TP. Ðiện Biên Phủ được phê duyệt từ năm 2011 chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, tính chất, chức năng của thành phố Điện Biên Phủ cần nghiên cứu và bổ sung so với đồ án Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ được duyệt năm 2011 để đảm bảo thành phố phát huy được tối đa các lợi thế về văn hóa, lịch sử cách mạng, về vị trí, vị thế, vai trò của một đô thị cửa ngõ của vùng Tây Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc và việc mở rộng địa giới hành chính thành phố bao trùm lên toàn bộ phạm vi của Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Về mô hình và hướng phát triển đô thị cần phân tích đánh giá mô hình phát triển đô thị đã được đề xuất trong Quy hoạch năm 2011, phân tích thực trạng phát triển đô thị theo mô hình đã được đề xuất, phân tích về hiện trạng sử dụng đất, xu hướng phát triển các khu vực chức năng, các dự án đang triển khai và các dự án đang nghiên cứu đề xuất để có tính kế thừa. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần xác định tính chất, chức năng đô thị phù hợp với các định hướng phát triển được xác định trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc và tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ.

Mô hình và hướng phát triển cần lồng ghép, kế thừa được các định hướng phát triển chính của Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang và gắn kết được không gian giữa khu vực nội - ngoại thị.

Nghiên cứu mô hình và hướng phát triển đô thị phù hợp với tính đặc trưng về địa hình, cảnh quan, môi trường và văn hóa, xã hội (cảnh quan sông Nậm Rốm, cánh đồng Mường Thanh, địa hình đồi núi cùng với bản sắc văn hóa, lối sống của các dân tộc trên địa bàn…); đặc biệt phải gắn với việc bảo tồn phát huy hệ thống các di tích lịch sử thuộc Khu du lịch Quốc gia đặc biệt "Chiến trường Điện Biên Phủ"…

Đồ án quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045 sẽ hoạch định một chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, là nền tảng, là xương sống cho mọi sự phát triển của thành phố và làm cơ sở để lập kế hoạch xây dựng cho tương lai, nhằm tạo những bước phát triển mạnh mẽ mang tính đột phá và bền vững, trên cơ sở nắm bắt những vận hội mới, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nổi trội mà không nơi nào có được, đặc biệt là giá trị lịch sử cách mạng của Chiến thắng Điện Biên Phủ để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành “Thành phố du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Điện Biên, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc; Đầu mối giao lưu về kinh tế đối ngoại và văn hóa, du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar; Trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc”. Ông Nguyễn Thanh Phong – Giám đốc Sở xây dựng Điện Biên cho biết.

Hoa Lê